"Công ty rất may mắn khi lấy được tên mã chứng khoán phù hợp với ngành nghề kinh doanh của mình", người đứng đầu PV Oil hài hước chia sẻ. |
Đầu tháng 12/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cổ phần hoá Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).
Hiện PVOil đã nhận được 8 hồ sơ đăng ký là nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp, trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil nói với VnEconomy.
Chờ bước ngoặt mới
Trong đó, có một số tên tuổi đáng chú ý như Shell, Demitsu, Kuwait Petroleum International, Puma, SK... Có hai nhà đầu tư trong nước là quỹ đầu tư Sacom và Sovico Holdings.
Vị này cho hay, tất cả các nhà đầu tư ngoại đều muốn mua tối đa số cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, còn hai nhà đầu tư trong nước muốn sở hữu khoảng 35% cổ phần của PV Oil.
Theo kế hoạch, PV Oil sẽ bán khoảng 45% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, giảm sở hữu Nhà nước xuống 35,1%. Tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ.
Số cổ phần bán đấu giá công khai là 206.845.900 cổ phần, chiếm 20% vốn. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 462.504.745 cổ phần, tương ứng 44,72% vốn công ty.
Ông Dương đánh giá, đây là quyết định rất mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bán vốn ở PV Oil, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư chiến lược, như cử người tham gia ban lãnh đạo, hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh, phát triển dài hạn, quyền tham gia ban điều hành…
Tiêu chí mà PV Oil lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là cam kết giữ cổ phiếu trong vòng 10 năm, đồng thời hỗ trợ chuyển giao các kinh nghiệm quản trị quốc tế hiện đại, tăng cường hệ thống quản trị rủi ro hàng tồn kho trước diễn biến khó lường của giá dầu.
"Đối tác phải xây dựng được chiến lược phát triển PV Oil trên cơ sở kinh nghiệm và năng lực tài chính của họ để làm sao đưa chất lượng dịch vụ của PV Oil cạnh tranh với quốc tế", ông Dương nói.
Thế mạnh từ dầu
Ông Dương cho biết, PV Oil là đơn vị duy nhất tại Việt Nam kinh doanh xuất nhập khẩu dầu thô.
Hoạt động này mang về lợi nhuận bình quân cho PV Oil khoảng 150 tỷ đồng/năm, tương đương 25% lợi nhuận năm 2017.
Theo thống kê, lợi nhuận từ mảng kinh doanh, phân phối dầu thô của PV Oil chiếm tới 1/3 lợi nhuận toàn tổng công ty trong nhiều năm qua.
Cũng theo thống kê, 90% thị phần kinh doanh xăng dầu Việt Nam thuộc về 5 thương hiệu lớn gồm Petrolimex, PV Oil, Thalexim, Saigon Petro và Mipec.
Riêng Petrolimex và PV Oil đã chiếm hơn 70% thị phần, lần lượt là 50% và 22%, và đây cũng là hai đơn vị có hệ thống phân phối bán lẻ trải dài toàn quốc.
Ông Dương cũng chia sẻ mục tiêu xây dựng 1.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc, tăng 1,85 lần so với hiện nay. Theo đó, dư địa tăng thị phần của PV Oil còn nhiều và có thể nâng lên 50%.
"PVOil còn 28% dư địa nữa để phát triển. Ngoài ra còn có 3.000 cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc kinh doanh dưới thương hiệu PV Oil", Tổng giám đốc PV Oil cho hay.
Theo lộ trình, từ đầu 2018, xăng khoáng RON 92 được thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học E5 RON 92 tại Việt Nam. Hiện PV Oil đang sở hữu 3/7 nhà máy xăng sinh học trên cả nước. Với việc "khai tử" xăng khoáng RON 92, nhu cầu dùng xăng sinh học sẽ tăng lên.
Ông Dương cho biết, lợi nhuận đến từ xăng sinh học có thời điểm tốt hơn so với bán xăng khoáng.
Còn những điểm yếu
Nhưng, Tổng giám đốc PV Oil cũng cho rằng doanh nghiệp này còn nhiều điểm yếu, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, hầu hết cửa hàng xăng dầu của PV Oil hiện chỉ mới kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, các cây xăng ở nước ngoài, kinh doanh thêm cửa hàng tiện lợi, gara nhỏ, bán thức ăn nhanh, cà phê…
"Những dịch vụ đó, theo kinh nghiệm các nước xung quanh có thể đem lại nửa doạnh thu, lợi nhuận ngang ngửa xăng dầu, lưu chuyển dòng tiền, rất tiềm năng nhưng đến nay PV Oil vẫn chưa làm tốt điều này", ông Dương nói.
Đặc biệt, tại Việt Nam có tới 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu, thị phần bị chia nhỏ trong khi các nước xung quanh, chẳng hạn như Thái Lan chỉ có 10 đầu mối.
Gần đây, khi một số đại gia ngoại cũng được phép kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam, thị trường sẽ thêm cạnh tranh khốc liệt.
Theo ông Cao Hoài Dương, hiện doanh nghiệp này vẫn còn hai khoản tiền gửi kỳ hạn 3-6 tháng tại Ocean Bank gồm 231 tỷ đồng và 3,3 triệu USD (tương đương 70 tỷ).
"Hai khoản tiền gửi này chúng tôi nhận được đảm bảo bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo mọi quyền lợi của PV Oil. Cấp có thẩm quyền cũng đề nghị doanh nghiệp tạm thời không rút khoản tiền trên khỏi Ocean Bank", ông Dương cho biết.
Tổng giám đốc PV Oil khẳng định, đây không phải khoản tiền lớn, nên việc tạm thời chưa rút khỏi Ocean Bank cũng không ảnh hưởng gì tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
"Chúng tôi kinh doanh cần vốn tới hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, vài trăm tỷ không thấm vào đâu", ông Dương nói và cho biết, nếu IPO thành công, sau khoảng 90 ngày PV Oil sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán. Mã chứng khoán công ty đăng ký là OIL.
"Công ty rất may mắn khi lấy được tên mã chứng khoán phù hợp với ngành nghề kinh doanh của mình", người đứng đầu PV Oil hài hước chia sẻ.