Câu chuyện Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bị phạt 100 USD vì không khai báo hai cặp kính trị giá hơn 200 USD trong khoảng thời gian 30 ngày sau khi được tặng theo quy định của luật được nhiều tờ báo tại Canada và thế giới đăng tải.
Theo tờ Canadian Press, Thủ tướng Justin Trudeau đã bị phạt tiền vì vi phạm Đạo luật Xung đột Lợi ích của Canada khi không khai báo món quà là hai cặp kính mà ông được Thủ hiến đảo Prince Edward Wade MacLauchlan tặng trong chuyến thăm tới đảo Prince Edward (Canada) vào tháng 7 năm ngoái.
Trong khi đó, theo quy định của Đạo luật Xung đột Lợi ích, Thủ tướng Canada có trách nhiệm khai báo tất cả những món quà tặng có giá trị vượt quá 200 USD trong vòng 30 ngày. Lý do, việc Thủ tướng Canada chưa khai báo cặp kính được cho là do xảy ra sai sót về thủ tục hành chính nên ông đã không điền đầy đủ thông tin vào tờ khai và thông báo về món quà này trong vòng 30 ngày theo quy định. Và Thủ tướng Trudeau đã nộp đầy đủ khoản tiền bị phạt.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau dự cuộc họp của G7 tại Silici. Ảnh: Sputnik. |
Từ vụ việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau chấp hành nộp phạt khi không khai báo hai cặp kính được tặng ngẫm đến việc minh bạch kê khai tài sản ở Việt Nam lại thấy…buồn.
Bởi hai cặp kính được tặng của Thủ tướng Canada chỉ có giá trị khoảng 600 USD nếu ở Việt Nam thì đó rõ ràng là chuyện rất nhỏ khi mà ở Việt Nam chuyện doanh nghiệp tặng “siêu xe” cho cơ quan nhà nước đã diễn ra công khai như vụ việc tỉnh Cà Mau từng nhận hai chiếc xe ô tô hiệu Lexus GX460 của một doanh nghiệp và đã trả lại khi dư luận xôn xao. Hay như vụ việc, ông Hồ Ánh, phó phòng Tổng hợp Văn Phòng Thành ủy Đà Nẵng, thư ký của ông cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh, cũng sử dụng nhà của ông Vũ 'nhôm' cũng từng gây xôn xao dư luận Đà Nẵng.
Việc Thủ tướng Canada bị phạt vì không khai báo kính được tặng cũng cho thấy việc minh bạch kê khai tài sản quan chức ở Canada được thực hiện nghiêm ngặt thế nào. Không như ở Việt Nam, như đại biểu Quốc hội, Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đã nói: “Tại sao trong 90 triệu dân Việt Nam tới gần 90 triệu người nhớ được nguồn gốc tài sản của mình, trong khi số trên dưới 4 triệu cán bộ lại có trường hợp không nhớ được nguồn gốc tài sản của mình”.
Nhưng đó chưa phải là câu chuyện đáng suy ngẫm, bởi thực tế, trong suốt thời gian qua, dư luận xôn xao trước hàng loạt thông tin “quan chức” sở hữu biệt phủ khủng như biệt thự của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ; 6 lô biệt thự trên "đất vàng" của một số cán bộ, quan chức tỉnh Lào Cai; biệt thự của gia đình ông Phạm Sĩ Quý – Nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái… Ngoài ra, ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, chuyện “quan chức” sở hữu khối tài sản, biệt thự khủng không còn là chuyện lạ nhưng đến nay chưa cơ quan nào kiểm tra tổng thể, khẳng định là có sai phạm, hay được xây từ nguồn thu nhập không chính đáng.
Trên thực tế vấn đề xác định việc quan chức sở hữu tài sản khủng bằng mồ hôi nước mắt của mình hay giàu có bất minh lại là điều không dễ phân định. Bởi vì Luật Phòng, chống tham nhũng của chúng ta đang được hoàn thiện bởi thực tế còn quá nhiều kẽ hở và sự thiếu kiên quyết từ chính các cơ quan được giao trọng trách minh bạch tài sản của quan chức do nể nang và nhiều lý do khác.
Minh chứng rõ ràng nhất, chúng ta có nhiều cơ quan chuyên trách về kiểm soát thu nhập, tài sản cán bộ, công chức như Thanh tra Chính phủ, Cục Phòng chống tham nhũng…nhưng báo cáo hàng năm cho thấy, những người vi phạm kê khai tài sản chỉ đếm trên đầu ngón tay như báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của TTCP cho biết, qua xác minh tài sản, thu nhập đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập tại Bộ Công thương, Đồng Nai và Hà Nội, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Điều đó cho thấy, việc phát hiện, kiểm tra vi phạm về kê khai tài sản của cán bộ, công chức chưa sát thực tế khi cứ vào tuần trên báo chí lại xuất hiện thêm những “quan chức” sở hữu tài sản khủng.
Dẫn đến tình trạng như đại biểu Quốc hội – Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) khi nói về kê khai tài sản, thu nhập đã nêu vấn đề rằng: “Có những cô gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng nghìn m2. Có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên hàng nghìn m2, người dân bình thường để biết tài sản đó từ đâu mà có, dư luận xôn xao, nhiều trường hợp báo chí cũng viết nhiều, thế nhưng không làm gì được vì con thành niên thì không phải kê khai tài sản, thu nhập”. Bản thân ông cũng cho rằng: “Khi có dư luận, báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng, nghi tham nhũng thì có thể yêu cầu con chưa thành niên cũng phải kê khai tài sản. Lò đã đỏ lửa, nhưng có nóng đến triệu độ, mà lỗ hổng trong luật vẫn còn thì nhân dân, chính quyền không thể lấy được củi tham nhũng để cho vào lò”.
Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho việc các tài sản tham nhũng được cất giấu gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại và hợp thức hóa nhưng để kê khai minh bạch.
Nói như ông Jairo Acuna - Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn trên báo PLTP cho rằng:"Cần phải có những quy định để khi có bất kỳ sự thay đổi nào về tài sản đối với quan chức, kể cả quan chức về hưu, họ cũng phải giải trình. Vấn đề ở đây là cần quy định rõ thời gian về việc kê khai tài sản. Chẳng hạn, một quan chức làm việc 10 năm thì phải có quy định kê khai trong 10 năm đó, trước khi quan chức về hưu cần "chốt" lại ở thời điểm đó khối tài sản của họ là bao nhiêu."
Dư luận mong muốn dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sớm được hoàn thiện và thông qua áp dụng vào cuộc sống khi đó, bất kỳ quan chức nào dù ở cương vị nào cũng phải kê khai đầy đủ, minh bạch tài sản dù đó là tài sản được cho tặng như Đạo luật Xung đột Lợi ích của Canada áp dụng với cả Thủ tướng Canada Justin Trudeau.