Anh Hồ Khanh chia sẻ, do có công tìm ra hang động nên tên ban đầu hang Sơn Đoòng được đặt là hang Hồ Khanh.
"Vua hang động"và hành trình tìm ra nhiều hang động kỳ vĩ
"Vua hang động" nhớ lại: "Năm 1990, tôi đi tìm trầm, xuyên qua những khu rừng nguyên sinh của Phong Nha - Kẻ Bàng để tìm cơ hội đổi đời. Trong một lần đi lạc, không tìm được lối ra, tôi đến một cửa hang nằm ẩn hiện dưới những lớp mây mù. Tôi đến gần, nghe gió thổi từ bên trong ra ngoài mát rượi, tưởng mình đã lạc vào chốn thần tiên nào đó vì cảnh vật chưa bao giờ thấy. Tôi không dám tiến sâu vào hang vì có tiếng hú lạ phát ra".
Hồ Khanh trở về sau chuyến đi cùng đoàn làm phim. Ảnh: Văn Được. |
Sau khi về được nhà, Hồ Khanh bỏ hẳn nghề tìm trầm. Anh vẫn là một sơn tràng, nhưng không dám thực hiện những chuyến đi sâu vào rừng rậm nữa. Hồ Khanh quyết bỏ nghề rừng sau khi lấy vợ, làm nông phu yên tâm với ruộng vườn. Những đứa con lần lượt chào đời, khiến Hồ Khanh quay trở lại, đi sâu và xa hơn vào những khu rừng ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Gánh nặng cơm áo, trụ cột gia đình như một cái duyên đưa người đàn ông này bước chân qua hàng chục hang động khác nhau trong hệ thống núi đá vôi ở vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, trải dài qua 3 huyện của Quảng Bình.
Vẻ đẹp khiến Sơn Đoòng được xem là "chốn thần tiên" ở nhân gian. Ảnh: Ryan Deboodt. |
Hồ Khanh kể, cái duyên đưa anh đến với danh hiệu "vua hang động" bắt đầu từ lần gặp gỡ với Howard Limbert - nhà thám hiểm, chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. "Năm 2008, một đoàn do ông Howard Limbert dẫn đầu đến Phong Nha để khảo sát trước khi thực hiện những chuyến thám hiểm. Ông đã tìm những người có kinh nghiệm đi rừng như tôi để thăm dò. Tôi đã kể lại tất cả những gì mình tận mắt chứng kiến, những nơi mình đã đặt chân đến khiến ông ấy tin rằng ở Phong Nha - Kẻ Bàng có vô số hang động cần khám phá", anh nói.
Khoảng một năm sau, chuyên gia hang động Howard Limbert quay trở lại Việt Nam cùng đội ngũ cộng sự và trang thiết bị để thực hiện các chuyến khám phá hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng, tiếp bước những tiền bối đã tìm ra động Phong Nha từ hơn 100 năm trước. (Theo sử liệu, động Phong Nha - kỳ quan đệ nhất động - được một linh mục người Pháp tên L.Cadiere tìm ra từ cuối thế kỷ 19). Hồ Khanh trở thành hoa tiêu dẫn đường, đi qua nhiều hang động, định danh cho những hang Tối, hang Thủy Cung, hang Lặn, hang Tượng, hang Én... Tuy nhiên, Sơn Đoòng vẫn chỉ tồn tại trong trí nhớ của Hồ Khanh một cách mơ hồ, và khát vọng cháy bỏng của Howard Limbert.
Trải qua hàng chục chuyến khảo sát của hai người đàn ông nặng duyên với hang động này, Sơn Đoòng cuối cùng cũng được tìm ra năm 2010, và công bố trên tạp chí National Geographic là hang động lớn nhất thế giới.
"Ban đầu, Sơn Đoòng được đặt tên là hang Hồ Khanh bởi theo thông lệ, tên tôi được chọn vì có công khám phá ra nơi này. Về sau, có người góp ý nên tôi chọn tên "Sơn Đoòng", vì hang ẩn sau những dãy núi xa xăm mờ ảo nhìn từ bản Đoòng của người Vân Kiều trên hành trình đến động", anh nói.
Hàng nghìn ngày theo chân các chuyên gia hang động đến từ Hoàng gia Anh đã khiến cho máu khám phá ngày một dâng cao trong huyết quản Hồ Khanh. Những hang động đem lại cho người đàn ông này sự đảm bảo thu nhập ổn định bởi khoản thù lao từ các chuyên gia nước ngoài và "vui nhất là tôi được đặt tên cho nhiều hang động mang tên vợ, con mình".
Động Thiên Đường có vẻ đẹp kỳ vĩ cũng là nơi Hồ Khanh tìm ra. Ảnh: Bưu điện Việt Nam. |
"Trong đời, có lẽ niềm tự hào lớn nhất của tôi là đã phát hiện ra 2 hang động thuộc hàng tuyệt đẹp, kỳ vĩ nhất ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đó là động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng", Hồ Khanh tâm sự.
Vượt qua vô vàn hiểm nguy của núi cao, rừng rậm, những vực sâu hiểm trở trong hệ thống núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, Hồ Khanh cùng Howard Limbert và đoàn chuyên gia hang động vương quốc Anh đã tìm ra hơn 30 hang động, góp phần tạo nên cái tên "vương quốc hang động" của vùng đất này. Hồ Khanh cũng trở thành nhân viên của đơn vị khai thác các tour du lịch ở Phong Nha.
Đầy kinh nghiệm, sức khỏe tốt giúp cho Hồ Khanh thành cái tên đắt giá nhất trong việc dẫn các đoàn du khách tham quan hang động ở Quảng Bình. Anh trở thành nhân viên của công ty lữ hành duy nhất được khai thác tour Sơn Đoòng, làm người chỉ huy, đứng đầu hơn 100 nhân viên khuân vác, phục vụ. Huân chương Lao động hạng ba là phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước ghi nhận, vinh danh công lao của Hồ Khanh cùng với Howard Limbert đối với Sơn Đoòng và hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
"Vua hang động" Hồ Khanh đang là chủ của cơ sở du lịch lưu trú Ho Khanh's Homestay đắt khách nước ngoài tại Phong Nha. Ảnh: Văn Được. |
"Khi đoàn làm phim của đài ABC đến từ Mỹ để quay phim về Sơn Đoòng và hang Én, họ đã đề xuất "không thể thiếu Hồ Khanh" trong đội ngũ dẫn đường, hỗ trợ các chuyên gia và phóng viên thực hiện chương trình truyền hình chào buổi sáng ở nước Mỹ. Nhiều người nói tôi đổi đời nhờ hang động cũng đúng, nhưng tôi lại đặc biệt thích biệt danh 'vua hang động' ở xứ vương quốc hang động này", anh chia sẻ.