Vụ việc một nữ sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị một nhóm bạn lao vào lột quần áo, đánh đập liên tiếp lên người khiến nữ sinh phải nhập viện, tinh thần hoảng loạn đang khiến không chỉ gia đình nữ sinh mà dư luận vô cùng phẫn nộ.
Thật khó có thể bình tĩnh xem hết đoạn clip quay lại cảnh vụ việc khi cùng là bạn học, mặc cho nạn nhân kêu gào, nhóm nữ sinh vẫn bất chấp lao vào lột quần áo, liên tiếp đánh, đấm, đạp vào vùng đầu, ngực và cơ thể bạn học.
Đến ngay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi nói về vụ việc cũng cho rằng, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, vượt ra phạm vi thông thường của bạo lực.
Thật đáng lên án khi đây không phải là lần duy nhất nữ sinh này bị đánh đập. Theo lời kể của nữ sinh này, bản thân em đã bị nhóm nữ sinh của lớp đe dọa, đánh nhiều lần trước đó. Đáng chú ý có một lần cô giáo chủ nhiệm cũng biết nữ sinh bị đánh nhưng chỉ lên lớp cảnh cáo các bạn. Do tâm lý hoảng sợ, cô giáo chủ nhiệm lại không xử lý dứt điểm nên những lần bị đánh sau đó, nữ sinh này âm thầm chịu đựng một mình.
Trường THCS Phù Ủng. |
Vì sao một nữ sinh phải âm thầm chịu đựng những trận đòn, những nỗi ám ảnh khi đến trường lớp – vốn được coi là môi trường an toàn?
Câu trả lời rất đơn giản, vì trường học đó có một nữ giáo viên chủ nhiệm chưa làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động trong nhiệm vụ của mình để nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo như lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói. Thậm chí, cô giáo chủ nhiệm đáng bị lên án nếu như biết việc nữ sinh bị nhóm bạn đánh đập, đe dọa mà không có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, răn đe phòng ngừa để xảy ra việc nữ sinh bị đánh hội đồng đặc biệt nghiêm trọng thì cũng xứng đáng bị kỷ luật, thậm chí không còn xứng đáng đứng trên bục giảng.
Hơn nữa, trong ngôi trường ấy có thầy Hiệu trưởng và Hội đồng sư phạm của Nhà trường, công đoàn lẽ ra phải nhìn cho đúng bản chất sự việc nhưng lại xin, xuê xoa, không làm dứt điểm dẫn tới không răn đe, xử lý được các trường hợp khác. Thậm chí, Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng - ông Nhữ Mạnh Phong còn nói rằng nguyên nhân nữ sinh bị bắt nạt có thể là do em ... quá hiền.
Việc đáng lên án nữa, sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã cầu học sinh xóa hết clip thay vì thông tin đầy đủ về sự việc để gia đình đưa cháu đi điều trị kịp thời. Dù hiệu trưởng cho rằng, bản thân ông chỉ đạo nhân viên nhà trường xóa clip để làm dịu tình hình, tránh gây thiệt thòi cho nữ sinh chứ không phải nhằm che giấu sự việc nhưng khó thuyết phục được dư luận.
Đáng chú ý, trước sự việc nghiêm trọng trên, nhà trường lại đứng ra tổ chức buổi làm việc giữa các bên gia đình để họ thống nhất bỏ qua sự việc mà không báo cáo lên các cấp cao hơn xin ý kiến chỉ đạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Đây là sự việc rất đau lòng, làm ảnh hưởng không những là danh dự, uy tín ngành giáo dục của thầy giáo, cô giáo và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của huyện, của xã” và cho rằng: “Chúng ta phải mạnh dạn, đau nhưng phải cắt chứ không phải vì là giáo viên hay học sinh có sự thương. Thương đó không phải thương nhân văn. Tôi đề nghị ngoài xử lý nghiêm, địa phương cần sớm ổn định tình hình để các cháu học hành, thầy cô yên tâm dạy dỗ”. Tuy nhiên, việc “mạnh dạn cắt dù đau” này cũng chỉ là giải quyết phần ngọn của tình trạng bạo lực học đường. Bộ GD&ĐT cần có những giải pháp cụ thể để ngăn chặn chứ không phải để xảy ra rồi mới “cắt”.
Theo quy định của pháp luật, hành vi của thầy cô giáo trường THCS Phù Ủng chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự vì tội che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm chỉ áp dụng với những tội danh rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, như Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã yêu cầu xem xét quy trình xử lý cách chức Ban giám hiệu, Chi ủy nhà trường, Tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao trách nhiệm của giáo viên, người đứng đầu nhà trường trong việc kiểm tra, giám sát tình trạng bạo lực học đường.
Phải cách chức ngay một ban giám hiệu vô cảm để răn đe ngăn chặn bạo lực học đường xảy ra ở những nơi khác khi Bộ GD&ĐT vẫn loay hoay tìm những giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh tình trạng trên.