“Tám” chuyện đám cưới

Dù là đám cưới thời nào, dễ hay khó, cuối cùng người ta vẫn mong mỏi hạnh phúc bền lâu cho cô dâu chú rể. 

Bạn tổ chức đãi cưới dưới quê. Bọn mình vài đứa chơi thân ham vui về tận quê bạn từ ngày hôm trước để phụ, nhưng nhất là để cùng tham dự không khí của đêm trước khi cô dâu xuất giá. Chao, vui thì thiệt là vui, có điều cả đám vui với nhau là chính, còn cô dâu bận rộn thoắt ẩn thoắt hiện, nàng đang ngổn ngang rộn ràng trước dặn dò của chú, dì, ngoại, nội…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Bọn mình ngồi một bàn tiệc nhỏ dành cho bạn bè thân thiết, “thảng thốt” nhìn cô dâu, vì con bạn ngâng ngáo ngày thường hôm nay lạ quá nhìn không ra.

- Con V. làm cô dâu đẹp bá cháy, bây!

- Cả tá người chỉ có một nhiệm vụ là làm sao cho nó đẹp nhất đêm nay mà, ha ha!

- Giờ đám cưới cũng dễ quá hén! Ngày mai ra nhà hàng còn thấy dễ nữa. Cô dâu chú rể chỉ cần làm sao cho thiệt đẹp, đứng cười thiệt tươi đón khách là được rồi, còn lại dịch vụ tiệc cưới lo từ A đến Z.

- Sướng hen! Vậy cũng đỡ. Chứ như ba mẹ tui cưới nhau ngày xưa cơ cực luôn. Đêm trước này nè, mẹ tui thức đến tận sáng để phụ làm đám tiệc đó.

- Ông nói cứ như hồi đó ông sinh rồi vậy! Đó là ngày trước. Giờ có tiền thuê dịch vụ cho khỏe. Chứ con V. cũng như tụi mình, đi làm cả ngày, thời gian, sức lực đâu mà dốc cho đám cưới như bố mẹ.

- Ê, mà tui thấy nghen, hình như ngày xưa cưới nhau cực quá, người ta cũng biết quý hơn, biết chùn lại khi nghĩ nhỡ đến lúc bỏ nhau. Tiếc công tiếc của chứ bộ! Làm gì có chuyện trai gái giao lưu dễ dãi như bây giờ, bố mẹ tui gặp nhau đã khó, nói chi đến lúc hai bên nội ngoại đồng ý cho cưới, cũng mấy phen trầy trật. Thế thì cưới được nhau rồi, sao bỏ nhau cho được.

- Ý ông là, giờ cưới nhau dễ bỏ nhau hả?

- Không hẳn. Nhưng rõ ràng là, cái gì dễ quá thì không quý. Cái đám cưới bây giờ lung linh bề mặt thôi, bà thấy không? Nghĩa là một đám cưới đẹp, lưu lại bằng phim hay ảnh đẹp, người ta chỉ cần nhìn vào đó. Vẻ đẹp đó vừa máy móc, vừa đua đòi, vì ai cũng phải làm sao cho ảnh cưới của mình đẹp nhất. Các dịch vụ ảnh cưới làm ăn ngày càng phất.

- Hiểu rồi, hiểu rồi. Ý ông là giờ đám cưới đã trở thành một dịch vụ, một hình ảnh lung linh bề mặt của xã hội hiện đại chứ gì. Cao siêu quá! Tui chỉ biết giờ cưới dễ hơn, đỡ mệt cho cô dâu chú rể, cho cả hai nhà, vậy là tốt rồi!

- Ầy, chưa chắc dễ hơn đâu nghen! Giờ mà không tiền, tui đố bà cưới ai! Một khi cưới thành dịch vụ, thì bà chỉ là khách hàng thôi. Muốn không tốn tiền chỉ còn cách tự về ở với nhau, nhưng đứa nào chịu không có một ngày đãi cưới cho bằng bạn bằng bè, không có một bộ ảnh cưới cho lộng lẫy để khoe trên Facebook hả?

- Ờ, dễ mà cũng khó quá hen!

- Cuối cùng là chuyện này. Quan trọng là bà cưới cho ai, cho bà hay cho bố mẹ, dòng họ, cho thiên hạ? Nếu chỉ cưới cho bà, có cần mời tất cả bạn bè của dòng họ mà bà chả biết là ai không? Nữa, nếu chỉ cưới cho bà chứ không vướng bận thiên hạ, bà cũng chẳng cần tổ chức đám cưới luôn.

