Vừa qua, để phản đối hành vi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí, nhiều người dân đã xuống đường tuần hành để biểu thị lòng yêu nước, lên tiếng phản đối hành vi phạm pháp của TQ. Tuy nhiên, nhiều hành động quá khích đã diễn ra như vụ hàng chục nghìn công nhân ở KCN Bình Dương gây rối và đập phá các công ty của Trung Quốc, thậm chí cả công ty của Đài Loan, vụ bạo loạn ở Hà Tĩnh... khiến tình hình trở nên phức tạp.
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, khoa Nhân học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM nhận định: Trước diễn biến trên, công điện của Thủ tướng là rất đúng đắn với tình hình hiện nay.
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam khiến dư luận trong và ngoài nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ. |
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, việc người dân tham gia tuần hành có tới hàng ngàn người ở các thành phố lớn trong cả nước để phản đối hành vi xâm lấn của Trung Quốc tại biển Đông là thế chẳng đặng đừng. Giặc đã lấn vào sân nhà thì bất cứ ai cũng không thể ngồi yên. Đây là việc làm thể hiện lòng yêu nước và ý thức về độc lập, chủ quyền lãnh thổ của dân tộc có truyền thống hàng ngàn năm nay. Việc làm này dù tự phát hay có tổ chức thì vẫn cần được biểu dương, vì qua đó thể hiện ý chí và lòng yêu nước chân chính.
Tuy nhiên, những hành động gây rối và đập, đốt nhà máy của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Bình Dương và cả công ty Đài Loan là việc làm quá khích, manh động gây hậu quả ngược lại, làm xấu đi tình hình hiện nay cần được xử lý nghiêm minh theo đúng kỷ cương phép nước. Các chủ doanh nghiệp người Trung Quốc sang Việt Nam kinh doanh được sự cho phép của Việt Nam theo luật định và họ không can dự gì tới hành động xâm lấn Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Khi họ làm ăn ở Việt Nam thì chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ họ.
Công nhân tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan ở Hải Phòng. |
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp phân tích: Có lẽ sự phản đối hành động của Trung Quốc xâm lấn vùng biển chủ quyền cộng thêm những khó khăn trong cuộc sống quẫn bách hàng ngày với đồng lương rẻ mạt không đủ sống của công nhân làm cho họ bức bối thêm, dẫn đến hành vi manh động nói trên. Song, cũng rất có thể có những phần tử xấu, lưu manh, trộm cắp lợi dụng tình hình để “đục nước béo cò”, trộm cướp, hôi của. Cũng có thể đặt ra câu hỏi: có những kẻ "nội gián" lợi dụng tình hình để “gắp lửa bỏ tay người” làm rối thêm, làm gia tăng tính căng thẳng phức tạp hiện nay.
Để tránh sự lan tỏa của phong trào nói trên, giải pháp tình thế là các cơ quan chức năng phải truy tìm những người có hành vi manh động, điều tra để tìm hiểu ngọn ngành và có biện pháp xử ngăn chặn tránh sự lan tỏa đến mức kiểm soát được. Phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức chính trị xã hội khác vận động, tuyên truyền giáo dục công nhân để làm dịu phong trào mang tính manh động.
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp. |
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cho rằng, lòng yêu nước là giá trị truyền thống của người Việt Nam, nhờ đó mà dân tộc ta trường tồn đến ngày nay trước bao kẻ thù lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Lòng yêu nước thể hiện qua chủ nghĩa dân tộc chân chính, lấy lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia làm tối thượng, trên tất thảy lợi ích giai cấp, đảng phái, các tổ chức chính trị khác nhau. Đây là lúc cần giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước chân chính cho tất cả cán bộ, đảng viên cho tới người dân và nhất là thế hệ trẻ - tương lai của đất nước. Phải tạo sự đồng thuận, nhất trí từ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước tới người dân trước hiểm họa ngoại xâm để tạo nên sự cộng hưởng của tinh thần và sức mạnh dân tộc làm nên một khí thế Diên Hồng. Bài học của nhà Trần còn đó: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước gắng sức nên bọn giặc phải bị bắt”.
Về vấn đề một số người đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, không phục vụ dịch vụ cho người Trung Quốc..., PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp nhìn nhận: Cần phân biệt rạch ròi giữa hành động ngang ngược xâm chiếm vùng biển đảo chủ quyền của Việt Nam của chính quyền Trung Quốc với mối quan hệ kinh tế giữa các tổ chức kinh tế hai nước.
“Chúng ta chỉ chống lại chính sách xâm lược bá quyền Trung Quốc, chứ không chống và bài xích việc hợp tác kinh tế giữa nhân dân hai nước vì lợi ích chung, nếu đó là việc làm ăn chính đáng không ảnh hưởng xấu đến quan hệ kinh tế hai nước. Hãy nhớ câu nhắc nhở của ông cha: Giữ hòa hiếu hai nước, tắt muôn đời chiến tranh”, PGS Nguyễn Văn Tiệp nêu ý kiến.
Đến sáng qua (16/5), theo ghi nhận của Kiến Thức, các công ty trong khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) như KCX Linh Trung 1,2; KCN Bình Chiểu, Khu Công nghệ cao (TP HCM); KCN Sóng Thần; Việt Nam- Singapore, Việt Hương, Mỹ Phước (tỉnh Bình Dương); KCN Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai)... đã hoạt động trở lại.
Thiếu tướng Đức cho biết lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo phải xử lý nhanh những đối tượng hôi của, phá hoại các doanh nghiệp nước ngoài từ tối 13/5 đến nay. Theo thống kê ban đầu, Công an Bình Dương kết hợp với Bộ Công an đã bắt giữ hơn 400 đối tượng kích động phá hoại, hôi của.
Chiều 15/5, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: Hiện có các phần tử xấu đang lợi dụng tình hình hiện nay để kích động công nhân. Các cơ quan chức năng đã có hành động trấn áp và bắt giữ các phần tử kể trên. Ông Bình đồng thời khẳng định Chính phủ và Nhà nước sẽ triển khai mọi nguồn lực để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp nước ngoài trên khắp cả nước nói chung, cũng như tỉnh Bình Dương nói riêng.