Khi đến với Resort Vacations, trở thành thành viên của Classic Escapes, khách hàng sẽ được chủ động tận hưởng kì nghỉ theo cách riêng của gia đình mình. Khách hàng có thể tùy chọn địa điểm, tùy chọn chỗ ở, tự lên lịch trình với thời gian không giới hạn với sự tư vấn của “chuyên gia du lịch” Resort Vacations...
"Đặc biệt, khách hàng có thể gạt bỏ mọi lo lắng về những chi phí phát sinh vào kỳ nghỉ lễ và hưởng thụ một chuyến du lịch “sang chảnh” với mức chi trả bình dân. Nếu không có nhu cầu sử dụng, người sở hữu thẻ thành viên có thể chuyển nhượng lại thẻ cho người khác mà không mất phí…", www.classicescapes.vn quảng cáo.
… Nhưng thực tế phũ phàng, nhiều khách đòi trả lại tiền đặt cọc?
Mặc dù được quảng cáo hết sức “ngọt ngào”, tuy nhiên rất nhiều khách hàng lại cho rằng thực tế không dược như những gì đơn vị này đã quảng cáo.
Theo báo Gia đình Việt Nam, thực chất, giá phòng của công ty không rẻ hơn là bao nhiêu vì những vị trí khách sạn, resorts đó đều nằm ở vị trí xa, không phải là trung tâm của thành phố, chất lượng khách sạn phòng nghỉ không như quảng cáo. Công ty có để một vài khách sạn nằm ở trung tâm nhưng bạn rất khó để book được. Vì vậy, việc bỏ ra một số tiền lớn 200-450 triệu đồng để mua một quyền hội viên như vậy là quá đắt và sử dụng dịch vụ không tốt như họ nói.
Chia sẻ trên Webtretho, thành viên Pooh_Mamy cho biết: Mình mới dự hội thảo, họ phát cho cái vé đi miễn phí, định bụng sử dụng thử dịch vụ đã, rồi quyết định mua hay không. Sau, ai dè về gọi 5 bảy lần, email i miếc tứ tung, mà nó im re, không book phòng ốc gì cả, đúng là đầu voi đuôi chuột, bị 1 vố lừa ngoạn mục, đừng ai ham hố đi sự kiện nữa mà mất thời gian nhé.
Tương tự, thành viên mihi193 chia sẻ: "Mình mới mua thẻ member cuối năm 2017. Hôm qua đặt phòng ở Singaopre qua Resort Vacations. Giá phòng họ báo còn cao hơn khi đặt trực tiếp qua Mytour. Cảm thấy bị lừa đảo!".
Không những vậy, rất nhiều khách hàng còn tìm cách để lấy lại tiền đặt cọc. Thành viên Caodai66 (TP HCM) than: Mình cũng đang mệt mỏi với công ty này đây. Không biết có lấy lại đươc tiền cọc không nữa”... "Hãy giúp mình với mình cũng đang bị vướng tiền cọc ở công ty này đây".
"Chiêu dụ" khách hàng bằng cách nào?
Tại một buổi hội thảo, khách hàng sẽ không được đọc trước một bản hợp đồng nào, nếu khách hàng chê đắt hoặc nói không mang tiền sẽ được hứa hẹn chỉ cần đặt cọc một ít tiền (khoảng 20 triệu), quẹt thẻ hoặc cho người đến tận nhà thu tiền, ký hợp đồng sau. Thậm chí, nhân viên bán hàng còn dồn ép bằng mọi chiêu giảm giá để buộc những khách hàng cả nể đồng ý tham gia. Các buổi tư vấn thường kéo dài đến giữa trưa, hoặc tối muộn để khách hàng có tâm lý “buông xuôi” mà đồng ý.
Ngoài ra, để thu hút các gia đình đến tham dự, Resort Vacations hứa hẹn sẽ gửi tặng các gia đình một chuyến du lịch tại Úc, Mỹ hoặc Tây Ban Nha lên tới 8 ngày 7 đêm dành cho 4 người. Tuy nhiên, đây chỉ là một tờ giấy voucher đặt phòng khách sạn có thời hạn vỏn vẹn 6 tháng.
Để đặt phòng, khách hàng phải đóng thêm phí booking là 1 triệu đồng/người ngay khi đặt phòng, tức một gia đình 4 người phải nộp 4 triệu đồng. Khách hàng cũng phải đặt phòng qua công ty trước 60 ngày, chỉ được nghỉ nếu còn phòng trống và nhiều điều kiện khác như không được chọn khu nghỉ dưỡng timeshare (không phải khách sạn), vị trí không thuận tiện… Khách hàng bắt buộc phải chấp nhận đề nghị phòng của của công ty trong vòng 48 giờ. Thực tế, chưa có khách hàng nào không bỏ tiền ra mua thẻ thành viên của công ty được hưởng quà tặng này.
Nhân viên tư vấn cũng dùng voucher quà tặng này để thuyết phục khách hàng mua thẻ thành viên, để được tăng thời gian sử dụng lên 1 năm, lựa chọn khách sạn tuỳ ý hay giảm giá 1.500 USD khi mua thẻ tại sự kiện...
Tuy nhiên, tất cả các thông tin về kì nghỉ, giá cả, các khu nghỉ dưỡng đều được giấu kín, chỉ khi tham gia đóng tiền làm thành viên mới được cấp tài khoản để truy cập.
Do đó, khách hàng muốn tìm hiểu trước về quyền lợi cũng không được, ngoài nghe những lời tư vấn đường mật của nhân viên tư vấn như giảm giá 50% chi phí nghỉ dưỡng, những kỳ nghỉ giá sốc… tại các thiên đường du lịch.