Như đã đưa tin, sáng 28/3 vừa qua, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa người Thái Bình đã tháo nước khỏi bể chứa và phá bỏ cửa bể, chính thức đưa tàu ngầm Trường Sa do ông tự sáng chế ra hồ lớn để thử nghiệm.
Sau khoảng hai tiếng thử nghiệm trong hồ ở thành phố Thái Bình, tàu ngầm Trường Sa đã hoạt động nhịp nhàng trước sự chứng kiến của hàng trăm người.
Dù con tàu chưa lặn chìm hoàn toàn do hồ chỉ sâu 2,5m, trong khi chiều cao của nó là gần 3m, nhưng đây cũng là thành quả bước đầu hết sức đáng mừng đối với không chỉ những người thực hiện dự án này.
Được cấp phép, tàu ngầm Trường Sa sẽ chạy 50km trên biển. |
Ngày 31/3, trả lời phỏng vấn, ông Hòa cho biết: “Mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, tàu ngầm Trường Sa đang chờ ngày ra biển. Những lần thử nghiệm trước đã cho kết quả rất tốt và chúng tôi chưa có ý định sửa hay thay thế bất cứ bộ phận nào trên con tàu này cả”.
Đáng nói, tàu ngầm do cá nhân chế tạo là lĩnh vực rất mới ở Việt Nam: Đăng kiểm chưa có danh mục; Luật Hàng hải cũng không đề cập đến phương tiện này; giấy phép lái tàu ngầm thì cũng chưa có tiền lệ.
Nếu như chỉ vài hôm trước, ông Hòa cùng các thành viên tham gia vào dự án này còn băn khoăn không biết đơn vị nào sẽ cấp phép và cấp phép như thế nào cho họ thì giờ đây rắc rối đã được tháo gỡ phần nào.
“Việc này phải chờ Bộ Quốc Phòng cho phép. Tuần vừa qua, tôi đã làm việc với đại diện Viện kỹ thuật tàu quân sự (Bộ Quốc phòng) về việc này. Chúng tôi đang bàn xem thủ tục xin cấp phép ra sao”, ông Hòa nhấn mạnh.
Như vậy, chỉ cần Bộ Quốc phòng chấp thuận, tàu ngầm Trường Sa sẽ được ra biển.
Tuy vậy, doanh nhân này cho hay, để chắc chắn ông vẫn sẽ gửi công văn lên Chính phủ, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng để đề nghị được cấp phép ra biển.
“Khi ra biển, tàu ngầm sẽ chạy trong vòng bán kính 50km”, cha đẻ của tàu ngầm Trường Sa nói.
Về phía Bộ Quốc phòng, như chúng tôi đã thông tin, lãnh đạo Viện Thiết kế tàu quân sự cho biết họ sẽ theo sát và giúp đỡ chiếc tàu ngầm Trường Sa hết sức.
Được biết, ngoài Viện Thiết kế tàu quân sự, thì Viện Kỹ thuật hải quân (Quân chủng Hải Quân, Bộ quốc phòng) cũng đã có công văn cho biết sẵn sàng trợ giúp trong quá trình thử nghiệm nếu ông Hòa có đề nghị.
Ông Nguyễn Quốc Hòa bên 'đứa con đẻ' của mình. |
Một vấn đề khác nữa mà ông Hòa đang gặp khó đó là kinh phí để tiếp tục theo đuổi dự án này.
Trong chuyến thăm mới đây Viện trưởng Viện Kỹ thuật tàu quân sự Đào Ngọc Thạch đã hứa sẽ cố gắng hướng dẫn, giúp đỡ tàu ngầm Trường Sa trở thành một dự án khoa học và được nhà nước thông qua, cấp kinh phí nghiên cứu.
“Chúng tôi cũng mong rằng anh có thể nghiên cứu thành công công nghệ này, tạo ra một bước đột phá cho khoa học nước nhà và đặc biệt là lĩnh vực hàng hải quốc phòng” – Viện trưởng Đào Ngọc Thạch bày tỏ.
Đây quả là tin tốt lành và là tia hi vọng chói lóa đối với những người thực hiện dự án này.
Thử nghiệm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối
Mới đây, sau khi theo dõi toàn bộ cuộc thử nghiệm của doanh nhân Quốc Hòa, TS Trần Đình Bá – Hội Khoa Học kinh tế Việt Nam bày tỏ: “Xem clip tàu Trường Sa mà thấy tự hào. Chúc mừng anh Hòa đã thử nghiệm thành công! Tàu Trường Sa sẽ là niềm tự hào của người Việt Nam và là niềm tự hào của trí thức Việt Nam!
Tuy nhiên, tôi cũng xin có một số góp ý với anh Hòa như sau: Khi cẩu lắp di chuyển phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, có người chỉ huy bằng hiệu lệnh còi, cờ. Các nhân viên phải mặc áo bảo hộ, đội mũ bảo hiểm, làm sao để các đợt thử nghiệm tiếp theo ở sông hay biển phải đảm bảo an toàn tuyệt đối”.
Ngoài ra, ông Bá cho rằng doanh nhân Quốc Hòa cũng nên ghi số hiệu lên thân tàu và đặt tên cho nó là Trường Sa 01 để mở đường cho các thế hệ tàu Trường Sa tiếp theo.
“Kính chúc anh và cộng sự thành công! Thành công của anh sẽ là cú hích cho 1000 giáo sư, tiến sỹ chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải nỗ lực, noi theo.
Các Giáo sư, tiến sỹ, chuyên viên thuộc Bộ Giao thông vận tải, các trường đại học GTVT, Hàng hải, Học viện Hàng không, các viện nghiên cứu thuộc Bộ GTVT nên khiêm tốn học hỏi kỹ sư Hòa để xứng đáng với nhân dân!"