Vì vậy thời điểm từ sau Tết 1 tuần đến Rằm tháng Giêng, những người thợ "săn quất héo" lại tích cực đi lùng khắp nơi trong thành phố để xin cây quất mọi người bỏ đi hoặc đã chơi chán Tết mang về chăm sóc.
Một ngày lao động thành công của những chủ vườn quất Văn Giang đi xin cây. |
Khi không khí Tết đã "vãn" dần là lúc dễ dàng bắt gặp cảnh những chiếc xe máy mang biển số 89 (Hưng Yên) kèm theo giá thồ, lượn lờ trong trên các tuyến phố, các con ngõ của đường phố Hà Nội. Những ánh mắt "tăm tia" để săn những cây quất mà người dân chơi Tết xong muốn bỏ đi rồi mang về trồng lại, chịu khó chăm sóc đợi mùa sau có thể bán kiếm tiền. Họ đa số là những người chủ vườn quất bên Văn Giang (Hưng Yên), cất công qua sông về Hà Nội xin cây quất "suýt" bị bỏ phí.
Anh Hưng (Văn Giang, Hưng Yên) vừa được người dân "mở hàng" cho một cây quất vào buổi sáng. |
Năm nào cũng vậy, từ mùng 6 tháng Giêng âm lịch là anh Nguyễn Văn Hưng (Văn Giang, Hưng Yên) lại bắt đầu hành trình rong ruổi đi xe qua phà để sang những khu vực rìa trung tâm thành phố xin cây quất. Khu vực mà anh Hưng tìm kiếm thường là ở Ngọc Hồi, Văn Điển, Giải Phóng... để đi qua phà cho gần nhà.
"Khi thấy cây quất nhà ai có biểu hiện bị héo hoặc thấy ai đó vứt đi thì tôi sẽ vào xin chủ nhà. Thi thoảng có những cây quất to thì tôi gửi họ 20.000 đồng đến 50.000 đồng nhưng thường thì mọi người đều cho không lấy tiền. Thường thì một ngày tôi thu được khoảng 7 đến 10 cây, chủ yếu là cây quất bé", anh Hưng cho biết.
Khi được hỏi về giá trị của những cây quất sau khi đem về trồng, anh Hưng cũng không ngại ngần tiết lộ, nếu chăm sóc tốt thì đến Tết năm tới nếu bán được thì cũng được giá 400.000 - 500.000 đồng/cây.
Nếu không có cơ hội tới tay những "thợ săn" quất héo thì số phận của nhiều cây quất hậu Tết sẽ chỉ là... ra bãi rác. |
Để tìm hiểu kỹ hơn về việc chăm sóc quất cảnh, chúng tôi tìm gặp anh Bì Văn Thiệp (Văn Giang, Hưng Yên) - một nghệ nhân chuyên đi chăm sóc cây cảnh thuê cho những chủ vườn quất Tây Hồ, Tứ Liên.
"Quất cảnh người ta thường chiết từ cành, cây nhỏ để thu hoạch được thì thường mất khoảng hai năm. Còn những cây thế, cây lùm to thì lâu hơn. Đối với những cây quất họ đi xin của người dân thì nếu chăm sóc tốt thì Tết năm tới là có thể thu hoạch được. Vì vậy, những người chủ vườn đi thu mua quất của người dân là họ đã bớt được công chăm sóc một năm", anh Thiệp chia sẻ.
Nhiều người nếu nhìn vào số lượng cây mà những chủ vườn ở Văn Giang đi xin thì cũng ước tính được số tiền lãi khi bán cây lên đến vài triệu một ngày công bây giờ. Nhưng cái nghề trồng quất cảnh không "ngon ăn" như vậy. Bà Hiền - chủ vườn quất Thanh Thanh Hiền (Tây Hồ, Hà Nội) giãi bày, để có được một cây quất đến tay người dân thì người trồng quất phải tốn rất nhiều công sức và chi phí để mua đất phù sa, bó quất, tỉa ngọn... rồi nếu trồng 100 cây mà hỏng 10 cây là chuyện bình thường.
Có thể thấy rằng, việc những chủ vườn đi xin những cây quất mà người dân đã chơi hết Tết để đem về trồng là không tốn nhiều chi phí. Nhưng khi họ đem về trồng, để cho ra được những cây quất đẹp, có giá trị cao cho mùa sau thì lại phải đổ vào đó không ít mồ hôi công sức với hy vọng tới Tết năm sau có thể "hái tiền".