Lời nhắn mẹ chồng gửi nàng dâu

Con mới về làm dâu, mọi thứ trong nhà đều còn lạ lẫm. Con nhìn đâu cũng thấy bỡ ngỡ, những người bên cạnh thì vừa lạ vừa quen.

Là người có học, con cư xử chừng mực, lễ phép. Đó chính là ưu điểm của con mà ba mẹ đã nhận ra ngay khi con vừa đến chơi nhà. Mẹ rất quý điều đó nhưng vẫn muốn nhắc thêm với con rằng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Con đã chính thức trở thành người nhà, vì vậy có những thứ không nên quá xa lạ, giữ khoảng cách.

Mẹ đã từng làm dâu nên rất hiểu con dâu. Ở nhà mình không phải thức quá khuya, dậy quá sớm bởi chẳng có việc gì để làm; ba mẹ cũng chẳng muốn con cái phải hầu hạ nước rót, cơm bưng. Lên bàn ăn thì cứ dùng cho thật no để buổi tối, chồng con không phải len lén ra ngoài mua thêm đồ ăn cho vợ. Nói chuyện với ba mẹ thì con cứ thoải mái như với ba mẹ ruột của mình, không cần phải quá e ấp như vậy...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Con à, không phải không có lý do khi ông bà ta nói con dâu mới là con của mình. Các em chồng của con rồi đây cũng sẽ theo chồng, ở riêng. Trong nhà mình chỉ còn lại ba mẹ với vợ chồng con. Khi ấm lạnh, lúc vui buồn, mẹ chỉ biết trông cậy vào con. Chính vì hiểu như vậy nên mẹ rất thương con và cảm ơn anh chị sui đã sinh ra, nuôi dạy một đứa con ngoan hiền rồi trao nó cho ba mẹ mà chưa một ngày được đền đáp, báo ân.

Con dâu của mẹ!

Chuyện mẹ chồng, nàng dâu xưa nay luôn là đề tài để mọi người đàm tiếu. Thường thì chuyện xấu nhiều hơn chuyện hay. Mẹ không muốn điều đó xảy ra với mẹ con mình. Con mới về làm dâu, chúng ta hãy xây dựng mối quan hệ tốt đẹp ngay từ đầu. Mẹ đã sẵn sàng để làm chuyện đó. Còn con, mẹ nghĩ con cũng sẽ làm được. Nếu thật sự xem gia đình chồng là gia đình mình thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều, phải không con?

Mẹ chồng nàng dâu: Tiểu xảo của “cô gái đanh đá“

Tôi lấy chồng 8 năm, mỗi lần sang nhà bố mẹ đẻ tôi chơi, mẹ chồng không ngớt miệng khen con trai có phúc cưới được cho bà dâu “hiền”.

Ngày còn đi học, tôi nổi tiếng đanh đá “rách trời rơi xuống”. Bố mẹ lo lắng không biết sau này lấy chồng, về nhà “người ta”, đứa “con gái đầu gấu” sẽ sống kiểu gì. Thế mà giờ tôi đã lấy chồng 8 năm, mỗi lần sang nhà bố mẹ đẻ tôi chơi, mẹ chồng không ngớt miệng khen con trai có phúc cưới được cho bà nàng dâu “hiền”.

Về làm dâu, chẳng đợi mẹ chồng kịp dò xét, tôi đã ghé vào tai bà thủ thỉ: “Con thẳng tính nên đôi khi hành động bộp chộp, nóng nảy nhưng thực tâm con không suy nghĩ, tính toán gì. Lúc nào mẹ không hài lòng thì mẹ cứ nhắc để con sửa. Bảo một lần không được thì mẹ bảo nhiều lần chứ mẹ đừng giận con, mẹ nhé!”. Mẹ chồng tôi hơi bất ngờ một chút nhưng sau đó bà tiếp nhận tính cách của con dâu một cách rất nhẹ nhàng. Thi thoảng bà cũng có nhắc nhở, chấn chỉnh một đôi điều nhưng hầu hết những ý kiến của bà rất chân tình và xây dựng.

