Cắt cổ” khách hàng
Thời gian gần đây, tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, cơ quan chức năng ít phát hiện các vụ việc công ty đòi nợ dàn xếp đội hình, vây trụ sở hay đe dọa bằng vũ lực, gửi quan tài, hoa tang... theo kiểu giang hồ.
Tuy nhiên, không có nghĩa là không có các hình thức đòi nợ theo luật rừng. Thực tế cũng ghi nhận, cách đây ít lâu, lực lượng Công an TP.HCM đã bắt giữ ông trùm chuyên đòi nợ thuê Nguyễn Hồng Phúc (32 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) và 6 đồng phạm. Băng nhóm này còn sản xuất, mua bán vũ khí trái phép, chuyên “xử” theo đơn đặt hàng và đặc biệt là đòi nợ thuê.
Đối với dịch vụ đòi nợ thuê, bên cạnh một số “mặt được” thì còn đó không ít nguy cơ, rủi ro mà cả chủ nợ và con nợ phải đối mặt. Dễ thấy trước mắt là chủ nợ thường bị thu phí đòi nợ thuê theo kiểu “cắt cổ”.
Trong vai người đang có khoản nợ 50 triệu cần đòi, PV liên hệ với một công ty chuyên đòi nợ tại TP.HCM. Tại trụ sở công ty này, PV được nhân viên công ty cho biết: “Đây là thời điểm rất đông người sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê. Chúng tôi sẽ nhận yêu cầu của anh nhưng phí cao. Mức phí dịch vụ là 50% cộng thêm 1 triệu đồng tiền công tác phí. Nếu được bên em sẽ xem xét khoản nợ ký hợp đồng, trong vòng 1 tuần bên em sẽ thu hồi nợ cho anh”.
Theo một số người từng hoạt động trong các tổ chức đòi nợ thuê, nhiều khi công ty đòi nợ không thực hiện được đúng cam kết như trong hợp đồng. Họ sẽ tìm cách đối phó. “Nếu là các khoản nợ có số tiền nhỏ, họ tự động trả tiền trước cho chủ nợ. Sau đó, tổ chức này sẽ tiếp tục đòi nợ đối với con nợ. Lúc này, do đã hết hợp đồng cam kết giữa chủ nợ và công ty đòi nợ nên họ sẽ sử dụng các “biện pháp mạnh” như: Đe dọa buộc con nợ phải trả nợ”, ông Hà, một người từng đi thu nợ cho biết.
Bao giờ chủ nợ cũng bị thiệt hại nặng... |
Tương tự, theo khảo sát của PV hiện đang có hàng loạt công ty tung ra các gói dịch vụ đòi nợ thuê với mức phí “cắt cổ”, dao động từ 15% - 50%, tùy gói nợ thu hồi. Ví dụ, ở mức 50% đối với các gói nợ từ 30 - 50 triệu đồng, 40% là các gói có số nợ từ 50 - 100 triệu đồng, từ 100 - 200 triệu đồng là 35%... Số tiền càng cao, số phần trăm phí dịch vụ càng thấp. Tuy nhiên, bao giờ chủ nợ cũng bị thiệt hại nặng...
Có thể dẫn chứng trường hợp chủ nợ có số nợ cần đòi là 50 triệu đồng, ngoài phải chịu mức phí 50%, họ sẽ tốn thêm 1 triệu đồng tiền phí thẩm định, điều tra, 1 triệu đồng tiền công tác phí ở khu vực TP.HCM. Thậm chí, nếu con nợ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, phí điều tra, thẩm định hồ sơ lên đến 10 triệu đồng, 15 triệu đồng tiền công tác phí. Với gói dịch vụ đòi 200 triệu đồng, chủ nợ mất thêm 45% tiền phí cùng các khoản đã nói ở trên. Như vậy, chủ nợ còn lại số tiền 85 triệu đồng.
Với đủ loại phí, dịch vụ cộng thêm này, chủ nợ đã thiệt hại tới 60 – 70% số tiền cần đòi. “Phải xem các khoản phụ phí này gộp chung với gói nợ mà chủ nợ cần đòi, dù gì thì họ cũng phải trả, chứ có ai trả đâu. Các công ty tách riêng để chia nhỏ số tiền, khiến khách hàng tưởng ít... nhưng đây chính là chiêu thức móc túi khách hàng”, ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM phân tích.
