Polyethylene là các hạt vi nhựa, một thành phần hóa học hiện có mặt trong các loại kem tẩy tế bào chết, sữa rửa mặt và một số loại kem đánh răng; tác dụng tẩy tế bào, sạch da và sạch răng... Tuy nhiên, chúng lại gây hại môi trường, có thể hại sức khoẻ do tính chất không thể phân hủy.
Hạt nhựa nhỏ li ti khó phân hủy!
Theo Chất lượng Việt Nam online, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN, các nhà khoa học Australia vừa phát hiện chất nhựa dẻo nhỏ hơn 0,5mm đã được tìm thấy trong cặn cáu ở bến cảng Sydney. Chúng được hấp thụ vào cơ thể những loài giun đất và các loài cá sống xung quang vùng cảng. Các cơ quan hữu trách và những chuyên gia môi trường đã yêu cầu các ngành công nghiệp mỹ phẩm trên thế giới nên loại bỏ các vi hạt nhựa ra khỏi thành phần của sản phẩm. Tại Mỹ, ngành mỹ phẩm đã cam kết loại bỏ vi hạt polyethylene trong thời gian tới.
Cần xem kỹ thành phần mỹ phẩm trước khi mua dùng. |
Được biết, hạt nhựa polyethylene siêu nhỏ thường quảng cáo là có tác dụng "làm sạch" răng, nhưng các bác sĩ nha khoa cho rằng, chúng không thể phân hủy và thường kẹt lại trong khoang miệng sau khi súc miệng, đánh răng, có thể trở thành nơi cư trú của vi khuẩn, vi trùng, dễ dẫn đến các bệnh răng miệng như viêm lợi, viêm nướu. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này.
Hạt vi nhựa có trong thành phần kem đánh răng. |
Nguy hại thấy rõ
TS Trần Ngọc Quyển, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, các hạt micropheres thường được làm từ các hạt nhựa polyethylene (PE), cũng có thể từ polypropylene (PP), polyethylene terephthalate (PET), polymethyl methacrylate (PMMA) và nilon, với kích thước nhỏ hơn 1mm, có thể mang nhiều loại phẩm màu bên trong (hạt nhựa có màu nên thường dùng thay thế một số loại màu trong mỹ phẩm) và một số loại hạt có từ tính. Các hạt trên có vai trò như những chất độn, tẩy da, lấp các nếp nhăn, làm đồng nhất màu da, tạo cảm giác mượt mà cho da khi sử dụng mỹ phẩm.
Tuy nhiên, những hạt nhựa này không giảm cấp sinh học, nếu các công ty mỹ phẩm sử dụng ngày càng nhiều thì nó sẽ thải ra môi trường, làm tăng quá trình tích lũy trong các loại thủy sinh vật và nhiều loại cá biển là nguồn thức ăn hằng ngày của con người. Đặc biệt, một số vi hạt nhựa có từ tính sẽ giữ lại thuốc bảo vệ thực vật và các loại chất độc khác, ảnh hưởng môi trường.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu cứ tiếp tục sử dụng các vi hạt nhựa thì quá trình tích lũy trong thủy sinh, trong cá sẽ tăng, kéo theo nhiều chất độc tích lũy trong cá nên vấn đề ảnh hưởng đến sức khoẻ con người trong tương lai có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các chuyên gia hóa học và công nghệ bức xạ hạt nhân cho rằng, hiện trên nhãn mác nhiều loại mỹ phẩm thường có thành phần polyethylene glycol (PEG) và polypropylene glycol (PPG).
Mặc dù khả năng gây ung thư của hợp chất trên trong mỹ phẩm chưa được ghi nhận rõ ràng, nhưng nó vẫn là một trong những thành phần nguy hiểm vì có tác dụng gây khô da, ngăn cản quá trình tái tạo da. Nếu không có độ ẩm tự nhiên, da sẽ dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn và những hóa chất độc hại từ môi trường.
Các thành phần hóa học in kín trên bao bì đa số mỹ phẩm nên người tiêu dùng khó mà nhận biết được thành phần nào có hại đối với sức khoẻ. Hiện nay, mỹ phẩm có nhãn mác nhập ngoại bày bán tràn lan, do đó việc nhận biết các thành phần hóa học trên sản phẩm là cách giúp người tiêu dùng tránh những mối nguy hiểm tiềm tàng từ các chất độc hại ẩn chứa bên trong các lọ đựng mỹ phẩm.
TS Trần Ngọc Quyển (Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng)