Song Vinachem vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho dự án Đạm Ninh Bình hiện vẫn đang nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ.
Nợ phải trả hơn 38.000 tỷ đồng
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố cho hay, đến 31.12.2017, nợ phải trả của Tập đoàn đã lên tới 38.061,1 tỷ đồng, tăng gần 492 tỷ đồng so với cuối năm 2016.
Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 20.112,8 tỷ đồng, tăng gần 1.750 tỷ đồng (9,53%) so với cùng kỳ năm 2017. Tính tới cuối năm 2017, nợ ngắn hạn của Vinachem đã tương đương 92% tài sản ngắn hạn là 21.756 tỷ đồng.
Đạm Ninh Bình vẫn nằm trong nhóm 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỉ. Ảnh minh họa. |
Trong số nợ ngắn hạn của Vinachem, đáng lo ngại là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng thêm gần 400 tỷ đồng lên 11.437,7 tỷ đồng. Khoản phải trả người bán ngắn hạn cũng tăng thêm gần 700 tỷ đồng, từ 3.989,11 tỷ đồng lên 4.638,95 tỷ đồng. Đồng thời, hai khoản chi phí phải trả ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác của Vinachem cũng tăng gấp 1,5 lần, lên lần lượt 971,57 tỷ đồng và 1.059,01 tỷ đồng.
Về các khoản vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn của Vinachem và các công ty con lên tới 11.437,7 tỷ đồng, không thể không nhắc tới những khoản vay với số tiền khá lớn của một số công ty con được ghi nhận tại ngày 31.12.2017 như khoản vay tín chấp số tiền hơn 1.173 tỷ đồng với lãi suất thả nổi của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Hay khoản vay ngắn hạn với tổng số tiền 593,04 tỷ đồng với Viettinbank và Viecombank theo hình thức thế chấp tài sản.
Hai công ty kể trên đều là những doanh nghiệp có kết quả làm ăn khá bết bát. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đại dự án thua lỗ nghìn tỷ Đạm Ninh Bình đến 31.12.2016 có số lỗ luỹ kế 3.197 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng. Còn Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6.2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỷ đồng.
Theo tính toán, nợ vay và nợ thuê tài chính đã lên đến hơn 28.800 tỷ đồng,gồm nợ vay ngắn hạn hơn 11.437 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 17.395 tỷ đồng. Nợ vay lớn dẫn tới áp lực trả lãi lớn, năm 2017, Vinachem phải trả chi phí lãi tiền vay lên đến hơn 2.105 tỷ đồng.
Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của Đạm Ninh Bình lỗ 386,94 tỷ đồng. |
Mặc dù vậy, Vinachem vẫn đánh giá, mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ của tập đoàn này là có thể kiểm soát được.
“Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn”, Vinachem đưa ra đánh giá trong Báo cáo tài chính.
Quay trở lại với các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh của Vinachem. Một điều khá buồn là phần lớn trong số chúng đều đi xuống.
Doanh thu hợp nhất năm 2017 của Vinachem tăng từ 40.264 tỷ đồng năm 2016 lên 42.564 tỷ đồng năm 2017. Còn lợi nhuận sau thuế đã đạt 14,7 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ hơn 789 tỷ đồng .
Tuy nhiên, doanh thu của công ty mẹ lại giảm 6% so với năm 2016, chỉ còn 5,6 tỷ đồng. Trong khi đó giá vốn hàng bán đã là 5,9 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp bị âm.
Doanh thu tài chính là mảng mang về nguồn thu lớn nhất cho Vinachem, nhưng đã sụt giảm rất mạnh hơn 60% so với cùng kỳ, còn 983 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó cũng không đủ bù chi phí tài chính 967,5 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 305 tỷ đồng (tăng gấp đôi năm 2016), dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm 289,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ âm gần 423 tỷ đồng theo BCTC hợp nhất năm 2017 và âm 287,6 tỷ đồng theo BCTC công ty mẹ năm 2017. Tổng lỗ lũy kế của Công ty mẹ - Vinachem tính tới cuối năm 2017 lên đến 872 tỷ đồng.
Cho Đạm Ninh Bình vay hàng trăm tỷ đồng trong năm 2017
Dù vẫn trong tình trạng thua lỗ, nợ nần. Song trong năm 2017, Vinachem vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, chủ yếu là cho vay lại (lãi suất 6,5%/năm) để dự án này trả nợ ngân hàng. Dư nợ ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại Vinachem đến cuối năm ngoái đã nâng lên hơn 2.598 tỷ đồng, tăng hơn 850 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, con số dự phòng rủi ro cho khoản vay này là 258,28 tỷ đồng.
Còn khoản đầu tư hơn 2.313 tỷ đồng của Vinachem vào Đạm Ninh Bình cũng đã trích lập dự phòng 100%.
Ngoài ra, khoản vay trị giá hàng trăm tỷ đồng từ năm 2016 được hai bên đã phải ký phụ lục để gia hạn, chuyển sang năm 2017, nhưng đến hết năm 2017 số nợ gốc vẫn còn nguyên.
Vinachem còn có 10 hợp đồng cho vay với Đạm Ninh Bình. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, khoản cho vay 120 tỷ đồng để Đạm Ninh Bình bổ sung vốn lưu động thực hiện tháng 2.2016 đã phải ký phụ lục đến 31.12.2017 là đáo hạn, nhưng số dư khoản vay này đến cuối 2017 vẫn y nguyên 120 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinachem còn có 10 hợp đồng cho vay với Đạm Ninh Bình. Trong đó có những khoản rất lớn như khoản vay hơn 568 tỷ đồng ký hồi tháng 9.2015, khoản vay 366 tỷ đồng ký hồi tháng 8.2015, khoản vay 248 tỷ đồng ký hồi tháng 2.2016…
Nợ dài hạn của Đạm Ninh Bình với Vinachem trong năm ngoái giảm 441 tỷ đồng, nhưng dư nợ vẫn rất lớn, lên tới 6.726,5 tỷ đồng. Theo ghi nhận của Vinachem, tại dự án này, Tập đoàn có 625,8 tỷ đồng khoản phải thu cho vay bị xếp vào diện “nợ khó đòi” và khả năng chỉ thu hồi được 367,5 tỷ đồng trong số này.
Thêm vào đó, khoản phải thu khác, trong đó có khoản thu ngắn hạn với BQL Dự án Đạm Ninh Bình tính tới ngày 31.12.2017 cũng đã lên tới 1.159 tỷ đồng.
Trước đó, liên quan đến xử lý vi phạm tại Vinachem (đặc biệt là tại dự án Đạm Ninh Bình), Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỳ họp thứ 17 đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn này.
Đề nghị kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.