Từ khi Thủ đô bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm với mức nhiệt gần 40 độ C, tại các cơ sở sản xuất đá sạch các khu vực Cầu Giấy, Kim Mã, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Trãi, Nam Từ Liêm,... luôn phải hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm để đủ nguồn cung cấp cho thị trường.
Một công nhân chuyên làm đá sạch ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, quy trình để tạo ra được một mẻ sản phẩm mất ít nhất là 2 tiếng đồng hồ. Nên dù có tăng ca, đẩy nhanh tiến độ thì cũng không khắc phục được tình trạng đơn hàng tồn đọng do quá tải sản xuất. Bởi vậy, nhiều cơ sở đành ngậm ngùi, bất lực khi thấy tiền chảy trước mắt mà không làm gì được.
Đá viên là vị cứu tinh không thể thiếu trong thức uống ngày hè. |
Mỗi túi đá viên lớn có trọng lượng 5kg, được bán với giá buôn từ 6.000-8.000 đồng/túi. |
Nắng nóng gay gắt không những là cuộc chạy đua khốc liệt của các xưởng sản xuất đá mà còn là cuộc chiến không giới hạn của dân buôn. Do nhu cầu dùng đá của khách vào hè tăng cao nên dân buôn đá sạch như anh Phụng (Cầu Giấy, Hà Nội) thường không có khoảng trống thời gian nào để nghỉ.
Đều như vắt chanh, ngày nào anh cũng thức dậy giao hàng cho khách từ lúc 3 rưỡi sáng cho đến tận 10 giờ tối. Trung bình mỗi ngày, anh giao tầm 300-400 túi đá viên sạch cho các cửa hàng, đại lý trên địa bàn Hà Nội.
Anh Phụng cho hay, muốn lấy đá với số lượng lớn phải liên hệ trước với xưởng nếu không sẽ hết suất, có ngày đông còn phải chấp nhận xếp hàng, gọi tên chờ đến lượt.
Chuyến giao đá muộn vào lúc 10 giờ tối của anh Phụng. |
2.000 đồng là giá túi đá nhỏ tại các cửa hàng tạp hóa. |
Anh nhận định, vào đợt nắng nóng kỷ lục là mùa hái ra tiền của xưởng đá bởi lượng hàng bán ra rất nhanh, rất chạy và không bao giờ bị lỗ. Mỗi ngày, các xưởng bán ra thị trường khoảng 1.000-3.000 túi đá, mỗi túi có trọng lượng 5kg, tương đương với mức tiêu thụ 5-15 tấn/ngày, tăng gấp 2-3 lần những ngày trước đó.
Anh Lê Trình, chủ cửa hàng nước ở Long Biên (Hà Nội), chia sẻ, mỗi ngày quán của anh phải nhập 8-10 túi đá viên lớn để phục vụ cho khách, giá mỗi túi lấy lại từ người giao là 6.000-8.000 đồng/túi 5 kg. Có lúc vào giờ cao điểm còn không có mà mua, nhiều khi còn phải năn nỉ, kì kèo mãi người giao hàng mới bớt cho mấy túi đá dùng tạm.
Bên trong thùng đựng sẽ chứa được khoảng 40-50 túi đá lớn và có tấm xốp cách nhiệt ngăn cho đá không chảy. |
Các xe chở đá viên có mặt ở khắp ngóc ngách phố phường. |
“Tôi cảm tưởng mấy hôm nay đi mua đá mà cứ như đi đánh trận, tranh nhau giống kiểu vật phẩm quý hiếm. Trời nóng nực nên khách ai cũng muốn thêm đá, bởi thế mà mua túi 5kg vèo tý là hết nhẵn. Mua của dân buôn hay tại xưởng còn được giá tốt chứ mua lại ở cửa hàng bán lẻ giá phải đội lên gấp đôi, gấp ba thì lấy đâu mà có lãi” - anh Trình tâm sự.
Theo chị Thúy, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), đá là mặt hàng được nhiều khách hỏi mua nhất trong những ngày hè. Người mua chủ yếu là sinh viên và người lao động bởi tính năng tiện lợi, sạch sẽ và lâu tan hơn đá thường.
Trung bình mỗi quán nước ven đường tiêu thụ 3-5 túi đá lớn/ngày. |
Một túi đá 5kg khi mua về chị sẽ tách ra thành nhiều túi nhỏ, mỗi túi từ 10-12 viên và bán với giá là 2.000 đồng/túi. Trung bình mỗi ngày cửa hàng của chị sẽ tiêu thụ từ 4-5 túi đá to, khách vào ra mua không ngớt, cứ nườm nượp từ sáng sớm cho đến đêm muộn.
“Thực ra nếu chỉ bán mỗi đá không thì lãi chẳng được bao vì còn phải khấu trừ đi tiền túi, tiền điện, tiền tủ lạnh bảo quản. Bởi vậy, các cửa hàng như chúng tôi thường phải bán kèm theo cả nước giải khát thì mới có hời nhiều” - chị Thúy nói.
Chị cho biết thêm, để có được giá đá tốt và ổn định chị phải đặt trước với dân buôn hoặc xưởng đá nhiều ngày liền, trường hợp đặc biệt nếu cần gấp thì phải gọi điện báo trước từ 15-30 phút cho người giao thì mới có hàng.