Chu cha! Cuộc “trà dư tửu hậu” của bọn mình đã đi đến tận chỗ cực đoan. Mới nhớ ra hôm nay là đám cưới V. Tám chuyện thời trước thời nay, thì cũng chỉ vì đám cưới là một sự kiện quá đặc biệt trong đời người. Dù là đám cưới thời nào, dễ hay khó, cuối cùng người ta vẫn mong mỏi hạnh phúc bền lâu cho cô dâu chú rể. Dễ hay khó đâu chỉ là việc tổ chức “cho ra” một đám cưới, mà hơn cả, là quan niệm tình yêu - hôn nhân vững vàng hay lỏng lẻo.

Hợp đồng níu kéo hôn nhân

Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.

Ông cho là bà đến với ông vì thực dụng. Bà khẳng định, nếu không yêu, sao có thể gắn bó cùng ông suốt mười năm. Ai cũng có lý lẽ biện minh cho mục đích của mình. Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.

Nạn nhân của một sự toan tính?

Trước khi đến với nhau, ông có nhà riêng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Cưới xong, ông đón bà về chung sống, một năm sau phải chuyển chỗ ở vì nhà nằm trong quy hoạch. Tiền đền bù cộng với tiền dành dụm, ông mua hai căn chung cư, một ở Q.Gò Vấp, một ở Q.Bình Thạnh. Theo ông, đó là tài sản riêng nên sau ly hôn, phải thuộc về ông. Bà đồng ý là hai căn chung cư được mua từ tiền của ông, nhưng khoản thêm vào để mua cho đủ không phải do ông dành dụm mà là tiền mừng cưới của hai người và vay mượn người khác, nay đã trả xong. Bà khẳng định, như vậy là bà có công đóng góp và đó là tài sản tạo dựng trong quá trình hôn nhân nên ly hôn, bà phải được chia phân nửa. Tháng 9/2013, xử sơ thẩm, tòa tuyên ly hôn theo yêu cầu của ông, tài sản là của riêng ông, không phải chia cho bà. Thuận tình với bản án ly hôn nhưng bà kháng cáo quyết định không chia tài sản.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Phiên phúc thẩm ở TAND TP.HCM sáng 22/1, phản bác lý lẽ của bà, ông nói: “Khi đến với nhau, bả đâu có gì, mọi khoản lo đám cưới đều tự tôi bỏ ra thì tiền mừng cưới tất nhiên tôi phải thu về, là của tôi”. Bà nghe vậy, rưng rưng: “Của chồng, công vợ. Tôi sống với ông mười năm, nay ly hôn trong tình cảnh bệnh tật, không tiền bạc, không chốn dung thân, mong ông nghĩ lại”. Tòa cũng giải thích, dù thời gian chung sống không quá dài nhưng không phải là ngắn để ông có thể quay lưng trong hoàn cảnh bà không có gì để ổn định cuộc sống riêng. Ông quả quyết: “Tôi không chia cho ai hết. Đi bộ đội về tay trắng, tự tôi gầy dựng, tất cả là mồ hôi nước mắt của tôi”. Nói xong, ông bất ngờ... chảy nước mắt, chùng giọng kể về cuộc hôn nhân mà theo ông, bản thân mình là nạn nhân của một sự toan tính…

"Sòng phẳng"

Ông đã 65 tuổi, từng có một đời vợ và hai con. Ly hôn một thời gian khá lâu ông mới đến với bà - nhỏ hơn ông 18 tuổi. Ông chậm rãi: “Đó là năm 2002, trong một cuộc họp mặt bạn cũ, người bạn nói có cô em vợ độc thân muốn làm mai cho tôi. Tuổi này, nghĩ mình cũng cần một người để sớm hôm chăm sóc cho nhau nên tôi thuận lòng”. Đám cưới diễn ra sau chưa đầy hai tháng tìm hiểu, nên chung sống ông mới nhận ra đó là một sai lầm. Sở dĩ ông mua hai căn chung cư vì nhận thấy mâu thuẫn giữa bà và các con ông ngày càng trầm trọng. Ông và bà ra riêng, hạnh phúc kéo dài đến năm 2009 thì mọi sự thay đổi. Đăng ký cho bà học một lớp kế toán, ông không ngờ đã tạo cơ hội để bà có nhân tình. Một hôm, bà về khoe với ông là mình đang có thai, hỏi: “Anh sẽ cho mẹ con em những gì?”. Đã mất lòng tin vào sự thủy chung của người đầu ấp tay gối nên ông đanh giọng: “Cô sinh xong rồi thử ADN, nếu con tôi cô muốn gì được nấy, nếu không thì tôi không có trách nhiệm”.

