“Rước thứ đó về để nó lên đầu mày ngồi à?“

Mẹ và chị hai tôi cứ sợ tôi quá cưng chiều, nàng sẽ trèo lên đầu, lên cổ tôi.

Tôi nghĩ mình thật xui xẻo khi bị mẹ và chị hai bắt gặp tại trận đang đi cùng Tuyết Anh ngoài đường. Nói xui xẻo là vì ít khi nào mẹ tôi ra khỏi nhà mà lại đi xa như vậy. Bộ Sài Gòn hết chỗ ăn, chỗ chơi rồi hay sao mà xuống tận quận 10 vậy trời!

Hôm đó tôi chở Tuyết Anh đi ăn hủ tiếu sa tế ngoài Chợ Lớn về. Xe đang chạy bon bon thì tắt máy. Tôi nhảy xuống, gồng mình đỡ để xe khỏi ngã vì người yêu tôi vẫn ngồi nguyên trên xe.

Tôi hoàn toàn có thể thông cảm cho Tuyết Anh bởi hôm đó nàng mang giày mới, giày lại cao đến 8 phân nên chân nàng bị đau. Tôi biết điều đó ngay khi ghé vô quán hủ tiếu. Người yêu tôi nhăn nhó vì đau khiến tôi phải dìu từng bước trước ánh mắt dò xét của mọi người. Tô hủ tiếu hôm đó mất ngon một nửa.

Cái xui còn theo đuổi tôi đến tận đường về. May mà xe bị ngộp xăng chớ nếu bị xẹp vỏ thì cái thân ròm của tôi không biết làm sao mà dắt nổi chiếc xe xẹp bánh mà trên đó chất thêm một người! Nếu như hôm đó có ai thấy một gã đàn ông còng lưng dắt xe trên đường Ngô Gia Tự, quận 10; trên xe có một cô gái mặc váy, mang giày cao gót ngồi vắt vẻo, mặt tươi như hoa thì đó chính là tôi. Thật tình là khi xe dừng đèn đỏ, tôi đã nghe giọng ai đó sát bên tai: “Nhìn thật chướng, sao không nhảy xuống đi mà ngồi đó bắt người ta đẩy như vậy?”. Tôi nghe mà chẳng bận tâm. Họ đâu biết người yêu tôi đau chân đâu mà nói này, nói nọ?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tôi đang gắng sức dẫn xe đi tìm chỗ để sửa thì bất ngờ bị một chiếc xe máy tấp vô trước mặt. Suýt chút nữa thì tôi mất trớn bị ngã. Tôi kinh hoàng khi nhận ra… mẹ tôi từ trên xe bước xuống. Khi đó Tuyết Anh vẫn nguyên đay, nguyên kiện trên xe. Thú thật là chính tôi cũng chưa bao giờ thấy có ai giống như mình lúc đó.

Mẹ tôi nắm lấy cổ xe, trừng mắt nhìn Tuyết Anh: “Bộ cháu không có chân hả? Xuống ngay!”. Vừa nói mẹ tôi vừa túm lấy Tuyết Anh kéo xuống khiến người yêu tôi loạng choạng suýt ngã. Nàng lí nhí gì đó mà tôi nghe không rõ.

Đến lượt chị hai tôi đay nghiến: “Em giỏi quá hén, ở nhà không làm động móng tay, vậy mà ra đường làm trâu ngựa cho người ta”. Quay sang Tuyết Anh, chị hai tôi sầm mặt: “Cô có phải là con người hay không vậy? Dắt chiếc xe đã mệt, đằng này cô lại ngồi chình ình trên đó, thật chướng. Tôi nghĩ cả nước này chắc có một người lành lặn mà hành xử như cô. Chưa là gì cả mà cô đã trèo lên đầu nó như vậy, mai mốt lấy về chắc nó để cô lên bàn thờ mà thờ”.