Đánh bóng để gây lòng tin
Theo tìm hiểu, hiện nay, trên thị trường đang có hàng trăm công ty đòi nợ thuê hoặc ẩn dưới những cái tên khác nhau. Chỉ cần gõ cụm từ “đòi nợ” trên Google là các doanh nghiệp này nhảy lên trang đầu tiên. Một đặc điểm chung là các đơn vị đều tung ra danh hiệu, giải thưởng uy tín, cúp danh giá, chứng nhận “dịch vụ hoàn hảo”... Tuy nhiên, đây đều là những thông tin không rõ ràng, thậm chí che mờ ảnh và có dấu hiệu chỉnh sửa các giải thưởng, chứng nhận... biến của người khác thành của mình.
Truy cập vào website của một công ty đòi nợ thuê ở quận Tân Bình, (TP.HCM), PV thấy rất nhiều giải thưởng, cúp, kỷ niệm chương... Tổ chức này cố tình trưng ra các “sản phẩm” trên để “phô diễn” đối với khách hàng. Thậm chí, đó chỉ là đơn vị bảo trợ nhưng cũng được thổi thành “dịch vụ hoàn hảo” hay “nhãn hiệu ưa dùng”...
Nói về “mưa” giải thưởng, tặng cúp, chứng nhận “doanh nghiệp ưa dùng”, “doanh nghiệp kinh doanh tốt”, “nhãn hiệu ưa dùng”... ông Trần Hồng Quân, Giám đốc một doanh nghiệp ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho rằng: “Ngoài khả năng các giấy chứng nhận, cúp, kỷ niệm chương... giả thì chuyện doanh nghiệp này nhận giải thưởng đó là điều hết sức bình thường. Hiện nay, chỉ cần bỏ ra 10 hay 20 triệu đồng, thậm chí 5 triệu đồng sẽ có ngay một giải thưởng của một tổ chức hay hội nào đó. Đặc biệt, các hội không uy tín, mới thành lập... thì giá giải thưởng lại càng rẻ”.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng ít phát hiện các vụ việc công ty đòi nợ theo kiểu giang hồ nhưng không có nghĩa là không có các hình thức đòi nợ theo "luật rừng". |
Cũng theo vị này, việc trao tặng giải thưởng, cúp, chứng nhận quá dễ dãi... đã tạo nên tình trạng thượng vàng hạ cám. Nhiều doanh nghiệp lấy đó làm con bài để thu hút người sử dụng dịch vụ. Vì thế, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là doanh nghiệp thật, đâu là công ty rởm và dễ rơi vào bẫy “dịch vụ đòi nợ cắt cổ”. “Điển hình như doanh nghiệp của tôi, mỗi năm có đến hàng chục người liên lạc để kêu gọi tham gia các cuộc xét giải thưởng. Chỉ cần bỏ ra 10 hay 20 triệu đồng sẽ được tặng giải thưởng. Đóng tiền càng nhiều thì giải thưởng càng có giá trị”, ông Quân cho biết.
“Thậm chí có những giải thưởng không ăn nhập gì với cuộc bình chọn hoặc lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Minh chứng là doanh nghiệp đòi nợ thuê nhưng lại được vinh danh là “có thành tích xuất sắc trong việc chống hàng giả” hay chỉ được cấp chứng nhận là một trong các đơn vị bảo trợ của giải thưởng nhưng cũng được thổi thành “đạt chứng nhận dịch vụ hoàn hảo”... Thực trạng này cần chấn chỉnh, ít nhất cũng phải siết chặt, tránh để khách hàng hiểu lầm”, ông Quân cho biết.
Nói về dịch vụ này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Lâm cho rằng: “Việc các doanh nghiệp hoạt động đòi nợ thuê phản ánh đúng quy luật cung cầu của thị trường. Họ muốn tồn tại được thì phải có cầu và ngược lại. Không phủ nhận dịch vụ này đã mang lại lợi ích cho một số cá nhân, tổ chức, tuy nhiên, nó vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là các nhóm, tổ chức đòi nợ thuê tự phát. Thậm chí, chủ nợ hoặc cả con nợ cũng có thể trở thành con nợ mới đối với các công ty đòi nợ vì không có tiền trả”.
Theo quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ được Chính phủ ban hành, để hoạt động trong lĩnh vực này, doanh nghiệp phải có vốn pháp định là 2 tỷ đồng. Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định. Giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. Các công ty dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán phát sinh trong giao dịch dân sự và phải có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Ngoài ra, Nghị định cũng nghiêm cấm các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân... của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân có liên quan; tuyệt đối không được sử dụng các thông tin có được từ chủ nợ và khách nợ để gây bất lợi cho họ.