Điều gì tạo nên sự bất ngờ trên đối với một doanh nghiệp viễn thông vốn nhiều năm trước đây luôn có mức tăng trưởng thấp hơn so với các doanh nghiệp lớn khác cùng ngành?
“Quả ngọt” từ sự sáng tạo
Báo cáo của VinaPhone cho biết, năm 2017, VinaPhone đã hoàn thành vượt mức tất các mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật nhất là lợi nhuận của Tổng công ty đã tăng mạnh, với mức tăng 21% so với thực hiện năm 2016. Doanh thu viễn thông công nghệ thông tin cũng tăng khá, đạt 7,1%. Năng suất lao động tăng 8%, thu nhập bình quân tăng 6%.
Bên cạnh các con số tăng trưởng về kinh tế trên, năm qua, nhà mạng này cũng phát triển được lượng thuê bao ấn tượng, với tổng số thuê bao điện thoại đạt trên 34 triệu thuê bao, trong đó có 31,1 triệu thuê bao di động, tăng 21% so với năm 2016; thuê bao FiberVNN đạt 4,1 triệu thuê bao, tăng 52% so với năm 2016, dịch vụ Fiber VNN tăng trưởng vượt bậc chiếm khoảng 46% thị phần Internet cáp quang.
Đặt trong bối cảnh - là năm chứng kiến môi trường cạnh tranh khó khăn và giá dịch vụ giảm lớn nhất từ trước tới nay - để thấy sự phát triển vượt bậc của VinaPhone đã có những hướng đi riêng và khác biệt.
Năm 2017 đánh dấu nhiều dịch vụ sáng tạo và đi đầu của VinaPhone. Tiêu điểm như dịch vụ Freedoo - mô hình kinh doanh online dựa trên cộng đồng, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có thể trở thành khách hàng, cộng tác viên của VinaPhone, là nơi để cộng đồng tương tác, trao đổi, góp ý về sản phẩm, dịch vụ. Hay ra mắt thẻ tích điểm đa năng Vpoit - loại thẻ ưu đãi dùng để tích điểm và tiêu dùng tại tất cả các cửa hàng thuộc hệ thống liên minh đa ngành (cộng đồng Vpoint), với hàng trăm doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Đặc biệt là việc sáng tạo ra gói cước Gia Đình đã thu hút hàng triệu thuê bao đăng ký sử dụng. Đây cũng là gói cước đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tích hợp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet tốc độ cao, FiberVNN, di động VinaPhone, truyền hình MyTV và dịch vụ data. Gói cước Gia Đình đã tiết giảm một nửa chi phí cho các gia đình, khi cho phép các thành viên được miễn phí gọi nội mạng, được chia sẻ, sử dụng dịch vụ data 3G/4G với giá được xem là “siêu rẻ”.
Chính những dịch vụ mang tính chất sáng tạo và đầu tiên trên thị trường không chỉ tạo giá trị lợi ích tối đa cho khách hàng, mà qua đó thu hút đông đảo người dùng và tác động ngược trở lại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà mạng, mặt khác cũng giúp VinaPhone ngày càng trẻ hóa được thương hiệu (tương đương 10 tuổi - cảm nhận của khách hàng về tuổi của VinaPhone từ xấp xỉ 35 (brand health 2015) xuống mức dưới 30 (25-30) năm 2017).
Kết quả trên cũng được ghi nhận bởi công bố của Công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu Brand Finance, khi xếp hạng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT – tập đoàn mẹ của VinaPhone) và VinaPhone nằm trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam 2017: VNPT đứng thứ 3 với giá trị 726 triệu USD, VinaPhone đứng thứ 8 với giá trị 314 triệu USD (tăng một bậc và tăng 11% giá trị so với năm 2016).
Và từ đổi mới mô hình quản trị
Sẽ không đầy đủ khi đánh giá kết quả kinh doanh ấn tượng của VinaPhone có được trong năm qua nếu không đề cập đến việc đổi mới mạnh mẽ mô hình quản trị doanh nghiệp.
Năm 2017 là năm thứ hai Tổng công ty triển khai ứng dụng công cụ quản trị BSC, kế hoạch BSC tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phân nhóm các chỉ tiêu theo mục tiêu quản trị, đồng thời tinh giảm các chỉ tiêu giao, tăng cường các chỉ tiêu về đánh giá chất lượng, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin, giá trị gia tăng và dịch vụ mới.
Việc giao và đánh giá BSC/KPI đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tại Tổng công ty cũng như các đơn vị, đồng thời giúp Tổng công ty đánh giá toàn diện, công bằng, minh bạch kết quả hoạt động của các đơn vị.
Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông, ông Tô Dũng Thái, cho biết, bên cạnh việc áp dụng mô hình quản trị trên, năm 2017, VinaPhone còn đẩy mạnh đổi mới công tác điều hành kinh doanh, cụ thể là thay đổi phương thức bán hàng trên toàn bộ hệ thống kênh bán hàng để phù hợp với chính sách quản lý của Nhà nước, qua đó giúp nhà mạng tiếp cận khách hàng cũng như khách hàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ một cách thuận tiện nhất.
Ngoài ra, nhà mạng cũng mở rộng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối với mục tiêu đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của khách hàng với nhiều chương trình rộng khắp như triển khai mở rộng quy mô phát triển chuỗi địa bàn, ký kết hợp đồng với các chuỗi địa bàn để phát triển thành điểm UQ; chuẩn hóa nhận diện thương hiệu cửa hàng giao dịch và hình ảnh các sản phẩm, dịch vụ.
VinaPhone cũng khá “nhạy bén” trong việc triển khai quy chuẩn mô hình cộng tác viên phát triển thuê bao trong đó quy hoạch quy mô kênh cộng tác viên bán hàng là 01CTV/phường xã để huy động tối đa từ nguồn lực xã hội, nhờ đó tỷ trọng phát triển thuê bao qua kênh cộng tác viên chiếm 35% trong tổng số thuê bao phát triển mới.
Ông Tô Dũng Thái cho biết, VinaPhone xác định rõ bán hàng online trong những năm tới sẽ là kênh chính và là xu thế tất yếu trong kinh doanh nên Tổng công ty đã hoàn thành triển khai kênh bán hàng online, khai trương tháng 11/2017, tạo ra phương thức bán hàng mới, tính đến ngày 26/11 đã phát triển được gần 3.000 cộng tác viên online.
“Với việc thay đổi mạnh mẽ mô hình quản trị, đổi mới cách điều hành kinh doanh, đặc biệt là sự sáng tạo ra các dịch vụ tiên phong, đem lại lợi ích và chi phí tiết kiệm tối đa cho khách hàng, cộng với hạ tầng mạng lưới mạnh mẽ, rộng khắp, VinaPhone sẵn sàng chuẩn bị cho nhu cầu chuyển mạng của người dùng khi quy định này được áp dụng trong thời gian tới”, ông Tô Dũng Thái, nhấn mạnh.