Tôi nói với mẹ: “Thôi, để con kêu taxi cho Tuyết Anh về, mẹ với chị hai đừng nói nữa”. Tôi gọi taxi cho Tuyết Anh. Chờ nàng lên xe rồi, tôi mới nói với chị hai: “Chị thật độc mồm, độc miệng. Cô ấy mang giày mới, lại cao quá nên chân bị đau, đàn bà con gái với nhau sao không thông cảm?”. Chị hai tôi nguýt dài: “Nói ra là bênh chằm chặp! Rước cái thứ đó về để nó trèo lên đầu mày mà ngồi à? Dẹp đi, mẹ với chị từ lâu đã không ưa cái cô tiểu thư nửa mùa đó, nghèo mà cứ học đòi làm sang”.

Có gì đâu mà chị hai tôi lại nặng lời như vậy chứ? Tuyết Anh là con một, con cưng nên dẫu nhà có nghèo thì cha mẹ nàng cũng cưng con như trứng, hứng như hứng hoa. Tiểu thư thì đã sao? Nàng nghèo nhưng nàng đẹp, rất đẹp; đẹp từ làn da, giọng nói, tướng tá, nét mặt, mái tóc…

Người yêu tôi là dân Pleiku chính gốc nên “má đỏ, môi hồng”, tôi không phải yêu mà là si mê nàng. Bất cứ điều gì làm nàng vui là tôi sẵn sàng, kể cả chuyện để nàng trên chiếc xe xẹp bánh để đẩy đi. Tôi nghĩ, nếu mai mốt cưới nàng về, tôi sẽ không để nàng làm động móng tay. Tôi sẽ làm hết chuyện trong ngoài để nàng không phải vất vả, không phải hao mòn sức khỏe và sắc vóc… Nếu cưới được nàng thì dù nàng muốn trèo lên đầu hay lên chỗ nào khác tôi cũng vui lòng.

Ấy vậy mà bây giờ ước muốn của cả đời tôi có nguy cơ tan thành mây khói. Lấy lý do bị mẹ và chị tôi làm nhục giữa “bàn dân thiên hạ” nên Tuyết Anh quyết liệt đòi chia tay. Nàng bảo: “Bây giờ chưa là gì cả mà họ còn đối xử với em như vậy; mai mốt trở thành con dâu, chắc họ xem em như ô-shin quá. Thôi, em chả dại”. Tôi năn nỉ: “Em lấy anh và sống với anh chớ có sống với họ đâu mà lo? Nếu em sợ, cưới xong, chúng mình dọn ra ở riêng liền”. Nhưng người yêu tôi vẫn khăng khăng: “Thôi, em sợ lắm”.

Tôi cứ tưởng Tuyết Anh làm nũng thế thôi, nào ngờ nàng vẫn kiên định lập trường. Nàng nói rằng quen tôi hơn 1 năm đã đủ để nàng hiểu và quyết định. Nàng không chọn tôi không phải vì bản thân tôi mà vì cha mẹ, anh chị tôi. “Mẹ và chị hai anh cứ sợ anh bị em trèo lên đầu, lên cổ. Nhà anh hắc ám muốn chết, cứ nghĩ đến phải sống chung với họ là em đã sởn tóc gáy”.

Nghe nàng nói vậy, tôi đâm giận mẹ và chị hai tôi. Nếu họ đừng nặng lời với người yêu tôi thì bây giờ tôi đâu khốn khổ như vầy? Họ không phải là tôi nên không đau khổ, còn tôi mỗi ngày trôi qua mà Tuyết Anh chưa hết giận thì tôi còn ăn không ngon, ngủ không yên.

Đã vậy chị hai tôi còn lải nhải mãi bên tai: “Đàn bà con gái gì mà đễnh đoảng, tới nhà bạn trai chơi mà cứ ngồi ở phòng khách bắt người ta phục vụ; ăn cơm xong không biết lau bàn, rửa chén; nói năng thì cứ õng à, õng ẹo… Bỏ nó đi rồi chị kiếm cho cô khác còn ngon hơn gấp mấy lần…”. Nghe mà bực mình. Đễnh đoãng gì thì cũng là của tôi chớ của họ đâu mà họ lo? Người yêu của người ta, tự dưng xúi bỏ là sao?

