Làm vợ hay chồng cũng giống như làm một nghề

Làm vợ hay chồng cũng giống như làm một nghề, cần học mới có kiến thức, kỹ năng, giải pháp... để giải quyết những vấn đề mà nó đặt ra. 

Thủy, bạn tôi, là giảng viên đại học. Cô ấy lập gia đình cách đây 6 năm và đã có một cậu con trai 4 tuổi. Ban đầu vợ chồng Thủy sống rất hạnh phúc, nhưng dần dà chồng cô ấy xuất hiện nhiều tật xấu mà anh ta không muốn quyết tâm từ bỏ (rượu chè, cá cược, bida…), anh ta luôn nhậu nhẹt về muộn, rồi toàn nói dối là “đi ngoại giao, quan hệ công việc, đi với sếp…”. Anh ta nói dối ngày càng nhiều hơn và còn lập “quỹ đen” để tiêu riêng và lún sâu vào nợ nần.

Thủy tâm sự với tôi, có lần chồng cô ấy bảo vợ rút tiền tiết kiệm đưa anh để “đi làm sổ đỏ”, nhưng rồi mất tiêu luôn; lần khác là “mua laptop”, rút cục anh ta không trả tiền, cửa hàng đến nhà đòi Thủy lại phải đưa tiền thêm lần nữa. Nhiều tháng anh ta không đóng góp tiền nuôi con, bảo công ty đang thua lỗ, nợ lương… Thủy quá yêu và tin chồng, cho dù anh ta mắc lỗi gì, chỉ cần nói ngon ngọt, hứa hẹn sửa chữa là cô sẵn sàng cho qua, rồi anh ta lại chứng nào tật nấy. Nhưng điều khiến cô ấy phát điên chính là sự không chung thủy của chồng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trước đây Thủy khẳng định chồng mình có nhiều tính xấu, nhưng không bao giờ nghĩ anh ta có thể phản bội, bởi cho rằng mình luôn quan tâm chăm sóc, yêu thương chồng như thế thì có lý gì anh ta lại phản bội? Cách đây 3 tháng, người tình của chồng Thủy đã đến tận nhà trách cứ anh ta “tại sao hẹn hò mà không đến?”. Cô ta còn ngang ngược gọi điện cho Thủy: “Chị nên xem lại chồng mình, khuyên anh ta bỏ kiểu yêu đương tay ba ấy đi...”, vậy mà chồng Thủy vẫn cãi cố là mình “trong sạch”. Anh ta giải thích rằng, anh nợ tiền cô ta và hẹn sẽ trả, nhưng không trả được nên cô ta tới đòi và nói về chuyện hẹn hò... Thủy biết anh nói dối, nhưng vẫn cố tin. Sau đó chồng Thủy và cô gái kia vẫn gọi điện cho nhau, có hôm nửa đêm họ còn tâm sự, Thủy giật điện thoại của chồng chửi cho cô ta một trận.

Cách đây vài hôm cô kia lại gọi điện cho chồng Thủy. Chồng Thủy giả vờ quát tháo rồi tắt máy. Thủy lấy điện thoại của chồng gọi lại, cô ta không biết nên nhõng nhẹo hỏi: “Sao tối nay anh không đến với em?”. Thủy không đủ bình tĩnh nữa và quát tháo cô ta một trận, thế là cô ta đề nghị gặp trực tiếp để “ba mặt một lời”. Thủy đồng ý. Trên đường đi cô ấy vẫn hy vọng là mình… nhầm. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Thủy quá sốc và đau khổ khi nghe cô ta thú nhận là rất yêu chồng Thủy và muốn sống với anh, họ đã quen nhau và quan hệ như vợ chồng gần hai năm nay, cô ta đã phá thai một lần và bây giờ lại có thai lần thứ hai, cô ta xin chồng Thủy cho đứa bé mang họ anh.

Thủy không gào thét, không chửi bới mà cũng không khóc nổi. Rồi Thủy hỏi cô ta: “Chồng tôi có hứa hẹn với cô điều gì không?”. Cô ta bảo anh không hứa hẹn gì và cũng nói sẽ không bao giờ bỏ vợ... Mấy hôm nay Thủy giữ thái độ im lặng, còn chồng cô lại xin tha thứ, lại hứa hẹn...

Thủy đặt ra hàng chục câu hỏi rối bời: Có phải cô ấy đã quá đơn giản, nhẹ dạ khi xử lý những vấn đề của vợ chồng? Liệu cô ấy có nên tiếp tục tin và tha thứ cho chồng? Nếu tha thứ, liệu anh ta có tiếp tục phản bội? Liệu cô gái kia có thai với chồng mình thật không?...

Thú thực, tôi không thể trả lời chính xác những câu hỏi của Thủy, cũng không thể đưa ra lời khuyên về một “lối thoát”, tôi chỉ có thể chia sẻ với cô ấy những suy nghĩ của mình về tình trạng “chồng chẳng ra chồng, vợ chẳng ra vợ” trong nhiều gia đình trẻ thời nay. Dường như họ là những người đàn ông, đàn bà không bao giờ trưởng thành. Tôi thật sự ái ngại, không biết chuyện vợ chồng Thủy rồi sẽ đi đến đâu, chỉ thấy rõ một điều, họ có thể đều là người học hành, thành đạt, nhưng lại thiếu kỹ năng ứng xử trong hôn nhân, họ không biết làm chồng, làm vợ thì phải như thế nào, quyền lợi và trách nhiệm ra sao...

Tôi cho rằng, làm vợ hay làm chồng cũng giống như làm một nghề, cần phải học mới có kiến thức, kỹ năng, giải pháp... để giải quyết những vấn đề mà nó đặt ra. Còn cuộc sống cũng luôn là một bài toán đa nghiệm, nếu ngay từ khi đọc đề bài mà bạn đã không hiểu thì làm sao có thể tìm ra cách giải nó được?

Muốn hạnh phúc thì đừng cố chấp

Chúng tôi sống với nhau hơn 50 năm, đã có 3 mặt con, giờ đã được lên chức ông bà nội ngoại. Giữa chúng tôi có những khoảng cách về tuổi tác, vì ông ấy hơn tôi gần 10 tuổi, cho nên về tâm tính, cảm nhận cũng như sở thích cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, để có cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm, chúng tôi luôn có một tâm niệm không chấp nhặt những thứ lặt vặt, không để cơn giận quá lâu... 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Theo thói thường, già sinh tật hay lẩm cẩm, cãi nhau chỉ vì những việc không đâu. Sau mỗi lần cãi nhau có tính nảy lửa, chúng tôi luôn cố gắng làm lành với nhau bằng một lời xin lỗi, một nụ cười. Trong cuộc sống vợ chồng, tôi luôn tâm niệm không bao giờ đem cái tật của ông đi tỉ tê than phiền với hàng xóm, từ người này đến người nọ. 

Hôn nhân may rủi

Tôi hạnh phúc với hiện tại, với người đàn ông mình đã liều lĩnh chọn, chấp nhận may rủi, vì quá cách biệt tuổi tác.

Sau lần thứ hai chia tài sản, ông chồng lười biếng và mê gái của tôi mới chịu gật đầu bỏ vợ. Tôi gần như trắng tay để đổi lại tự do cho mình.

Bị lừa dối quá nhiều, tôi nghĩ mình chẳng còn đủ can đảm để tin yêu ai được nữa. Hoặc, nếu lại tiếp tục yêu thì liệu người đàn ông đó có đủ bao dung để chấp nhận cảnh một mẹ một con như tôi? Nghĩ thế nên tôi chỉ sống yên phận, không dám mơ tưởng gì đến một bờ vai để nương tựa những lúc khó khăn.

Đời tôi có lẽ đã không thay đổi nếu như cô bé giúp việc không quá tham lam. Thường ngày, cô nàng hay vờ vịt giấu diếm một ít tiền của khách nhưng vì không quá nhiều nên tôi im lặng bỏ qua. Một hôm, cô ta đột ngột biến mất, cùng lúc là một khách quen gắt gỏng điện hỏi, sao đã đưa trước hơn chục triệu mà chưa thấy giao thịt tới? Tôi chới với vì biết mình bị mất tiền, nhưng lại không thể bỏ sạp thịt chạy đi giao hàng để khỏi mất thêm cả khách.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong lúc cấp bách, chị sạp cá bên cạnh đã tìm giúp tôi một người đang cần việc. “Anh” xuất hiện trong bộ quần áo cũ xỉn đen, nhưng bù lại, “anh” có nụ cười rất tươi, giọng nói ấm áp và thái độ làm việc rất nhiệt tình. Sau lần “cứu nguy” đó, “anh” vui vẻ gật đầu làm chân giao thịt cho tôi. Mọi chuyện đều ổn, duy chỉ một điều là anh dứt khoát xưng tên, không chịu gọi tôi bằng chị: “Nếu tui không nói tuổi thì Ngân cũng đâu biết tui nhỏ hơn. Nhìn Ngân trẻ măng à, xưng tên cho dễ nói chuyện!”.

Ban đầu, anh làm hết việc rồi về, chủ tớ rạch ròi. Lâu dần thành thân, anh ở lại trễ hơn, ban đầu chỉ là nói những câu chuyện không đầu không cuối kéo dài bất tận, sau là lấy lý do phụ tôi dọn hàng. Rồi không biết từ lúc nào anh trở thành tài xế đưa đón tôi sớm tối. Đã quen với sự có mặt của anh, mỗi khi không có anh bên cạnh, tôi lại thấy trống vắng, nhớ anh. Nhớ tiếng nói trầm ấm của anh. Nhớ ánh mắt nồng nàn mà có lẽ anh chỉ dành riêng cho tôi.

Có thể yêu thêm lần nữa, có thể mở rộng tâm hồn mình để đón nhận một người khác? Tôi nghĩ mà vừa mừng, vừa lo. Thật ra tôi lo nhiều hơn vì những đau đớn, tổn thương của cuộc hôn nhân trước vẫn chưa thôi ám ảnh tôi. Phần nữa, tôi tự dằn vặt vì khoảng cách tuổi tác giữa tôi và anh quá lớn. Mười ba năm cách biệt chắc chắn sẽ có những suy nghĩ rất khác khi cả hai bước vào đời sống vợ chồng.

Bao trăn trở khiến tôi trở nên bực bội, cáu gắt. Vô tình anh trở thành tấm thớt cho tôi “chặt chém”. Tôi liên tục kiếm chuyện, la mắng anh chậm chạp, còn vu oan anh đưa thiếu tiền. Thay vì phản ứng lại, anh chỉ ôn tồn nói tiền thiếu cứ trừ vào lương hằng tháng của anh, ngoài ra anh chẳng tranh cãi gì thêm, chỉ im lặng chịu đựng. Một buổi chiều, tôi có việc về gấp, nhờ anh ở lại trông sạp. Tôi đi hơn ba tiếng mới sực nhớ tiền bạc bỏ hết trong ngăn tủ chưa khóa lại. Cuống cuồng quay về chợ, tôi thấy sạp trống trơn. Một cảm giác gai người chạy dọc xương sống. Vậy là tôi lại bị lừa lần nữa!

Về đến nhà, con gái tôi chạy ra kể: “Chú Chín mới vừa dọn hàng về. Chú đưa cho con cọc tiền, kêu bỏ vô tủ khóa lại thật kỹ, mẹ về thì đưa lại.” Tôi lật đật kêu con gái đưa tiền, ngồi đếm. Không thiếu một xu. Anh còn cẩn thận gói riêng tiền mới vừa bán thịt lúc nãy. Đem chuyện này kể lại với mẹ, tôi khóc òa như một đứa con gái mới lớn. Dù nhiều tuổi đời nhưng trong chuyện này sao tôi thấy mình quá non nớt. Mẹ tôi nghe xong chỉ im lặng, rồi kết luận: “Chồng trước của con ban đầu cứ tưởng đứa tử tế hóa ra lại là thằng tệ bạc. Con người thật khó đánh giá hay nói trước qua vẻ bề ngoài. Con cứ làm theo những gì mình cho là đúng. Người ta nói gì mặc kệ. Mẹ ủng hộ con”.

Sau đó, tôi đã đến nhà gặp anh, xin lỗi về những hành động kỳ quặc gần đây của mình. Anh không trách câu nào, chỉ cười hiền và nắm chặt tay tôi. Năm tháng sau, một đám cưới đủ lễ được tổ chức. Cuộc hôn nhân thứ hai của tôi đến giờ đã được mười năm, chúng tôi đã có thêm cô công chúa. Quan trọng nhất là anh vẫn như thuở ban đầu tôi yêu, không chút thay đổi. Tôi hạnh phúc với hiện tại, với người đàn ông mình đã liều lĩnh chọn, chấp nhận may rủi, vì quá cách biệt tuổi tác.

Đọc nhiều nhất

Tin mới