Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và 8 đồng phạm khác bị truy tố về 4 tội danh: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM.
Phiên toà xử bầu Kiên và đồng phạm dự kiến kéo dài từ ngày 20/5 đến ngày 6/6, do Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, làm Chủ tọa.
Ngày 20/5, phiên xét xử bầu Kiên của TAND TP Hà Nội sẽ được mở lại dù ông Trần Xuân Giá đã có đơn xin kéo dài thời gian vì sức khỏe yếu. |
Trước đó, phiên toà xử bầu Kiên và đồng phạm được khai mạc vào sáng 16/4 song đã bị hoãn ngay chiều cùng ngày vì bị cáo Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, không thể có mặt do bệnh nặng, phải điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị.
Theo quy định tố tụng, không quá 30 ngày sau khi hoãn, tòa cần phải mở lại để xét xử vụ án "bầu" Kiên.
Tuy nhiên, ngày 5/5, luật sư của ông Trần Xuân Giá đã thay mặt thân chủ gửi TAND TP Hà Nội và VKSND TP Hà Nội đề nghị cân nhắc thời gian mở lại phiên tòa xét xử vụ án "bầu" Kiên vì sức khỏe ông Giá còn yếu.
Trong đơn kiến nghị, ông Trần Xuân Giá cho biết sức khỏe ông trở nên tồi tệ từ ngày 26/4. Trong khi làm các xét nghiệm để chuẩn bị mổ u xơ tiền liệt tuyến, ông Giá bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng máu, gây sốt cực cao đến 42 độ, co giật mạnh, mê man hoàn toàn, huyết áp tụt xuống chỉ còn 70/50... nguy cơ gây tử vong rất cao. Luật sư Lưu Tiến Dũng cũng cho biết với bệnh tình hiện tại, ông Giá khó có đủ sức khỏe để tham gia tố tụng tại tòa.
Theo Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Đức Bình, trong trường hợp nếu ông Giá vắng mặt, phiên xử vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nếu bị cáo Giá có đề nghị gì khác hoặc có các tình tiết phát sinh mới, tòa án sẽ cân nhắc dựa theo Điều 187, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa.
Tại các phiên tòa trước đó, nhiều người được chứng kiến “ông bầu” một thời hoành tráng, mặc bộ sơ mi “cắm thùng” đến tòa với đôi dép lê tổ ong. Tuy nhiên một hình ảnh khiến dư luận có nhiều tranh cãi đó là “ông bầu” bị cùm cả chân, tay. Lần này nhiều người thắc mắc liệu bầu Kiên có còn bị cùm cả chân tay và đi dép lê tổ ong đến tòa hay không?
Theo cáo trạng, “bầu” Kiên cùng các bị can: Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng gây thiệt hại số tiền 718,9 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM chiếm đoạt.
Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, ngày 2-1-2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) để mua cổ phiếu ACB. Chủ trương này trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỉ đồng. Cáo trạng lần 2 truy tố 2 bị can Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ về hành vi này.
Về tội trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, "bầu" Kiên đã trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng.
Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "bầu" Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát lấy 264 tỉ đồng, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB.
Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỉ đồng.