Ảnh minh họa. |
Đi chùa mà người ta chen nhau, xô đẩy để chen vào cáp treo, tranh giành chỗ để đặt lễ, những tiếng kêu vì bị giẫm vào chân, bị đẩy vào người, bị mất đồ... tất cả cứ nháo nhào cả lên.
Chẳng còn biết cảnh sắc xung quanh ra làm sao, chỉ thấy toàn người là người. Những bộ mặt cáu kỉnh, bực bội, mệt mỏi, lo lắng... đến phát khiếp. Đi chùa mà người ta ăn thịt gà nhồm nhoàm, vứt xương, vứt rác bừa bãi... thật phản cảm không chịu nổi.
Thế nên đã lâu rồi tôi rất sợ đi chơi đúng mùa lễ hội. Đi chùa Hương, Yên Tử tôi hay chọn lúc hết hội, hoặc vào dịp sang thu. Con suối Yến trong trẻo vì vắng người, nhìn rõ cả những cây rong dưới nước, đẹp và thanh bình khác hẳn lúc đúng hội cứ đục ngầu, nháo nhào, nhộn nhạo. Đường Tùng (Yên Tử) thanh vắng khiến lòng người yên tĩnh lạ lùng. Vừa đi vừa ngắm cảnh, thong thả, tự nhiên thấy được gần gũi với thiên nhiên, với các bậc tiền nhân đến vậy. Có lẽ đó là vì tôi chỉ đi vãn cảnh thôi, còn nếu đi lễ người ta vẫn cứ phải về đúng hội.
Tất nhiên đã là hội thì phải đông. Có đông mới vui, mới đúng tính chất của lễ hội. Nhưng dù có đông đến đâu nhưng nếu tổ chức tốt thì cũng không đến nỗi lộn xộn như vậy.
Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các địa phương. Tại sao đã nhắc nhở thế mà tại các chùa từ các ban thờ, trước các tượng Phật, thậm chí trước các gốc cây... người ta vẫn đặt la liệt tiền lẻ. Vì cứ người nọ theo người kia. Mà cũng vì các chùa vẫn đặt la liệt những hòm công đức.
Tại sao đến chùa, đến cửa Phật mà người ta vẫn sát sinh, vẫn ăn thịt, uống rượu bia như thế? Vì nhà chùa không cấm, không có những quy định đi lễ thì phải ăn mặc ra sao, đi đứng thế nào, mang đồ lễ gì...
Hoặc có quy định nhưng chẳng có ai giám sát. Chẳng những thế, ngay trước cửa chùa người ta vẫn bán thịt thú rừng treo cả con, lủng lẳng những cái đầu nai, những bộ xương dê... nhìn rất khủng khiếp... Vậy mà chẳng ai cấm.