Trước thực trạng, nhà giáo có hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm với học sinh, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chấn chỉnh. Tuy nhiên, công văn chưa ráo mực, dư luận lại choáng váng trước sự việc, một số học sinh nữ tại Trường tiểu học xã An Thượng A (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tố thầy giáo N.Đ.L. (SN 1974) mở lớp dạy thêm tại nhà và có hành vi dâm ô với hàng loạt học sinh nữ dù các em còn khá nhỏ tuổi.
Vụ việc chấn động trên được phát hiện từ việc một học sinh nữ lớp 3 đã xin mẹ không đi học thêm tại nhà thầy giáo L. và khóc kể rằng: “Có hôm đến nhà thầy, thầy đã gọi lên tầng 3, đóng cửa phòng lại rồi ôm ấp, sờ soạng vào vùng kín”. Theo một số nguồn tin, ngay sau đó, thầy giáo bị tố sàm sỡ học sinh đã bị cơ quan Công an huyện Hoài Đức tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra, làm rõ.
Trường tiểu học nơi thầy L. công tác. |
Dù sự việc chưa có kết luận của cơ quan công an nhưng nếu những phản ánh của các em học sinh là thật, thì đó tiếp tục là hồi chuông báo động sự xuống cấp nghiêm trọng trong đạo đức nhà giáo ở một số bộ phận giáo viên hiện nay.
Một nhà giáo mà có hành vi sàm sỡ ngay chính các em học sinh vốn theo mình học chữ để làm người đã làm hoen ố đi hình ảnh của một nghề cao quý được xã hội tôn vinh được xây dựng qua hàng nghìn năm lịch sử và được lớp lớp các thầy cô chân chính lưu truyền và phát triển.
Không chỉ xúc phạm nghiêm trọng đến những nhà giáo chân chính mà còn làm ảnh hưởng đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Trong nghề giáo, có hai thứ một giáo viên luôn phải gìn giữ đó là đạo đức và kiến thức chuyên môn. Từ đó người thầy phải có phong cách mẫu mực, có đạo đức mới đứng lớp để dạy các em học sinh.
Việc thầy giáo sàm sỡ các em học sinh nữ mới bước lên tuổi 9, 10 là hành vi vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tạo ra ấn tượng xấu từ dư luận đối với nghề giáo cao quý.
Không chỉ vậy, người thầy giáo vốn là tấm gương của các em học sinh nhưng chính những hành vi tiêu cực đã làm ảnh hưởng tâm lý không chỉ đến các em học sinh nữ bị sàm sỡ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý chung của các em học sinh khác.
Những em học sinh nữ – nạn nhân của vụ việc còn rất nhỏ nhưng đã nhận thức được hành vi sai trái của người thầy giáo, mạnh mẽ bộc bạch sự việc với người thân trong gia đình. Thật là cay đắng khi chính những em học sinh ấy lại không muốn theo học người thầy do người thầy ấy suy thoái nặng nề về đạo đức khi có hành vi không chuẩn mực của một người thầy – sàm sỡ các em. Trong khi đó, chính người thầy thường dạy các em điều hay lẽ phải lại không nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo của mình.
Chỉ vì không vượt qua được sự dục nhục, người thầy giáo đã đẩy nhiều em học sinh thơ ngây đến nỗi sợ hãi sẽ theo các em suốt cả cuộc đời. Từ đó, khiến các em có suy nghĩ tiêu cực vào cuộc sống vốn còn rất nhiều những điều tốt đẹp.
Vụ việc trên còn cho thấy sự buông lỏng quản lý của ngành giáo dục và các cấp chính quyền địa phương khi Bộ GD&ĐT từ lâu đã yêu cầu chấm dứt tình trạng giáo viên dạy thêm tại nhà. Thế nhưng, cho đến nay, thầy L. vẫn mở lớp dạy thêm tại nhà và để xảy ra sự việc đau lòng trên.
Cô giáo bắt học sinh phải súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng, cô giáo bắt học sinh phải quỳ, giáo viên im lặng suốt 4 tháng trên bục giảng, bạo hành trẻ mầm non và đến hôm nay là thầy giáo sàm sỡ hàng loạt học sinh... là những vụ việc gây bức xúc dư luận và là minh chứng rõ ràng nhất cho sự xuống cấp đạo đức nhà giáo.
Cho dù có thể lý giải đó chỉ là bề nổi, “những con sâu làm rầu nồi canh” bởi trên khắp đất nước này, hàng trăm nghìn nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề nghiệp, có ý thức vươn lên, có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Thế nhưng, chỉ một vài vụ việc như nghi án thầy giáo dâm ô học sinh tiểu học khiến niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng đã vơi bớt đi rất nhiều.
Điều đáng buồn, trong số những vụ việc tiêu cực xảy ra tại các cơ sở giáo dục tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, người dân ít thấy sự xuất hiện chỉ đạo trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài những công văn được truyền xuống.
Để chấn chỉnh thực trạng xuống cấp đạo đức nhà giáo, rất cần sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, chứ không chỉ là những công văn chỉ đạo từ trên xuống.