Nhiều chủ tịch ngân hàng vẫn kiêm nhiệm sếp doanh nghiệp

Một loạt các Chủ tịch HĐQT ngân hàng như Sacombank, ABBank, KienlongBank hay SeaBank… chưa có quyết định thoái lui ghế Chủ tịch tại các DN kiêm nhiệm theo quy định có hiệu lực từ ngày hôm nay 15/1.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 và chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay, 15/1/2017.
Theo quy định của Luật, lãnh đạo của một TCTD không được phép kiêm nhiệm vị trí quản lý tại một doanh nghiệp khác. Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 34 như sau:
“3. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
4. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”
Với quy định này, một loạt các Chủ tịch HĐQT ngân hàng như Dương Công Minh (Sacombank), Vũ Văn Tiền (ABBank), ông Đỗ Quang Hiển (SHB), Võ Quốc Thắng (KienlongBank), Nguyễn Thị Nga (SeaBank),… phải lựa chọn hoặc lãnh đạo ngân hàng, hoặc lãnh đạo doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Infonet, tính đến thời điểm 0h ngày 15/01/2018, thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD chính thức có hiệu lực, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, chấp hành đúng quy định của Luật. Ông Dương Công Minh không còn giữ chức chủ tịch HĐQT tại 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Him Lam, Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Bảo Long, Công ty cổ phần phát triển Xín Mần và Công ty cổ phần chứng khoán Liên Việt kể từ ngày 05/01/2018.
Còn tại ABBank, ông Vũ Văn Tiền là Chủ tịch HĐQT, đồng thời ông Tiền vẫn giữ ghế Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn GELEXIMCO).
Với trường hợp của ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT KienlongBank, ông Thắng vẫn đang là Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Đồng Tâm. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
Trong khi đó, chưa có thông tin gì về việc nữ đại gia Nguyễn Thị Nga lựa chọn “buông” vị trí Chủ tịch SeABank hay Chủ tịch BRG Group; Chủ tịch T&T Đỗ Quang Hiển lựa chọn ghế Chủ tịch T&T hay Chủ tịch Ngân hàng SHB, cũng như việc ông Phan Đình Tân lựa chọn Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank hay Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàn Cầu, một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và khách sạn; hay việc ông Phương Hữu Việt lựa chọn làm Chủ tịch Việt Á Bank hay CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương. Có một điều chắc chắn rằng đến nay cả bà Nga, ông Tân và ông Việt vẫn lần lượt là Chủ tịch HĐQT ngân hàng SeABank, Nam Á Bank và Việt Á Bank.

Đọc nhiều nhất

Tin mới