“Một vợ, một chồng chắc gì đã bằng tôi”

Thế nhưng, để có được sự tổng kết tưởng như giản đơn khi chỉ gói gọn trong vài từ ấy là điều không hề đơn giản. Ở đó có đức hy sinh, lòng vị tha, sự yêu thương chân thành và "quan trọng nhất là phải lựa nhau mà sống" như lời ông bảo.
Hạnh phúc tái sinh 

Ông Khuyến kể, ông lập gia đình năm 1970. Vợ ông là người cùng làng. Sau ngày cưới, ông phải quay vào chiến trường Quân khu 4 tiếp tục chiến đấu tại Quân chủng Phòng không - Không quân, để lại người vợ trẻ vò võ nơi quê nhà. Năm 1973, ông chuyển ra Hà Nội công tác. "Tiếng là gần nhà nhưng cũng biền biệt, mãi đến năm 1986, khi về hưu tôi mới thực sự được gần vợ con", ông cho hay.

Nghĩ đến những năm tháng người vợ phải một mình lo thu vén gia đình, chăm sóc bố mẹ chồng cùng bốn con thơ, ông Khuyến hiểu rằng cần phải làm tất cả để bù đắp lại phần nào cho vợ. Thế nhưng, sự bù đắp ấy "chẳng tày gang" thì năm 1995, vợ ông qua đời. Khi ấy, cậu con trai lớn vừa lập gia đình, cậu con út mới 11 tuổi. "Đó thật sự là một nỗi đau quá lớn đối với tôi vì còn nhiều việc tôi chưa kịp làm cho bà ấy", ông Khuyến bùi ngùi.

Cảm thông trước cảnh "gà trống nuôi con" của ông, bà Phạm Thị Lới - từng là Hiệu trưởng trường mầm non của xã đã đem lòng yêu thương. Hạnh phúc lại một lần nữa mỉm cười với ông. Một đám cưới đơn giản nhưng ấm cúng diễn ra trong sự ủng hộ của anh em họ hàng, làng xóm. "May mắn là chính các con cũng đồng tình để bố đi bước nữa", ông chia sẻ. Năm 1998, bà Lới sinh cho ông thêm một cậu con trai. 

"Nhiều gia đình một vợ một chồng chắc gì đã bằng chúng tôi".
"Nhiều gia đình một vợ một chồng chắc gì đã bằng chúng tôi". 

"Lựa nhau mà sống"

Ông bảo, cuộc sống vợ chồng chẳng tránh khỏi những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Có những lần ông bà cãi vã, giận hờn nhau. Những lúc ấy, hơn ai hết, ông hiểu rằng: "Cái tâm thế của người phụ nữ làm kế cũng khác lắm. Nếu lúc đó, mình không chịu "cơm sôi bớt lửa" thì rất có thể, người ta sẽ có tâm lý phân biệt "con anh" - "con tôi"". Biết thế nên những lúc ấy, ông lại chọn giải pháp im lặng, đợi đến khi cả hai cùng bình tĩnh lại thì ngồi nói chuyện với nhau. 

Những khúc mắc trong cuộc sống vợ chồng dần được ông bà tháo gỡ theo cách đó, để đến bây giờ, họ đã thật sự hiểu nhau, yêu thương gắn bó nhiều hơn. "Cuộc sống vợ chồng, cùng với đức hy sinh, lòng vị tha, yêu thương chân thành còn phải biết lựa nhau mà sống", ông chiêm nghiệm.

Điều mà ông Khuyến luôn cảm thấy an tâm, hài lòng là không hề có chuyện phân biệt giữa vợ và các con. "Ban đầu, các con gọi bà ấy là mợ. Tôi cũng chẳng can thiệp làm gì. Dần dần, chúng đều chuyển sang gọi bằng mẹ một cách tự nhiên. Còn về phía vợ, bà ấy cũng quan tâm yêu thương các con của chồng như con đẻ, lo lắng chuyện học hành, mua sắm đồ dùng, cưới hỏi cho con tỉ mẩn như mẹ đẻ vậy", ông Khuyến không giấu được niềm tự hào.

Hiện, bốn người con lớn của ông đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Vợ chồng ông đang sống cùng người mẹ đẻ ngót 90 tuổi cùng cậu con trai út. "Chúng tôi cùng chăm lo cho mẹ từ bữa ăn, giấc ngủ, để cụ luôn vui vẻ. Đó chính là cách giáo dục con cái mình tốt nhất, bởi sau này, chúng tôi cũng sẽ già cả và có thể sẽ lại trông cậy đến sự chăm lo của các con", ông bảo.

Trước khi chia tay, ông Khuyến còn "bật mí" với vẻ tự hào: "Dịp cậu con thứ tư lập gia đình, các con có họp nhau lại và thưa với vợ chồng tôi rằng: Bây giờ bố mẹ cũng đã già. Do vậy mà việc chăm lo cho em út sẽ do bốn anh chị đảm nhận. Không nói ra chứ tôi biết bà ấy cũng mừng lắm. Đó thật sự là một hạnh phúc không dễ gì có được. Tôi tin, nhiều gia đình một vợ một chồng chắc gì đã bằng chúng tôi". 

TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Đọc nhiều nhất

Tin mới