Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân tử vong là chị V.T.L. 26 tuổi (Thanh Hoá). Bệnh nhân đã tử vong do cúm sau 7 ngày thở máy và điều trị tích cực.
“Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hoàn toàn không có dấu hiệu phục hồi, tiên lượng không qua khỏi nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà và tử vong”, BS Cấp nói.
BS Cấp cho biết, tại thời điểm nhiễm cúm A/H1N1 bệnh nhân L. đang mang thai ở tháng thứ 5. Bệnh nhân có biểu hiện cúm, sốt khoảng 20 ngày trước đó. Trước khi vào viện bệnh nhân bị sốt cao, khó thở, suy hô hấp. Bệnh nhân được xác định nhiễm cúm A/H1N1 và lập tức bệnh nhân được điều trị ở phòng cách ly, thở máy.
Th.s, BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Nhiệt đới TW. |
Như vậy, trong một tuần qua đây là trường hợp thứ hai nhiễm cúm A (H1N1) có biến chứng nặng được gia đình xin về sau thời gian điều trị không có kết quả. Hiện tại, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 4 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 khá nặng, đang phải thở máy.
Tại thời điểm hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có khoảng hơn chục trường hợp nhập viện do cúm. Các ca nhiễm cúm A/H1N1 tử vong là do bệnh nhân nhập viện muộn (khi đã có biến chứng tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng).
Trước những diễn biến phức tạp của cúm A(H1N1) lây từ người sang người, BS Cấp lưu ý, khi bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ cúm cần nhập viện càng sớm càng tốt. Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm. Nếu thấy có triệu chứng sốt cao, khó thở dù là người trẻ, người già, phụ nữ có thai cũng cần đến ngay các cơ sở y tế điều trị.