Thiên Ngọc Minh Uy, Nguyễn Kim được tôn vinh nộp thuế, có bất thường?

Dù đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp từ tháng 4/2017, song Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đầy tai tiếng vẫn xếp thứ 81 trong tổng số 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017.

Soi kỹ trong danh sách Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp (V1000) nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam năm 2017 có thể thấy nhiều trường hợp gây tò mò trong dư luận.
Chẳng hạn, Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (trụ sở tại A6/D11 + A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), đơn vị dính bê bối về kinh doanh đa cấp lại đứng vị trí khá cao, thứ 81, cao hơn hàng loạt các ngân hàng thương mại và các tập đoàn, tổng công ty lớn.
Hoặc, Cty TNHH Nước giải khát Coca Cola (TP HCM) vốn dính nghi án chuyển giá, trốn thuế cũng đứng số 404 trong danh sách.
Thien Ngoc Minh Uy, Nguyen Kim duoc ton vinh nop thue, co bat thuong?
 Ngừng bán hàng đa cấp, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn đóng thuế nhiều nhất
Đặc biệt, đại gia điện máy Nguyễn Kim với cáo buộc trốn thuế 150 tỉ đồng cũng lọt danh sách với vị trí 286.
Trong số 1.000 DN này, còn có tới 22 DN xổ số kiến thiết (như Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Bình Thuận…).
Riêng với trường hợp của Thiên Ngọc Minh Uy, công ty này đã chính thức chấm dứt hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp từ tháng 4/2017 sau khi chủ động nộp hồ sơ xin chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp lên Bộ Công Thương.
Trước đó, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy và chỉ ra nhiều sai phạm, ban hành các quyết định xử phạt lên đến hàng tỷ đồng.
Theo đăng ký doanh nghiệp, sau khi chấm dứt hoạt động kinh doanh đa cấp, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn còn kinh doanh 20 ngành, nghề như: hoạt động dịch vụ hôn lễ; cắt tóc, làm đầu, gội đầu; dịch vụ tắm hơi; cho thuê xe có động cơ; bán buôn máy móc thiết bị và phụ tùng máy khác...
Trong đó, ngành nghề chính là Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình. Cụ thể: Mua bán dụng cụ thể thao, hàng gia dụng, hàng may mặc, mỹ phẩm (trừ mỹ phẩm có hại cho sức khỏe con người), nông lâm thuỷ hải sản, vật liệu xây dựng; - Mua bán văn phòng phẩm, hàng kim khí, điện máy, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng (nồi cơm điện, bếp điện từ, tủ khử trùng).
Sau khi Bộ Công Thương công bố kết quả xử lý đối với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy trên một số phương tiện truyền thông có thông tin (về việc doanh nghiệp này hóa thân thành Cty TNHH Nhã Khắc Lâm và Công ty này sẽ đảm nhiệm việc tiếp tục các hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy).
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã lên tiếng khẳng định do chưa hoàn thành việc bổ sung hồ sơ, thủ tục cho việc sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nên Cty TNHH Nhã Khắc Lâm chưa được phép tổ chức bán hàng đa cấp.
Bộ Công Thương ngay sau đó đã ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác theo dõi quá trình chấm dứt hoạt động đa cấp của Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Trả lời về việc xếp hạng 1.000 doanh nghiệp này, Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị lấy số liệu các DN nằm trong danh sách V1000 là các DN đang hoạt động có số thuế TNDN đã thực nộp trong năm 2017 có trên dữ liệu quản lý thuế của cơ quan thuế (Hệ thống TMS).
Về trường hợp cụ thể của Thiên Ngọc Minh Uy, Tổng cục Thuế cho hay: Căn cứ tình hình quản lý thuế thực tế của cơ quan thuế (Cục Thuế TP. Hà Nội và Chi cục Thuế Quận 6 –Cục Thuế TP.HCM), thông tin theo dõi quản lý tra cứu trên hệ thống TMS của ngành thuế thì Thiên Ngọc Minh Uy vẫn đang hoạt động, chỉ ngừng kinh doanh hoạt động đa cấp. Đối với các hoạt động kinh doanh khác theo giấy phép đăng ký kinh doanh: Buôn bán đồ dùng gia đình vẫn đang hoạt động bình thường.
Cũng theo Tổng cục Thuế, số thuế TNDN mà Thiên Ngọc Minh Uy đã nộp trong năm 2017 tại Cục Thuế Hà Nội là 2,1 tỷ đồng, tại TP.HCM là 204 tỷ đồng (trong đó 131 tỷ đồng nộp cho các quyết định truy thu của năm trước; 72 tỷ đồng tạm nộp năm 2017).
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, đây là bảng xếp hạng được thực hiện theo đúng chỉ đạo và làm đúng các tiêu chí đã đề ra.
Trước đó, chia sẻ với Tiền Phong, Luật sư Trương Thanh Ðức (Cty Luật Basico), những DN nộp thuế lớn rất xứng đáng được tôn vinh nhưng nhìn vào danh sách có rất nhiều điều đáng lo ngại. Ðơn cử, việc có tới 22 DN kinh doanh xổ số kiến thiết nằm trong top nộp thuế nhiều nhất thì không thể chấp nhận được.
“Bản chất của xổ số là đánh bạc. Hơn nữa, đây là hình thức đánh bạc nhà nước. Với mục tiêu vui chơi có thưởng, đầu tư xây dựng nhưng thử hỏi xem những tỉnh có công ty xổ số trên ít có DN nào làm ăn “nên hồn”, toàn thấy các “ông xổ số” đứng đầu”, ông Ðức nói.

Đọc nhiều nhất

Tin mới