Xưa mặt hàng trong chợ chủ yếu là hàng quê, phục vụ người dân mấy xã lân cận. Bây giờ, hàng hóa phong phú, người đi chợ đông hơn nhưng có một thói quen không thay đổi, đó là người già cũng như trẻ, bất kể đi bộ hay xe máy đều xách theo chiếc làn nhựa hoặc làn mây.
Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn xã Liên Chung cấp phát túi thân thiện với môi trường cho người dân. |
Cụ Nguyễn Thị Gái gần 80 tuổi, ở thôn Hậu nói: "Nhà cách chợ quê hơn một km nên từ trước tới nay tôi đều đi bộ đến chợ. Khi trẻ thì mang theo quang gánh còn bây giờ già rồi chỉ xách làn. Điều này thành lệ rồi, chẳng ai bỏ đâu. Còn túi ni-lông à, tôi nghe người ta nói nó ảnh hưởng đến môi trường nên rất ít khi dùng".
Không thể phủ nhận tiện ích mà túi ni-lông mang lại nhưng nó cũng đang gây hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng nếu không sử dụng đúng cách. Theo chị Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liên Chung, nếu bình quân một ngày, một hộ dân dùng 5 - 7 túi ni-lông thì 2.000 hộ trong xã sẽ dùng và xả ra môi trường hơn 10kg túi ni-lông. Trong khi đó, loại túi này khó phân hủy.
Dùng làn đi chợ là thói quen của rất nhiều chị em phụ nữ ở Bắc Giang và Hải Dương. |
Vì vậy, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã luôn quan tâm khuyến khích hội viên mang làn đi chợ, hạn chế dùng túi ni-lông.
Được biết, cũng trong một số phiên chợ, Hội phối hợp với Đoàn xã và Chi đoàn Thanh niên khối Văn hóa huyện Tân Yên tổ chức tuyên truyền lưu động về tác hại của túi ni-lông với sức khỏe con người và môi trường; đồng thời cấp phát miễn phí 100 túi thân thiện môi trường.
Có mặt tại phiên chợ quê ở xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà (Hải Dương), chúng tôi rất ngạc nhiên trước hình ảnh cầm làn đi chợ của các chị, các bà.
Bà Nguyễn Thị Mai, ở xã Quyết Thắng cho biết: “Túi ni-lông vừa ô nhiễm môi trường, vừa không đảm bảo an toàn thực phẩm nên chị em xã Quyết Thắng chúng tôi bảo nhau đi chợ là dùng làn hết.
Loại bỏ túi ni-lông là cách để bảo vệ sức khỏe gia đình và bảo vệ môi trường chung. |
Năm nay đã ngoài 70 nhưng và Đào Thị Mác vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Ngày nào bà cũng đến chợ với chiếc làn nhựa trên tay, bà cho biết: “Lúc nào tôi cũng mong muốn mọi người sử dụng làn thay cho túi ni-lông, vì túi ni-lông rất độc hại. Nếu cần bọc hay gói thực phẩm tôi thường dùng giấy báo chứ nhất định không sử dụng túi ni-lông.
Bà Đồng Thị Nhuẫn, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Quyết Thắng cho hay: “Hội đã tuyên truyền vận động hội viên, đặc biệt là các cụ cao tuổi thường xuyên dùng làn đi chợ, thay vì sử dụng túi ni-lông để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình cũng như bảo vệ môi trường cho cộng đồng”.
Tại xã Cẩm Chế, mô hình "Đi chợ cùng làn nhựa" đã được Hội phụ nữ triển khai trong dịp ngày Môi trường thế giới từ năm 2015 và duy trì cho tới ngày nay. Hội phụ nữ xã tặng hàng trăm làn nhựa cho các hội viên. Chính vì vậy, trước đây, toàn bộ thực phẩm mua ở chợ đều đựng trong túi ni-lông, đến nay tất cả đều được đựng trong chiếc làn. Phong trào sử dụng làn đi chợ đã trở thành nét đẹp của chị em phụ nữ góp phần bảo vệ môi trường.
Không chỉ độc hại, túi ni-lông còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. |
Bà Tiêu Thị Đào, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cẩm Chế thông tin: “Năm 2015 chúng tôi tặng làn cho 50 hội viên, sang năm 2016 chúng tôi tiếp tục tặng thêm 50 chiếc nữa. Đa phần chị em đều rất khấn khởi, bởi việc sử dụng làn nhựa giúp giảm tải việc dùng túi ni-lông..
Theo tính toán sơ bộ, mỗi ngày, một người đi chợ sẽ sử dụng trung bình 10 túi ni-lông. Những chiếc túi này là một lượng rác lớn khó phân hủy khi được thải ra môi trường. Mô hình sử dụng làn đi chợ đang được Hội phụ nữ huyện Thanh Hà nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Túi nilon làm bằng nhựa PE hoặc nhựa PP (hai loại nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ). Hai loại nhựa này không chứa chất độc hại, nhưng các chất làm mềm dẻo, thêm vào trong quá trình tái chế nhựa thành túi nilon lại rất nguy hiểm với sức khỏe con người. Nếu đựng đồ nóng, những chất phụ gia này sẽ ngấm vào thực phẩm và tăng nguy cơ mắc ung thư.
Đựng thực phẩm nóng bằng túi nilon rất có hại, nhưng đựng thực phẩm tươi bằng loại túi này còn độc hại hơn. Nhiều bà nội trợ có thói quen để nguyên túi rau, thịt, cá mua ngoài chợ, nhét vào tủ lạnh. Thói quen này cũng nên từ bỏ bởi các chất trong túi nilon sẽ bị thôi nhiễm và ngấm vào thức ăn mà mắt thường không thể phân biệt được.