Câu trả lời của ông khiến bà giận, vài tuần sau thì thông báo… sẩy thai. Hai người sống với nhau trong ngờ vực thêm một thời gian thì bà bất ngờ gửi đơn xin ly hôn. Ông năn nỉ, thuyết phục, cuối cùng bà đồng ý rút đơn nhưng đổi lại, một hợp đồng níu kéo hôn nhân được lập giữa hai người. “Hợp đồng” ghi rõ: nếu bà sống đúng với vai trò, trách nhiệm của người vợ; gia đình yên ổn, hạnh phúc thì sau này có chuyện gì, trong trường hợp ông mất trước, tất cả tài sản sẽ để lại cho bà; còn nếu ông đòi ly hôn trước, sẽ phải chia cho bà 60% tài sản. “Hợp đồng” ký kết không lâu thì chính ông đứng đơn xin ly hôn. Ông lý giải: “Tôi chịu không thấu nữa. Một phần, tôi đâu làm gì mà bà ấy liên tục gửi đơn tố cáo tôi bạo hành, gia trưởng, có hành vi thô lỗ. Phần khác, bà ấy vẫn lén lút với nhân tình. Ngày nào tôi cũng nhận tin nhắn chửi bới, xúc phạm từ tình nhân của bà ấy”. Bà phản bác, những gì ông nói đều không có chứng cứ nên bà không muốn cãi. Giải thích chuyện thực dụng, bà quả quyết, nếu không yêu, cuộc hôn nhân liệu có thể kéo dài đến ngần ấy năm?

Hợp đồng vô giá trị

Tòa xác định, về pháp lý, hợp đồng níu kéo hôn nhân giữa hai người hoàn toàn không có giá trị; nhưng nếu xét về tình, “sức nặng” của nó có hay không tất cả thuộc về ông. Chậm rãi trình tòa bản xác nhận tài sản, ông kể: “Một hôm, bà ấy đòi chia đồ đạc trong nhà, cái gì của ai người đó lấy. Tôi với bà ấy ngồi kê chi tiết từng món đồ của mỗi người, từ chiếc giường đến ti vi, bộ bàn ghế. Cái nào lấy được bà ấy đã mang đi hết, cái nào không lấy được thì ép tôi mua. Không có tiền, tôi phải vay mượn để mua lại. Bà ấy tính toán sòng phẳng đến vậy thì đòi hỏi tình nghĩa gì ở tôi?”. Bà im lặng. Tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bà.

Ông hoan hỷ sau phán quyết của tòa. Trong khi bà lầm lũi bước nhanh thì ông kéo tay người dự khán kể chuyện. Tổng kết cuộc hôn nhân, ông nói, ngày này là cái giá - ra đi tay trắng - bà phải trả cho sự thực dụng, tính toán khi đến với ông. Ngày này cũng là cái giá - hôn nhân đổ vỡ - ông nhận lãnh cho sự vội vàng, không tìm hiểu kỹ… Ly hôn là chuyện riêng của mỗi gia đình, phải là người trong cuộc mới hiểu hết những khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh suốt quá trình chung sống. Nhưng, mười năm hôn nhân lẽ nào chỉ có sự toan tính tồn tại? Phải còn có những yêu thương, nghĩa tình mà những người trong cuộc hoặc đã quên, hoặc không muốn nhắc đến nên mới quá lạnh lùng, sòng phẳng với nhau…

Hôn nhân thực chất là cuộc cởi đồ toàn diện

Không lẽ tờ hôn thú ngày càng mất giá trị, khi bạn bè tôi đã lựa chọn tình yêu, chứ không lựa chọn tờ hôn thú?

Tôi có rất nhiều người bạn chưa từng cưới chồng hoặc chưa hề dám cưới vợ. Thực tế, họ vẫn có cuộc sống tình cảm và thậm chí cả cuộc sống lứa đôi gia đình hạnh phúc, chỉ là họ chưa đăng ký kết hôn mà thôi.