Tôi giận mẹ và chị hai tôi nhưng tôi không thể dứt tình với họ để chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Đơn giản là vì nếu ra khỏi nhà, tôi sẽ không biết làm gì để sống? Đến giờ dù đã đi làm nhưng tôi vẫn phải ngửa tay nhận “viện trợ” từ mẹ và chị hai bởi đồng lương công chức của tôi không thể nào đủ để chi xài. Mà tôi thì không biết ăn hối lộ.

Trời ơi, tôi phải làm sao để dung hòa giữa hai bên tình và hiếu đây? Được yêu và làm tất cả cho người mình yêu là hạnh phúc mà không phải ai cũng có, thế mà sao những người thân yêu của tôi lại cho đó là tội tình?

Họ bỗng thành người tình của nhau

Mối quan hệ bạn bè của họ ban đầu là vô tư trong sáng, giờ bỗng trở thành người tình của nhau.

Bức xúc chuyện chồng suốt ngày bia rượu nhậu nhẹt, Oanh đã dốc bầu tâm sự với người bạn học cũ. Mối quan hệ bạn bè của họ ban đầu là vô tư trong sáng, giờ bỗng trở thành người tình của nhau.

Đàn ông nông nổi giếng khơi...

“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Quê anh chị đều ở miền Bắc nhưng gia đình chị đã chuyển vào Sài Gòn sống nhiều năm. Chị và anh quen nhau khá lâu mới tiến đến hôn nhân, hiểu nhau đến từng cái nheo mày.

Anh làm thầu xây dựng, thường vắng nhà cả tuần, chỉ ngày nghỉ mới về thăm chị được một đêm rồi lại đi. Sức khỏe chị không tốt, thỉnh thoảng lại bị một cơn rối loạn tiền đình hành hạ. Thời tiết nóng nực, lại thêm áp lực công việc của nghề biên kịch khiến nhiều hôm chị ngất xỉu nằm sõng soài dưới nền nhà, may mà hàng xóm phát hiện. Tình hình càng tệ hơn khi chị mang bầu, những ngày tháng thai nghén không ăn ngủ được càng làm chị ốm yếu. Lo cho sức khỏe của vợ, anh gửi chị về nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Khoảng thời gian đó gia đình chị lại xảy ra bao nhiêu chuyện không vui. Chị chỉ mong đến cuối tuần anh về để than thở cho vơi bớt nỗi lòng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ba má chị buôn bán cũng thuận lợi, tiền nong không thiếu nhưng luôn phiền muộn. Em trai chị lớn mà không khôn, lấy vợ sinh con rồi vẫn rượu chè cờ bạc. Lại thêm cô em dâu quen cách ăn nói chỏn lỏn, cư xử không khéo léo. Vì thế, cứ dăm bữa nửa tháng nhà lại ầm ĩ, không vì chuyện tiền thua cờ bạc của cậu út cũng là chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chị đứng giữa thu dọn bãi chiến trường sau mỗi cuộc cãi vã cũng đủ mệt nhoài. Cuối tuần anh về, cùng ngồi ăn bữa cơm với bố mẹ vợ trong bầu không khí nặng nề. Chị luôn miệng trách móc các em không biết cách ăn ở, sướng không biết hưởng còn hỗn láo. Anh ra hiệu cho vợ im lặng, quay sang động viên mẹ. Anh bảo: “Các em còn nhỏ lại không được học hành đến nơi đến chốn nên khó tránh nông nổi, bồng bột. Mẹ cứ từ từ bảo ban các em làm ăn, con tin là mọi chuyện sẽ khác”.

