Vụ việc lái xe Lê Đình Tùng (SN 1985, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) điều khiển xe Range Rover đâm chết người đang gây phẫn nộ dư luận bởi cách hành xử trốn tránh trách nhiệm của lái xe.
Theo đó, vào khoảng 23h30 ngày 16/2, Tùng lái xe Range Rover, màu trắng mang BKS 30F - 529.86 lưu thông trên đường vành đai 2 và va chạm với xe máy Vespa mang BKS 29D2-184.87, do anh Vũ Cơ Bách (SN 1981, ở 174 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điều khiển chở theo chị Trương Thị Thanh Lê (SN 1981, ở ngõ 185 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội). Tai nạn khiến anh Bách và chị Lê tử vong sau đó, còn Tùng lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường.
Để xác minh người lái xe Range Rover gây tai nạn, lực lượng cảnh sát đã phải phát đi văn bản thông báo truy tìm tài xế ô tô gây tai nạn rồi bỏ trốn, nhiều tổ công tác đã được cử đi thu thập thông tin và bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã xác định Tùng là người gây tai nạn và vận động đến cơ quan công an đầu thú.
Lái xe Lê Đình Tùng điều khiển xe Range Rover BKS 30F - 529.86 gây tai nạn rồi bỏ trốn. |
Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn. Trước đó, cũng tại Hà Nội, vào 23h30 khuya ngày 7/12/218, nữ sinh viên Minh Trang trên đường đi làm thêm về nhà, đến ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) thì bị chiếc Range Rover vượt đèn đỏ tông vào người.
Sau khi gây tai nạn, tái xế đã lái xe bỏ chạy khỏi hiện trường, không cứu giúp người bị nạn. Minh Trang sau đó được đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn chưa ảnh hưởng đến tính mạng tuy nhiên cô bị dập não, gãy đùi phải, đa chấn thương.
Những vụ lái xe gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn xảy ra rất nhiều trong thời gian qua cho thấy, ý thức người tham gia giao thông nói riêng và người Việt nói chung chấp hành pháp luật và chịu trách nhiệm với hậu quả mình làm rất kém.
Khi tham gia giao thông, tai nạn là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, nhiều lái xe sau khi gây tai nạn đã tìm cách xóa dấu vết (bí mật sửa chữa, sơn lại xe, cất giấu phương tiện), bỏ trốn khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Hay có thể hiểu, người ta lo cho bản thân mình hơn là cứu người bị nạn và đối diện với hậu quả mình gây ra mà chỉ muốn trốn tránh.
Dù hầu hết các vụ tai nạn giao thông, dù lái xe có trốn khi gây ra tai nạn nhưng cơ quan công an cũng sẽ điều tra ra. Khi đó lái xe biết không thể trốn được nữa mới chịu ra đầu thú.
Trên thực tế, việc lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn không chỉ là hành vi coi thường pháp luật mà còn cho thấy sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng ở một số lái xe khi tham gia giao thông. Đồng thời, bộc lộ một thực trạng người dân thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông mà xảy ra va chạm giao thông.
Việc thiếu kỹ năng xử lý tình huống, mất bình tĩnh, không làm chủ được hành vi, coi thường luật an toàn giao thông đường bộ đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như gây tai nạn hàng loạt, thảm khốc khi bỏ trốn.
Khi thiếu trách nhiệm, dù gây tai nạn giao thông lái xe không chỉ bỏ trốn mà còn đổ lỗi cho khách quan như xe hỏng, mất phanh hay đổ lỗi cho người bị nạn… nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc lái xe bỏ trốn sau khi gây tai nạn, thông thường, tâm lý chung của các lái xe, khi gây tai nạn thường rất hoảng loạn, sợ hãi. Họ sợ ở lại hiện trường thì có thể bị hành hung bởi người thân nạn nhân cũng như những người đi đường bức xúc.
Tuy nhiên, lái xe phải đến cơ quan công an trình diện chứ không phải rời khỏi hiện trường rồi mất tăm, mất tích để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật, trốn tránh trách nhiệm bồi thường dân sự hậu quả do mình gây ra.
Nếu lái xe sau khi gây tai nạn, bình tĩnh xử lý tại hiện trường, xem xét tình trạng các nạn nhân để gọi cấp cứu có thể đã cứu sống những người bị nạn, giảm nhẹ tội danh cho bản thân. Trong trường hợp nạn nhân tử vong, lái xe dám nhận trách nhiệm cũng khiến gia đình nạn nhân giảm đi phần nào nỗi đau.
Bên cạnh đó, mức phạt với hành vi gây tai nạn bỏ trốn dù được quy định rõ ràng nhưng chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, theo các quy định của pháp luật như Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp cứu người bị nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng.
Trong khi đó, mức phạt với hành vi này với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.
Cùng với đó, người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, người gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì sẽ bị phạt từ 3 – 10 năm.
Tuy nhiên, để giảm những tình huống lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, biện pháp xử phạt nặng, phạt nghiêm làm gương là điều hết sức cần thiết để răn đe và giáo dục.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn, không thể không kể đến việc đào tạo lái xe. Thực tế, các Trung tâm đào tạo lái xe rất lơ là trong giáo dục đạo đức lái xe.
Thông thường họ chỉ đào tạo kỹ năng cho học viên vượt qua kỳ sát hạch chứ không mấy quan tâm đào tạo tâm lý lái xe cũng như đạo đức người lái xe.
Xem nhẹ đào tạo đạo đức lái xe không chỉ dẫn đến những hành vi thiếu trách nhiệm khi tham gia giao thông mà còn dẫn đến nhiều lái xe coi thường pháp luật như thản nhiên điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, thậm chí ma túy, chất kích thích dẫn đến nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra.
Rõ ràng, việc lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn là hành vi đáng lên án. Tuy nhiên, để hạn chế, chấm dứt tình trạng trên, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật tới mọi công dân, đặc biệt là các tài xế là điều hết sức cần thiết. Đồng thời cần nâng cao chế tài xử lý đối với các hành vi này, bởi như vậy mới mang tính răn đe, góp phần hạn chế tới mức thấp nhất những hậu quả đau lòng có thể xảy ra.
Để lái xe dám chịu trách nhiệm về hành vi mình đã gây ra, để hệ lụy và cả nỗi đau không kéo dài thêm cho những người thân của mình và của nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông thì rõ ràng, các cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm.