Thứ gì cũng nhà quê
Chị Hoàng Thị Thắm (36 tuổi ở TP Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk) kể về chuyện làm dâu xa xứ của mình trong nỗi bức xúc. Mỗi lần làm sai chuyện gì chị lại nhận được câu chê: Đồ nhà quê. Nghe rất bực mình. Đâu phải ai sinh ra cũng giỏi hay nhìn qua là biết hết. Quê chị tận Quảng Trị nên món ăn thường nấu rất mặn, một con cá hay quả trứng chiên cũng để dành ăn được hai bữa cơm trong ngày, ở quê toàn dùng nước giếng, cơm nấu thì đun củi, vỏ trấu hoặc lá cây. Những điều giản dị ấy gắn liền với chị tưởng chừng như không thay đổi cho đến khi chị tình cờ quen biết anh Thiên trong đám cưới của con người cô.
Lúc đầu chị cũng không có chẳng ấn tượng gì về anh, còn anh Thiên mê tít chị vì mái tóc nên cứ tìm cách tiếp cận, thậm chí anh còn xin địa chỉ của chị rồi tìm về tận quê. Nhiều lần như vậy nên chị nhận lời yêu anh Thiên và trở thành vợ anh. Do là con một nên gia đình anh Thiên không cho con trai ở riêng, công việc làm phải nghe theo ba mẹ sắp xếp để sau này vững vàng rồi kế nghiệp kinh doanh cà phê của gia đình.
Bỡ ngỡ với những ngày đầu làm dâu, chị Thắm vô cùng bối rối với những phương tiện hiện đại trong nhà. Mỗi lần vào bếp nấu cơm chị rất thấy căng thẳng, nào là vặn bếp gas, hâm đồ ăn bằng lò vi sóng lẫn những cách nấu nướng, những món ăn phức tạp... Nhà chồng nấu món gì cũng cầu kỳ, món ăn cứ ngọt lơ lớ không thể nào nuốt nổi, mỗi lần chị nêm nồi canh hay món xào thì cả nhà chê mặn chát nên đành phải bỏ, đã vậy người nhà còn buông một câu: Đúng là nhà quê, dân rừng rú toàn đầu đất sao văn minh nổi. Những lúc ấy chị thấy tủi thân và chỉ muốn độn thổ để bớt xấu hổ.
Chị Hoàng Thị Thắm bảo: “... thi thoảng chồng tôi còn đùa rằng, may mắn cho đời anh có được cô vợ quê như em” |
Quyết tâm học hỏi
Sờ vào chỗ nào cũng bị chê nhà quê và sợ làm hỏng đồ nên chị Thắm quyết tâm học hỏi cho bằng được, thoạt đầu chị để ý từng nút sử dụng đồ vật rồi ghi tất lại vào sổ. Ghi xong lại mở ra xem nhiều lần cho nhớ, nhờ vậy chỉ trong một tuần chị đã thạo với các dụng cụ gia đình. Sau đó chị chuyển qua học nấu ăn theo kiểu miền Nam, món ăn không bỏ nhiều muối hoặc mắm mà nêm thêm đường cho có vị ngọt, dần dần chị đã cải thiện được cách nấu ăn của mình nên người nhà chồng không còn cớ gì để chê chị. Không chỉ siêng năng việc nhà mà chị còn phụ giúp chồng quản lý công làm, ghi sổ một cách chi tiết tỉ mỉ để tránh thất thoát.
Rút kinh nghiệm từ bản thân mình nên chị Thắm rất tận tình trong việc, chỉ dạy cho công nhân từ cách sử dụng máy móc đến lời ăn tiếng nói để không bị bắt lỗi. Chị thổ lộ: Người không biết hay sinh ra tự ti, mà tự ti thì chẳng bao giờ cầu tiến được. Hồi mới về làm dâu tôi chẳng biết gì hết nên bị chê lên quở xuống nhưng tôi cũng cố gắng dẹp bỏ tự ái để học hỏi. Bị la mắng sẽ buồn nhưng nó không đau đớn cho bằng bị chê mình là dân nhà quê, chê vậy chẳng khác nào mắng khéo bố mẹ mình. Bây giờ chưa chắc người ở phố đã giỏi hơn tôi đâu nhé, thứ gì không biết tôi tìm tài liệu để đọc, tự mình mày mò cho biết mới thôi, thi thoảng chồng tôi còn đùa rằng, may mắn cho đời anh có được cô vợ quê như em.