Bản Lầu là một xã cửa ngõ của huyện biên giới Mường Khương, Lào Cai. Đây là vùng trồng dứa thâm canh cho năng suất cao của đồng bào Mông từ nhiều năm nay.
Khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm bà con trên địa bàn xã Bản Lầu, huyện Mường Khương lại tấp nập bước vào mùa thu hoạch dứa. |
Dọc hai bên đường quốc lộ dẫn vào Bản Lầu mùa này, dứa trên đồi cao đang chín rộ. Những quả dứa mở nghìn mắt to tròn thập thò qua kẽ lá, mùi hương dâng ngào ngạt khắp miền rừng.
Nương dứa tận trên đồi cao, vì vậy để thu hoạch dứa hiệu quả nhất thì bà con dân tộc Mông ở đây sử dụng lù cở là công cụ để vận chuyển.
Những chiếc lù cở cao hơn đầu người chất đầy dứa chín có thể khiến nhiều người choáng váng, nhưng đối với bà con ở Bản Lầu thì đây lại là chuyện hết sức bình thường.
Những người gùi dứa thuê chủ yếu là người dân địa phương muốn kiếm thêm thu nhập. Phụ nữ có thể gùi từ 70–100kg/ lần, đàn ông khỏe mạnh hơn có thể gùi đến 130kg dứa từ trên đồi dốc xuống đường để giao cho thương lái.
Anh Giàng Sình, một người dân của thôn Na Lốc cho biết, dứa trồng Bản Lầu là giống dứa Queen, người ta không chỉ bán cho các nhà máy chế biến hoa quả Trung Quốc, các nhà máy chế biến hoa quả của Việt Nam cũng tới mua. Nếu chăm chỉ thì mỗi ngày một người gùi dứa thuê tại đây có thể kiếm 300-500 nghìn đồng.
Huyện Mường Khương hiện có khoảng 1.073 ha dứa, tập trung ở xã Bản Lầu. Những năm trước, giá dứa có lúc lên tới 8.000 đồng/kg, đem lại thu nhập khá cho bà con nông dân. Tuy nhiên, từ năm 2014 diện tích dứa tự phát tăng quá nhanh dẫn đến giá cả không ổn định, có nhiều thời điểm thương lái dừng thu mua, giá giảm sâu nên người dân rất khó tiêu thụ. Cuối năm 2017, một số diện tích dứa của bà con nông dân trên địa bàn xã Bản Lầu tiếp tục bị ảnh hưởng thối quả và chết cây do ảnh hưởng của hóa chất từ nhà máy luyện kim màu.
Để giải quyết thực trạng này, mới đây ngành nông nghiệp Lào Cai đã ứng tiền hỗ trợ nông dân bị dứa thối, đồng thời chủ trương không mở rộng diện tích dứa để đảm bảo cân bằng sản lượng sản xuất với khả năng thị trường tiêu thụ.