Tôi cũng hay cùng mẹ chồng trò chuyện. Thường thì tôi chỉ đặt một vài câu hỏi với bà, sau đó mẹ chồng tôi sẽ kể cơ man là chuyện. Tôi nghe mẹ kể, thi thoảng thốt lên một câu cảm thán hoặc kinh ngạc: “Ôi, thế à mẹ?”, “Thật thế ạ?”, “Thế cơ ạ”, “Con không biết đâu đấy!”… Những lần như vậy, tôi vừa thu thập được khối tin tức, kinh nghiệm, vừa tết chặt hơn sợi dây gắn kết với mẹ. Thực tình, mẹ chồng chẳng cần mình kể lể những kiến thức cao siêu trên trời dưới biển, chỉ đơn giản là tôi luôn lắng nghe, đồng cảm với bà.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Về nhà chồng, tôi cũng chẳng cố gắng tỏ ra quá đảm đang. Việc trong gia đình dù một mình dư sức làm hết nhưng tôi luôn khéo léo “chia chác” với mẹ chồng. Tôi chọn những việc nhẹ nhàng, cần đến sự tinh tế và bao giờ cũng nhờ bà với một giọng rất khẩn khoản: “Mẹ ơi, mẹ làm giúp con nhé! Cái này con chịu thôi!”. Kể cả mỗi lần nấu cháo cho con xong, tôi để nguội rồi cũng “nhờ bà nội đút cho cháu”, tắm cho con xong tôi cũng giục con “ra nhờ bà nội lau người đi con”. Bà nội đi vắng một vài hôm, những việc trong “lãnh địa” của bà tôi không bao giờ đụng đến. Khi mẹ trở về sẽ vừa dọn dẹp, vừa ca thán: “Biết ngay, bà nội đi có mấy hôm nhà cửa đã thế này!”. Tôi chỉ đợi có dịp lao vào bóp vai cho mẹ nịnh nọt: “Thế mới biết tầm quan trọng của bà nội chứ!”

Đương nhiên, trong cuộc sống cũng có lúc nảy sinh những mâu thuẫn. Chuyện nhỏ như khi bà khăng khăng bắt tôi nấu ăn theo công thức “cổ đại” rất khó nuốt của bà, chuyện lớn là khi mẹ yêu cầu vợ chồng tôi làm chuyện này, chuyện khác có nguy cơ đảo lộn cuộc sống, khiến tôi ức chế. Nguyên tắc của tôi là không bao giờ cãi mẹ, nhưng chuyện bản thân đã tin là đúng tôi sẽ không bao giờ phục tùng. Trong bếp, khi bà chỉ dạy, tôi vẫn lễ phép dạ vâng nhưng khi bà đi khỏi tôi sẽ vẫn nấu ăn theo cách tôi nghĩ. Bữa cơm, cả bố, cả chồng tôi đều tấm tắc khen, tôi đều khéo léo “Nhờ mẹ hướng dẫn con đấy!”. Thế là, lần sau mẹ chồng không bắt tôi làm món đó theo ý mình. Những chuyện mẹ chồng yêu cầu, tôi thấy không hợp lý cũng không vội cãi lại bà mà sẽ nói: “Chuyện này con phải bàn lại với chồng con đã!”… Dù sao, con trai đề xuất ý kiến, không nhất trí với mẹ sẽ dễ chấp nhận với bà hơn.

8 năm tôi sống tự chủ và hạnh phúc trong nhà chồng. Chỉ nhờ bí kíp sử dụng chút ít tiểu xảo tinh vi xuất phát từ tình cảm chân thành của nàng dâu với mẹ chồng.

Bi kịch vợ chồng trái tính

Vợ cần kiệm, lo xa; chồng lại vô tư, bảo trời cho bao nhiêu hay bấy nhiêu, nên mọi việc cứ mặc vợ lo. 

