Chỉ vào củ tiết trúc nhân sâm đang được đặt lên chiếc cân trong nhà, ông Minh ở Sapa (Lào Cai) khoe: “Củ này được tìm thấy gần đỉnh núi dãy Hoàng Liên Sơn, cực quý hiếm vì giờ số lượng có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Ông Minh cho biết, củ sâm vẫn còn tươi nguyên lá, trọng lượng đạt 1,05kg, độ dài khoảng 80cm, số đốt đếm được trên 80 - mỗi đốt tương đương một năm tuổi. Thế nhưng, 80 đốt mắt là những đốt ông đếm được, còn một đoạn nữa do cây quá nhiều tuổi, bị mối ăn mất một ít phần vỏ nên không thể đếm được đốt ở đoạn này. Củ này được một người đi rừng tìm được trên vách núi với độ cao 2.300 mét gần đỉnh Hoàng Liên Sơn.
Vừa qua có rất nhiều khách điện thoại trả giá hàng trăm triệu đồng để mua củ tiết trúc nhân sâm này nhưng ông chưa đồng ý bán.
Củ tiết trúc nhân sâm của ông Minh đang sở hữu nặng tới hơn 1kg. |
Theo ông Minh, giống sâm này trước kia được tìm thấy khá nhiều ở Tây Tạng trên độ cao từ 4.000-5.000m. Nhưng loài sâm này sau đó cũng cạn kiện hoàn toàn do bị khai thác triệt để.
Ở nước ta, tiết trúc nhân sâm được tìm thấy trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Loài sâm này mỗi năm một lần rụng lá và mọc thêm một đốt. Mỗi năm nó chỉ ra 3-4 lá và mỗi lá có 7 thùy. Củ sâm mọc ngẩng lên trời, nhưng được vài năm, thân nặng quá, lại gục xuống, rồi bị mùn lá phủ lên che kín, thành thử phần thân nó chìm trong đất đá.
Ông Minh cũng cho hay, thực tế tên tiết trúc nhân sâm là tên người Trung Quốc dùng để gọi loại thảo dược quý hiếm này. Còn ở Việt Nam, đồng bào dân tộc thường gọi là tam thất hoang (tam thất rừng) hay củ thằn lằn đá. Tuy nhiên, chúng khác với tam thất hoang khác là ở độ cao. Tiết trúc nhân sâm thường được tìm thấy ở độ cao trên 2.000m, còn tam thất rừng được tìm thấy nhiều ở độ cao thấp hơn.
Tuổi đời ước tính của củ tiết trúc nhân sâm này khoảng gần 100 năm. |
Sở dĩ chúng có giá cao ngất ngưởng là vì tính dược liệu của loại sâm trúc này tương đương với sâm Ngọc Linh. Hiện nay chúng cũng đang dần cạn kiệt nên những củ sâm có tuổi đời khoảng gần 100 tuổi cho đến 200-300 triệu thuộc hàng cực kỳ hiếm.
Trước đó, vào năm 2015, “người rừng” Trần Ngọc Lâm - người bị ung thư phổi chờ chết 15 năm trước đó - đã vào rừng Hoàng Liên Sơn, trèo lên tận đỉnh Fansipan và phát hiện ra nhiều cây thuốc quý. Trong đó, ông đã tìm được một củ tiết trúc nhân sâm 800 năm tuổi ở độ cao 2.700m.
Theo các nhà khoa học, “cụ sâm” 800 năm tuổi của ông Lâm tìm được không thể định giá nổi. Bởi không thể kiếm đâu ra được củ thứ hai có tuổi thọ lớn tới vậy ở Hàn Quốc và Triều Tiên. Ở Việt Nam, củ tiết trúc nhân sâm có tuổi đời 200-300 năm đã là quá hiếm.
Ông Minh tiết lộ hiện nhiều người đang hỏi mua củ này với giá hàng trăm triệu đồng. |
Thời đó, nếu đem bán có thể được tiền tỷ, nhưng ông Trần Ngọc Lâm quyết tâm không bán, đem chặt khúc phân phát cho bạn bè hàng xóm mỗi người một ít, số còn lại ông ngâm rượu để uống chơi.
Trao đổi với PV.VietNamNet, lương y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch thường trực Hội đông y Ba Đình, cho biết, gọi là tam thất rừng hay tiết trúc nhân sân là tùy từng nơi. Nhưng tiết trúc nhân sâm là tên gọi cổ. Và nếu đúng là tiết trúc nhân sâm mà củ lên tới trọng lượng hơn 1kg, tuổi gần 100 năm thì thuộc hàng quý hiếm, giá trên thị trường lên đến hàng trăm triệu.
Theo lương y Minh, ngay cả sâm Ngọc Linh, tiết trúc nhân sâm hay tam thất rừng thường cũng vậy, những củ thuộc hàng khủng giá trị của nó luôn phụ thuộc vào người mua. Nếu người mua thích có thể trả giá tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng và ngược lại. Còn là hàng thật hay giả thì phải đem đi xét nghiệm mới biết chính xác được.