Nơi trú ngụ của côn trùng
GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết, nhiều người cho rằng, do được phủ một lớp ga trải giường nên các tấm đệm luôn được "an toàn". Tuy nhiên, dù được bảo vệ bởi lớp ga trải giường song các tấm đệm vẫn bị dính mùi của cơ thể, dính bụi, đặc biệt còn là nơi trú ngụ của vi khuẩn và nhiều loài côn trùng như rệp giường, kiến, mạt... Chúng ẩn sâu trong đệm và do có kích thước nhỏ nên chúng ta thường không nhìn thấy. Chỉ đến khi ngủ cảm thấy bị đốt, ngứa ngáy, khó chịu mới biết.
Hiện nay, có một số dịch vụ giặt, vệ sinh đệm bằng hóa chất, tuy nhiên, theo GS.TS Bùi Công Hiển không nên quá lạm dụng, bởi khi dùng hóa chất cần phải xử lý thật sạch nếu không muốn bị ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ do hóa chất tồn dư.
Theo KS Nguyễn Văn Vinh, Công ty Vệ sinh Nhà sạch, tốt nhất, hãy chủ động phòng tránh bằng cách sau một thời gian thì kéo chiếc đệm ra ngoài trời để phơi nắng rồi dùng gậy đập để bụi, mạt theo đó "bung" ra. Nếu không thể, hãy mở các cửa sổ, kéo rèm lên để ánh nắng chiếu trực tiếp lên đệm. Ánh nắng giống như một chất khử trùng tự nhiên sẽ giúp đánh bật mùi cơ thể, phòng tránh vi khuẩn... Tuy nhiên, đối với đệm cao su thì tránh phơi ngoài ánh nắng. Ngoài ra, có thể dùng máy hút bụi để vệ sinh cả trên bề mặt và ở các khe kẽ của đệm.
Trong trường hợp nằm ngủ thấy ngứa thì phải kiểm tra xem có kiến, mạt hay không. Nếu thấy có thì cần lột sạch ga giường mang đi giặt, dùng máy hút bụi để vệ sinh. Thậm chí phải vệ sinh toàn bộ nhà cửa, đặc biệt là các ngóc ngách, khe kẽ nhỏ trong nhà. Sau đó, toàn bộ "rác" của quá trình vệ sinh cho vài nilon buộc chặt rồi vứt đi, cách tốt nhất là nên gom lại rồi đốt để tránh việc côn trùng lan sang những chỗ khác.
Do được phủ một lớp ga trải giường nên nhiều người cho rằng các tấm đệm luôn được "an toàn". |
Nhận biết những dấu hiệu thay đệm
Theo bà Karin Mahoney, phát ngôn viên của Hiệp hội Chăm sóc giấc ngủ Canada, nhiều người có thói quen dùng đệm cho đến rách. Tuy nhiên, đây là thói quen rất sai lầm. Người sử dụng có thể thực hiện các biện pháp như phơi nắng, dùng máy hút bụi, nhưng đấy chỉ là những giải pháp tạm thời. Việc dùng đệm cho đến rách sẽ không có lợi cho cơ thể. Lý do là vì cơ thể con người thay đổi theo thời gian và nhu cầu về sự nâng đỡ thoải mái khi nằm trên một tấm đệm chắc chắn cũng vậy.
Tuy nhiên, để nhận ra thời điểm nên thay đệm không phải lúc nào cũng rõ ràng. Giống như cái ghế cũ hay đôi giầy cũ, tấm đệm chắc chắn vẫn còn dùng được một thời gian dài sau khi nó dần mất đi khả năng mang đến sự thoải mái và hỗ trợ người sử dụng tốt nhất.
Theo bà Karin, những dấu hiệu khiến người sử dụng nên thay đệm mới là khi ngủ dậy trong tình trạng người cứng, tê, đau mỏi; chiếc đệm có những dấu hiệu sử dụng quá nhiều, chẳng hạn như lún, vón cục, bị rách, nứt, sập xệ bên trong. Những dấu hiệu này cho thấy, người sử dụng nên thay đệm ngay.
Các nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ một tấm đệm có thể phụ thuộc vào tần xuất sử dụng và chất lượng ban đầu của nó. Tuy nhiên, nhìn chung thì một tấm đệm đã dùng quá 7 năm sẽ không thể hỗ trợ tốt cho giấc ngủ và đó là thời điểm nên thay mới.
Thời hạn bảo hành của những tấm đệm khi chúng ta mua mới không phải là dấu mốc về thời hạn sử dụng của sản phẩm và người sử dụng cũng không nên chờ đến hết hạn bảo hành mới thay đệm mới. Bởi đó chỉ là thời hạn đệm có thể sẽ bị hỏng, không dùng được nữa, chứ không phải thời gian đệm bắt đầu mất dần sự thoải mái và hỗ trợ người dùng tốt nhất.