Vợ và chồng trái hẳn tính nhau. Vợ cần kiệm, lo xa; chồng lại vô tư, bảo trời cho bao nhiêu hay bấy nhiêu, nên mọi việc cứ mặc vợ lo. Căn nhà đang ở đã xuống cấp, mái dột tường nứt, hỏi chồng tính sao, chồng tròn mắt: “Còn tính gì nữa, lương chỉ đủ xài, nhà cửa tới đâu hay tới đó”. Vợ phát rầu, đành tự làm thêm, tiết kiệm chi tiêu để tích góp dần.

Cuối năm ngoái chồng được thưởng một số tiền kha khá. Vợ chưa kịp mừng thì chị chồng gọi điện lên than, nói nhỏ út của anh chị đi học xa nhà, mà anh chị chưa đủ tiền mua xe cho con. Chồng liền hào hiệp: “Em mới lãnh tiền thưởng, để em gửi phụ chị mua xe cho cháu”. Thấy chồng làm việc nghĩa tình, vợ không dám trách. Chồng mua cho cu Bin con rô bốt, được vài hôm, Bin lại đòi mua siêu nhân, chồng lại vét túi chiều con. Bin đòi vọc laptop, lần thì làm mất dữ liệu, lần thì máy treo cứng, phải sửa bộn tiền. Vậy mà mỗi lần Bin đòi vọc máy, chồng lại vô tư để con tha hồ phá.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Có hôm chồng nhậu tới khuya không thấy về, vợ lo lắng đứng ngồi không yên. Chợt, chồng gọi về bảo mang tiền ra quán chuộc chồng về. Vợ phải gõ cửa hàng xóm nhờ trông cu Bin. Tới nơi mới biết số tiền nhậu gần bằng nửa tháng lương. Vợ xót cả ruột trong khi chồng vô tư: “Anh là đàn anh, để tụi nó trả tiền coi sao được”. Có hôm vợ đang bù đầu với sổ sách cuối quý, nghe chồng gọi bảo có thằng bạn cãi nhau với vợ, bỏ nhà đi nên chồng đưa về ở tạm. Chồng dặn vợ chiều nay nhớ về sớm, đi chợ mua cái gì ngon ngon, dọn sẵn chỗ để bạn lánh nạn vài ngày… Từ ngày sinh cu Bin, vừa chăm con vừa lo việc nhà, việc cơ quan, vợ đã quá đuối; lại còn phải lo nghĩ, tính toán sao cho khỏi thiếu trước hụt sau, lo tích góp để sửa nhà, lo mai sau cu Bin học hành… Vợ thương chồng nên cố choàng gánh, trăm công nghìn việc cũng không dám than, chỉ sợ nhất là chồng gọi về kêu “vợ ơi vợ à, có việc này nè”…

Chiều nay, vợ đang tay xách nách mang ngoài chợ, chồng lại gọi: “Vợ ơi, chút em đón cu Bin nha, rồi hai mẹ con về ngoại dự đám giỗ luôn, anh kẹt qua nhà thằng bạn dọn nhà giúp nó”. Vợ nghe mà dở khóc dở mếu. Có lẽ trong mắt chồng, vợ là siêu nhân, có thể chịu đựng hết mọi thứ, dễ dàng giải quyết ngon lành mọi khó khăn. Chồng quên vợ chỉ là một công chức bình thường, thu nhập bình thường, có lúc cũng chồn chân mỏi gối, cần bờ vai của chồng để tựa vào.

Vợ mong chồng chịu chung tay cùng vợ gánh vác mọi khó khăn, bớt nhặt nhạnh những tảng đá ngoài đường mang về nhà, để vợ có thể nhẹ nhõm hơn. Đường còn dài, gánh trên vai càng đi, càng nặng. Gia đình này là của vợ chồng mình, lẽ nào chồng để mặc cho mình vợ gánh?

Đọc nhiều nhất

Tin mới