Mùa vải 2018 dự báo bội thu, có lâm cảnh “được mùa rớt giá”?

Bộ NNPTNT thông tin: Niên vụ 2018, cây vải ở miền Bắc ra hoa đạt tỉ lệ 95%, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, liệu mùa vải 2018 có lặp lại tình trạng “giá rớt, thương lái chạy” vẫn thường diễn ra mỗi khi nông sản lâm cảnh “cung” vượt “cầu”?

Hứa hẹn một mùa vải sai hoa trĩu quả
Theo Bộ NNPTNT, thời tiết năm nay thuận lợi cho vải ra hoa, tạo quả và dự báo một năm vải thiều sẽ cho năng suất cao. Tại “thủ phủ” vải thiều (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), tỉ lệ vải ra hoa đều khắp tán, cây ra hoa nhiều, ít phát lộc. Điều này dự báo mùa vải năm nay tỉ lệ đậu quả cao, chất lượng quả đẹp. Điều này khiến không chỉ người trồng, mà những cán bộ ngành nông nghiệp huyện hết sức phấn khởi. Đại diện Phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn cho biết, không chỉ những xã vùng thấp mà các xã trên đèo của huyện Lục Ngạn như Tân Sơn, Hộ Đáp, Phong Minh, Phong Vân.. vải cũng ra hoa đồng loạt. Tại huyện Lục Nam, khoảng 6.000ha vải thiều đều ra hoa, tập trung tại các xã Đông Phú, Đông Hưng, Trường Sơn, Bình Sơn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), gần 30.000ha vải thiều toàn tỉnh có tỉ lệ ra hoa đạt hơn 90%, cao gấp đôi so với năm trước.
Tại Hải Dương, hiện nay diện tích trồng vải đạt khoảng 10.500ha. Với diện tích này, mùa vải năm 2017 sản lượng quả thu được đạt khoảng trên 29.000 tấn. Trong đó có 19.000ha vải sớm, tiêu thụ thuận lợi. Hiện nay, Hải Dương vẫn duy trì 13 vùng trồng được cấp mã số để XK. Các địa phương khuyến cáo bà con chăm sóc vải theo quy trình chặt chẽ đã được tập huấn, đảm bảo vải đủ tiêu chuẩn XK.
Nơm nớp nỗi lo “giải cứu”?
“Được mùa mất giá” là nỗi lo canh cánh của ngành nông nghiệp mỗi khi một loại trái cây hay sản phẩm nông sản nào đó quá được mùa nhưng thị trường tiêu thụ vẫn không có gì thay đổi. Để ứng phó với vấn đề này, Bộ NNPTNT đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) phối hợp với các địa phương chuẩn bị xúc tiến tiêu thụ vải, nhãn đảm bảo đầu ra ổn định, hiệu quả. Theo ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Cục đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại, một số vùng trọng điểm sản xuất vải, nhãn tập trung cùng một số trung tâm phân phối, tiêu thụ sản phẩm để kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong nước. Trong đó, tập trung vào kênh phân phối siêu thị để phân phối hàng hoá trong thị trường nội địa và việc kết nối với các DN lớn thu mua nhằm XK ra các thị trường nước ngoài. Cũng theo ông Trần Văn Công, năm nay, nhiều vùng sản xuất vải, nhãn đã mở rộng quy mô sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và XK. Hiện tại, Việt Nam đang có thị trường rất lớn là Trung Quốc, bởi quả vải và quả nhãn đã được cấp phép là 2 trong số 8 loại quả được phép XK chính ngạch sang thị trường này.
Ngành nông nghiệp và công thương tỉnh Bắc Giang cũng đã đề cao vai trò của sản xuất an toàn là giải pháp hữu hiệu để quả vải được tiêu thụ thuận lợi. Theo đó, năm nay, toàn tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng khoảng 13.000ha vải thiều VietGAP, hơn 200ha vải được cấp mã vùng theo tiêu chuẩn GlobalGAP tập trung tại huyện Lục Ngạn. Huyện Lục Ngạn cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất vải VietGAP, GlobaGAP cho các nhà vườn để nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP phục vụ xuất khẩu. Để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp huyện đã cử cán bộ bám sát cơ sở, nắm bắt chung tình hình để kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc trừ sâu, bệnh, ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục. Được biết, vải VietGAP và vải quy hoạch để XK có giá cao hơn thị trường 3.000 - 4.000 đồng/kg đã giúp nâng cao giá trị vùng sản xuất vải VietGAP, vùng vải XK.

Đọc nhiều nhất

Tin mới