Quán ăn Hương Việt đã đổi tên thành Hào Long Sơn tại TP Vũng Tàu. |
Vụ việc quán ăn Hào Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) "quẹt nhầm" thẻ tính tiền bữa ăn của khách người Nhật Bản từ 2,2 triệu đồng thành 22 triệu đồng đã nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày vừa qua.
Hành vi này đã bị xử phạt đích đáng với 10 triệu đồng và rút giấy phép 3 tháng, bị xem xét xử lý hình sự. Điều đáng nói, năm 2013, quán ăn này có tên Hương Việt bị xử phạt 12,5 triệu đồng về hành vi "chặt chém" khách du lịch. Điều đó cho thấy, việc "tính nhầm" tiền không phải do sơ ý của quán mà là việc làm có chủ đích. Vấn đề là vì sao những tình huống "chặt chém" vẫn tái diễn, dù cho các ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc tương tự? Chúng ta phải có biện pháp nào đó để nạn "chặt chém" không là nỗi ám ảnh của khách du lịch, nhất là dịp đầu xuân này, khi các lễ hội diễn ra càng nhiều thì nạn "chặt chém" cũng càng tăng.
Lâu nay, việc khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài bị "hét" mức giá cao hơn giá thực của sản phẩm/dịch vụ đã trở thành "chuyện thường ngày" ở ta. Trên thực tế, nhiều địa phương cũng đã có biện pháp để tuyên chiến với nạn "chặt chém". Sầm Sơn, Thanh Hóa là một ví dụ khi khách du lịch "kêu trời" về giá cả, buộc chính quyền phải vào cuộc để lấy lại hình ảnh địa phương thông qua việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh niêm yết công khai giá. Nhờ đó, nạn "chặt chém" cũng đã được hạn chế phần nào.
Tuy nhiên, Sầm Sơn hay Vũng Tàu, biện pháp hành chính hay hình sự cho thấy đó cũng chỉ là những giải pháp mang tính răn đe trong một thời gian ngắn, không thể giải quyết căn cơ vấn đề. Vụ việc ở quán Hào Long Sơn đã cho thấy điều đó.
Cả nước chuẩn bị bước vào mùa lễ hội, nạn "chặt chém" như một khối u ác tính chuẩn bị phát tác, gây ám ảnh cho khách du lịch. Do vậy, rất cần những biện pháp mang tính hệ thống để giải quyết tệ nạn này. Dĩ nhiên, những biện pháp xử lý hình sự hay hành chính vẫn cần phải được tiến hành.
Song biện pháp căn cơ là phải làm sao để người dân hiểu rằng, bất kể một việc họ làm không hay với du khách sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lợi du lịch của địa phương khi bị du khách quay lưng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm của gia đình mình. Chỉ khi nào người dân ý thức được quyền lợi gắn liền với vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn hình ảnh địa phương thì khi đó mới hy vọng sẽ dẹp bỏ được nạn "chặt chém".
Muốn vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục; để các hộ kinh doanh dịch vụ ở khu du lịch ký cam kết không "hét" giá "trên trời"; biểu dương những cơ sở làm tốt và công khai tên cơ sở "chặt chém"... Làm được như thế mới hy vọng "chặt chém" không còn là nỗi ám ảnh với du khách.