Yêu rồi quên cưới

Bạn bè tôi, có người đã sống với người vợ chưa hôn thú thứ hai(!), có người đã bước qua cuộc sống trăng mật với người chồng chưa cưới tới… năm thứ mười.

Tôi rất ngạc nhiên bởi “ăn cơm trước kẻng”, hoặc “sống thử” dường như chỉ nghe nói nhiều ở giới nghệ sĩ đầy mình cá tính, hoặc ở lứa sinh viên, đến với nhau vì nghèo và ít điều kiện để lựa chọn.

Tôi chỉ hỏi những người bạn ấy: Tại sao các cậu không cưới nhau? Bạn bè tôi thường tránh trả lời. Có thể câu trả lời sẽ làm tổn thương họ hoặc làm tổn thương người họ yêu. Hoặc quá dài.

Tôi thường tò mò hỏi nữa, vậy có yêu nhau không, có ý định gắn bó lâu dài không? Câu này thì tất cả đều gật đầu, nói có.

Không lẽ tờ hôn thú ngày càng mất giá trị, khi bạn bè tôi, có công ăn việc làm, có thu nhập và học vấn, đã lựa chọn tình yêu chứ không lựa chọn tờ hôn thú?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tôi lại hỏi lại, vậy nếu thật sự yêu nhau lâu như thế, đã sống cùng nhau hoặc đã giữ quan hệ tình cảm và kinh tế y như của vợ chồng, chỉ còn thiếu tờ giấy đăng ký kết hôn, vậy tại sao không cưới? Cũng không ai trả lời thẳng.

Trong số bạn bè tôi quen, chỉ có một đôi sau thời gian “sống thử” đã cưới nhau thật, đó là khi người vợ mang bầu đứa con đầu lòng. Họ đăng ký kết hôn vì tương lai của đứa con chứ không phải vì bất kỳ điều gì khác.

Không lẽ tờ hôn thú ngày càng mất giá trị, khi bạn bè tôi, có công ăn việc làm, có thu nhập và học vấn, đã lựa chọn tình yêu chứ không lựa chọn tờ hôn thú? Hay bởi họ yêu nhau lâu quá rồi, lâu tới mức không buồn cưới nhau nữa?

Lần này thì khá nhiều anh bạn tôi đồng ý. Bạn tôi nói, sống chung ba bốn năm rồi, cái gì cũng đã biết hết về nhau, ngay cả thói xấu nhất cũng như bộ quần áo rách nhất, vậy thì cưới chỉ còn là thủ tục, thích cưới lúc nào chả được, vì cưới xong cũng chả có gì thay đổi trong cuộc sống cả!

Còn người bạn gái học chung cấp ba với tôi, đã yêu suốt bảy năm trời thì nói: chồng (chưa cưới) của tớ nói y hệt như thế đấy. Sống thế này khác gì đã cưới, lúc nào cũng ở trong tuần trăng mật, lại rất thuận lợi cho sự nghiệp, năm ngoái lại mới mở công ty, nên cứ dồn sức để sống và… yêu, kết hôn là thủ tục sẽ làm vào lúc chẳng đặng đừng.

Tôi rất muốn hỏi lúc chẳng đặng đừng là lúc nào? Bạn tôi chỉ kể thêm, người yêu bạn bây giờ, thời sinh viên đã sống chung với bạn gái ba năm, thế mà rồi sau còn bỏ nhau, chỉ vì cô kia không đợi được, ra trường cứ đòi cưới, rồi cuối cùng bỏ đi lấy chồng. Còn bạn tôi, bạn tôi không đợi đám cưới.

Tôi hỏi tại sao? Cô bạn nói, gia đình cô cũng luôn gây sức ép, nhưng hiếm gì gia đình có hôn thú mà bất hạnh, hiếm gì những đứa con sinh ra không được bố nó đoái hoài, cưới mà chấm hết thì thà không cưới mà hạnh phúc còn hơn. Cho dù miệng lưỡi thế gian cũng cay nghiệt lắm – cô công nhận! Và thực ra bạn tôi cũng muốn có được… một bộ ảnh cưới đẹp lung linh, muốn lắm chứ!

Ông xã của bạn tôi đi tới, mỉm cười, nói đùa rằng: trên tay em đã có nhẫn kim cương của anh, em còn cảm thấy thiếu hay sao? Nếu anh và em cưới nhau bảy năm rồi, thì liệu ngày hôm nay em có yêu anh như thế này không, hay lúc đó em sẽ ngồi nói kể tội anh và than vãn gia đình nhà chồng?

