Tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc, các nhà khoa học sau khi đăng bài "Thiết bị tiết kiệm 30% nhiên liệu động cơ: Không hiệu quả, chỉ là quảng cáo!". Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và cung cấp thêm thông tin về việc thử nghiệm thiết bị (iE) được cho là tiết kiệm nhiên liệu này.
Chuyện không tưởng!
TS Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Xí nghiệp Công nghiệp & Dịch vụ ô tô (ISAMCO), thuộc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn cho rằng, các hãng xe chỉ cần nghiên cứu tiết kiệm nhiên liệu khoảng 5% là quá thành công rồi. Một số hãng xe đã nghiên cứu đưa turbo charge (bộ tăng áp) vào động cơ, giúp tăng công suất động cơ, đây không phải là vấn đề mới. Những xe này thiết kế gián tiếp bên ngoài ống nạp chứ không thiết kế bên trong ống nên không ảnh hưởng đến kết cấu trên đường ống nạp. Trong đường ống nạp có nhiều hệ số cản khí, khi lắp thiết bị vào dễ gây cản khí. Nguyên lý turbo charge phải dùng một dòng khí thải với áp lực lớn làm quay, từ đây sẽ nạp không khí vào mới đủ sức tăng hệ số nạp. Nếu không đủ khí nạp, cản khí, sẽ gây tốn nhiên liệu.
TS Nguyễn Ngọc Linh giải thích: Vấn đề động cơ xe tiêu hao nhiên liệu không phải chỉ phụ thuộc quá trình cháy mà ít nhất nó liên quan tới vài chục yếu tố, trong đó có quá trình sử dụng. Công suất động cơ cũng liên quan tới nhiều vấn đề như quá trình phun, xoáy lốc, tự cháy, đặc điểm nhiên liệu... Mặt khác, vật liệu làm thiết bị iE có đảm bảo về sức bền, cùng nhiều tiêu chuẩn đối với vật liệu khi lắp ráp vào hệ thống động cơ xe hay không? Trong quá trình sử dụng bị nếu vỡ, rơi vào động cơ thì gây hỏng liên hoàn động cơ. Còn nói thiết bị này lắp cho xe máy lại là điều không tưởng, bởi lực hút đầu ống nạp thấp, lắp thêm vào sẽ không hiệu quả.
Không nên gắn thiết bị được cho là tiết kiệm nhiên liệu vào xe. |
Thử nghiệm trên xe máy thất bại!
Phóng viên đã liên lạc với ông Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hạt Giống Số (TPHCM), thành viên nhóm sáng chế thiết bị. Ông Thuần khẳng định: "iE chỉ là thiết bị hỗ trợ bổ sung chứ không can thiệp vào động cơ hiện hữu, đối với xe đời mới có hệ thống phun xăng điện tử thì gắn cục này giúp tiết kiệm không nhiều, còn với xe đời cũ, diesel hoặc dùng xăng mà chưa có phun xăng điện tử thì rất hiệu quả".
Khi được hỏi những thông số công bố như "tiết kiệm nhiên liệu tới 30%, giảm khói thải động cơ tới 90%" do tổ chức, đơn vị nào kiểm định? Ông Thuần cho hay: "Thiết bị tiết kiệm nhiên liệu tên iE đã được kiểm định tại Phòng Thí nghiệm Động cơ đốt trong, trường Đại học Bách Khoa TPHCM đối với xe gắn máy và cho kết quả rất tốt. Đồng thời, chúng tôi đang gửi kiểm định chất lượng thiết bị đối với ô tô tại Viện Kiểm định Quốc gia nhưng đang đợi kết quả, chờ khi có tất cả các kết quả mới thông tin luôn thể cho báo chí".
Trả lời thắc mắc của chúng tôi: Tại sao thiết bị chưa có kết quả thử nghiệm, đã chào bán trên thị trường và đưa ra những con số tác dụng tiết kiệm nhiên liệu "khủng" như vậy? Ông Thuần giải thích: "Đang chờ bằng độc quyền sáng chế, và do bên đối tác muốn mua sáng chế nên bắt buộc không được công bố các thông tin, thông số thiết bị trong lúc này...".
Để rõ thực hư thông tin trên, phóng viên KH&ĐS đến trường Đại học Bách Khoa TPHCM tìm hiểu thì được biết: Phòng Thí nghiệm Động cơ đốt trong đã tiến hành hỗ trợ thử nghiệm thiết bị được cho là "có tác dụng tiết kiệm nhiên liệu động cơ đốt trong và giảm khói thải động cơ" của Công ty Hạt Giống Số. Việc thử nghiệm được thực hiện trên xe gắn máy nhưng không thành công và không thấy được hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu trên phương tiện này!
Một thành viên nhóm thử nghiệm cho biết: "Chúng tôi không có đánh giá chính thức, cũng không công bố kết quả nếu như thử nghiệm chưa thành công. Nếu đơn vị cung cấp nói đã thử nghiệm thành công tại trường chúng tôi thì vui lòng công bố bảng kết quả".
Không nên gắn bất cứ thiết bị nào được cho là tiết kiệm nhiên liệu vào xe gắn máy nói riêng và các dòng xe khác nói chung. Ai cũng muốn xe ăn ít xăng để tiết giảm được nhiên liệu và khí thải không gây độc hại cho môi trường, nhưng đừng nhìn thấy trước mắt mà không tính đến lâu dài. Với tất cả các dòng xe đều đã được các chuyên gia tính toán rất kỹ kết cấu động cơ khi sản xuất, chỉ một lỗi nhỏ trên sản phẩm nếu phát hiện đều phải thu hồi sản phẩm. Trong động cơ xe, các thiết bị hệ thống đều liên quan tới nhau. Dù chỉ là bổ sung thiết bị vào động cơ xe nhưng không có tác dụng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ thống động cơ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hường (Khoa Kỹ thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa TPHCM)