Hàng trăm đêm không ngủ một giấc trọn vẹn túc trực bên người vợ bị ung thư, ông Trần Quốc Thuận (71 tuổi, đường Hùng Vương, quận 10, TPHCM) vẫn vui vẻ, hạnh phúc vì dù vất vả nhưng còn có vợ có chồng. Đến khi bà không chiến thắng được bệnh tật, bà đã để lại cho ông một khoảng trống mênh mông, buồn tủi.
Nhọc nhằn mà hạnh phúc
Đến nay, đã gần 1 năm đi qua nhưng cái chết của người vợ hiền cùng ông đồng cam cộng khổ bao nhiêu năm vẫn như vừa mới ngày hôm qua. Ông Thuận kể, bà bị bệnh ung thư, thời gian điều trị khoảng 17 tháng, trong đó có 1 tháng 20 ngày bà phải sống thực vật, hôn mê không biết gì. Mọi việc từ lo bữa ăn đến giấc ngủ, sinh hoạt hằng ngày của bà, ông đều tự làm mà không nhờ sự giúp đỡ của con cháu hay họ hàng.
Giai đoạn sức khoẻ của bà yếu, mỗi bước đi cũng trở nên khó khăn, ông dìu bà từng bước đi. Khi những tế bào ung thư ác liệt ăn dần vào cơ thể bà, bà trở nên mẫn cảm với các loại mùi, hay nôn trớ. “Nhà nấu cơm mà bà ngửi thấy mùi thức ăn là bị nôn, bởi thế bà ấy hay cáu. Mỗi lần như vậy tôi lại lặng lẽ xoa lưng cho bà để dịu đi cảm giác khó chịu”, ông Thuận nhớ lại.
Ông bảo: "Người ta cứ nói về tình nghĩa vợ chồng phải thế nọ thế kia, nhưng tôi nghĩ, cái nghĩa tình ấy thể hiện rõ nhất lúc khốn khó. Chăm sóc nhau lúc đau yếu, dìu nhau đi lúc mỏi mệt, nó vừa là tình yêu thương, vừa là cái đạo nghĩa và trách nhiệm với nhau”.
Dù trong suốt thời gian bà ốm, ông chẳng ngủ trọn vẹn giấc nào, nhưng ông chưa bao giờ thấy mỏi mệt, bởi ông nghĩ: “Dù có khó khăn mà còn được có nhau, được nhìn thấy nhau, chăm lo cho nhau đã là hạnh phúc rồi”. Lúc đó ông luôn phải tự động viên mình, dù lòng có buồn đến mấy thì trước bà, ông vẫn tươi vui như khi bà vẫn còn khỏe mạnh. Ngày nào ông cũng kể với bà những chuyện hay, chuyện mới ông đọc trên báo, ông nghe bạn bè kể. Ông luôn thấy lòng mình ấp áp khi có bà trong nhà.
Ông Trần Quốc Thuận (71 tuổi, đường Hùng Vương, quận 10, TPHCM). |
Nỗi trống vắng chưa thể khỏa lấp
Ông Thuận kể: “Bà ấy bỏ tôi ra đi vào ngày 22/8/2014. Lúc bình thường, dù bà ấy có ốm, không đi lại được thì trong nhà vẫn có hơi ấm của bà ấy. Còn bây giờ, đó là sự hẫng hụt, một khoảng trống mênh mông tôi chưa dễ gì quen được. Nhà cửa trở nên vắng vẻ, còn tôi thì cảm thấy bơ vơ. Tôi vẫn đọc báo, vẫn theo dõi tình hình thời sự, vẫn nghe chuyện này chuyện kia của bạn bè, nhưng tôi biết kể với ai đây? Không còn bà ấy để có thể lắng nghe những câu chuyện đầy thú vị, mới mẻ ấy nữa. Nhiều khi nhớ bà ấy, tôi cứ ngồi lặng yên trong căn phòng, nhìn vô định vào thinh không miên man suy nghĩ. Còn không thì tôi chọn chiếc tivi làm bạn. Chẳng gì có thể thay thế được bà ấy trong tôi”.
Ông bảo khi bà còn sống, bà dạy các con dù có đi đâu, làm công việc gì, vị thế xã hội ra sao thì cũng phải sống cho thật đàng hoàng, làm một người tốt trước khi làm ông nọ bà kia. May mắn là đến giờ các con đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và đứa nào cũng đã có cuộc sống riêng. Ông sẽ phải học bà ở tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống bởi dù mắc bạo bệnh nhưng cho đến tận khi cái chết đã đến rất gần, bà vẫn vui vẻ lắm. Bà vẫn lên kế hoạch sẽ đi đâu chơi, đến thăm bạn bè nào. “Thật lạ là dù có ốm thế nào, gương mặt của bà vẫn không có gì thay đổi, vẫn giữ được nét đẹp và sắc diện riêng. Hình ảnh bà lúc nào cũng vẹn nguyên, đẹp lắm”, ông ngậm ngùi.
Ông bảo, ông sẽ phải sống tiếp theo phương châm sống của bà, lúc nào cũng lạc quan, tin tưởng. Và hơn lúc nào hết, ông hiểu rõ giá trị của sự sống, của việc được sống bên nhau đã là hạnh phúc lớn lắm rồi!