Cưới rồi quên yêu

Đó là sự thật. Người vợ bảy năm sau đám cưới sẽ ngồi khen con và chê chồng giữa đám bạn bè, như tôi và lũ bạn đàn bà cùng lớp cũ, chứ khó có thể như cô bạn tôi, xinh đẹp và hạnh phúc trong tuần trăng mật lứa đôi.

Thật khó nói được những gì chúng ta được và mất từ trong hôn nhân. Có nhiều người sau đám cưới mới được nhìn thấy toàn bộ thân thể người yêu, cũng như nhận ra toàn bộ cuộc sống thật đời thường của người mình vẫn yêu.

Tôi vẫn nhớ một cuốn sách có lời khuyên các cô gái trẻ đang tuổi yêu, hãy luôn mặc bộ đồ lót xinh đẹp bên trong bộ quần áo thời trang của bạn, bởi biết đâu, bạn sẽ gặp người đàn ông bạn yêu tối nay và rồi… sẽ cởi đồ trước chàng. Mà không gì làm chúng ta vỡ mộng thê thảm hơn việc, phát hiện đằng sau vẻ đẹp đẽ hấp dẫn, cô ấy (hay anh ấy) thực ra có một vết thủng trên quần đùi, hoặc một chiếc áo lót ố vàng cũ kỹ.

Tôi thấy hôn nhân thực chất là một cuộc cởi đồ toàn diện, cả về tính cách, thói quen sống lẫn kinh tế. Sau cưới, người đàn ông và người đàn bà sẽ trần trụi trước nhau, không phải chỉ khi tắt đèn trong phòng ngủ. Và những ngõ ngách của cuộc sống khi bị phơi trần ra, không còn thơ mộng như lúc ta chỉ gặp nhau đôi phút trong ngày, uống cùng một tách cà phê, trao cùng nhau một nụ hôn, rồi ai về nhà người nấy.

Cưới rồi, quên yêu là vì thế. Và tất cả những bạn bè cũ chúng tôi, lứa đã chồng con hay vợ con đề huề, đều ít nhiều trở thành nhân chứng cho điều đó. Không phải vì tình yêu không quan trọng trong cuộc sống gia đình, mà là vì chúng ta phải nhớ quá nhiều nghĩa vụ, đã quên dành ra thời gian để hôn nhau.

Quên cả cảm giác sợ sẽ mất nhau. Quên cả sự rung động mong nhớ khi không được gặp. Và lại có thêm nhiều thời gian nhìn thấy lỗ thủng trên quần đùi hoặc vết ố vàng trên áo lót.

Có nhiều cô cậu sinh viên đã góp gạo thổi cơm chung chỉ vì yêu nhau và tiết kiệm không gian, tiết kiệm tiền, không có nhiều lựa chọn. Có nhiều đàn ông đàn bà trưởng thành đã chọn cách này lại bởi yêu nhau và đã có được quá nhiều không gian, có được nhiều tiền, và lại có rất nhiều sự lựa chọn.

Thế mà vừa rồi, tôi lại nhận được thiệp mời cưới vào tháng sau của hai người bạn đã yêu nhau gần mười lăm năm, mà không cưới. Tôi hỏi, có phải cuộc marathon yêu chấm dứt?

Cô bạn tôi nói, không, cưới xong, hai chúng tôi vẫn ai ở nhà nấy, và ít nhất sẽ vẫn không thể đẻ con cho tới năm bốn mươi tuổi.

Vì sao vậy? Bạn tôi nói vì quá bận, anh kia đi làm về tối nhậu nhẹt bia bọt, la cà bạn bè, cưới hay không cưới thì vẫn chín mười giờ mới vác mặt về ăn cơm nguội của mẹ. Bạn tôi là bác sĩ, tan sở phải chạy ra phòng khám riêng làm cho tới chín rưỡi tối, mười giờ về nhà ăn uống tắm giặt lăn ra ngủ, sáu giờ sáng đã phải rắp ranh lên bệnh viện sớm, chưa kể những ngày cuối tuần trực cấp cứu. Làm gì còn thời gian dành cho nhau. Có cưới thì cũng vẫn sống riêng như hồi còn yêu.

Bây giờ đến lượt tôi buột miệng nói, nếu vậy, thì cứ yêu nhau tiếp đi, chứ cưới nhau làm gì?

Đọc nhiều nhất

Tin mới