Về phòng riêng, anh nhẹ nhàng bảo chị: “Mẹ đã khổ tâm rồi, em nói mấy lời đó chỉ càng làm cho mẹ đau lòng chứ có thay đổi được gì đâu. Em mình đã vậy thì mình cũng phải nghĩ khác đi”. Chị lặng lẽ cúi đầu khi nhớ tới hình ảnh mẹ nhiều lần khóc nghẹn trong mâm cơm. Những lời cay nghiệt chị đay nghiến các em như xát muối vào lòng mẹ. Chị thầm cảm ơn những bữa cơm có anh, bởi ít ra mẹ còn cười được trước những câu chuyện hài hước anh vui vẻ kể.

Chị mang bầu những tháng cuối cũng là lúc anh nhận công trình ở gần nhà nên sang ngoại đón chị về, nhưng công việc bận quá, anh cũng không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc chị. Sáng nào anh cũng đi rất sớm, trở về nhà lúc tối muộn. Bao công việc lặt vặt trong nhà vẫn một mình chị quán xuyến. Có đêm nằm cạnh chồng, chị than thở đủ điều, anh không nói gì, chỉ giục vợ đi ngủ sớm cho đỡ mệt. Chị tấm tức trong lòng, tự trách bản thân đã đâm đầu vào chỗ khổ. Ngay từ khi yêu anh, gia đình và bạn bè ai cũng khuyên chị đừng lấy chồng làm xây dựng cực trăm đường, nhưng chị bỏ ngoài tai. Đã vất vả thì chớ, lại còn không có lấy một lời động viên an ủi. Thời kỳ chị bầu bí, cực nhọc mà anh còn vậy thì trông đợi gì ở những năm tháng về sau?

Ý nghĩ đó giày vò tâm can chị suốt đêm, trằn trọc mãi gần sáng mệt quá chị mới thiếp đi. Tỉnh dậy, chị nhìn quanh thấy nhà cửa gọn gàng tinh tươm, quần áo đã giặt phơi, mở tủ lạnh thấy đồ ăn tươi ngon đã sẵn, cơm bữa sáng cũng chín rồi. Chị rơm rớm nước mắt, ân hận vì đã trách nhầm anh.

Nghề thầu xây dựng thời buổi này cũng bấp bênh. Bao nhiêu vốn liếng trong nhà đều mang ra xoay xở. Vất vả mãi chỉ mong xong công trình để được chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán. May ra thì kiếm được chút ít coi như tiền công mấy tháng trời, nhưng nhiều khi lỗ vốn, công sức bỏ ra chẳng nhận lại được gì. Chị ở nhà không thấu hiểu được những khó khăn ấy, cuối công trình vẫn thấy anh mang tiền về đưa vợ. Chị ngồi nhẩm tính, gói ghém tiền nong dành dụm, thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ đến những khoản cần chi tiêu cho ngày sinh sắp đến.

Một hôm, bạn làm ăn của anh đến chơi nhà, vô tình kể chuyện gói thầu bị lỗ nặng do công nhân gặp tai nạn, máy móc hay hỏng hóc, vật tư thất thoát. Chị ngồi nghe, nghĩ đến món tiền anh đưa tự nhiên thấy nhói lòng. Đêm về chị hỏi chồng, anh cười bảo: “Ừ thì… có lỗ thật, nhưng mà sau đó anh tranh thủ làm thêm với các anh em khác. Số tiền đó chồng em được trả công đàng hoàng chứ không phải tiền vay mượn, em cứ yên tâm mà chi dùng”. Chị nghẹn ngào trách anh gặp khó khăn mà không nói, sao cứ phải chịu đựng và gánh vác một mình? Sao còn để chị đổ lên đầu anh bao nhiêu lời than vãn? Anh ôm chị vào lòng: “Vì anh không muốn vợ con anh lo lắng. Em cũng vất vả nhiều rồi. Anh hiểu mà. Đừng khóc!”. Nhưng chị vẫn không thôi thổn thức trên vai anh, phần vì thương chồng, phần vì chị thấy mình thật may mắn khi có anh trong đời. Các cụ nói không sai:“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Đọc nhiều nhất

Tin mới