Lá chắn

Chiếc “lá chắn” ấy đủ quyền năng ngăn cản hết những ngọn gió lạ đang thổi thông thốc vào mái nhà hôn nhân vốn đang xơ xác của anh.

Chị mệt mỏi thả mấy miếng băng cá nhân, gói men tiêu hóa vào valy. Thêm chai dầu gió cùng gói bông ráy tai. Những thứ linh tinh nhưng rất cần thiết cho đứa trẻ ba tuổi. Đêm nay có ca trực nhưng anh đã nhờ người trực thay, bảo ở nhà phụ vợ chuẩn bị cho chuyến đi 2.000 cây số. Sau chuyến đi này, vợ anh sẽ trở thành bà thạc sĩ. Anh nhờ thế cũng “thơm” lây. Đồng nghiệp vui vẻ trực giùm, làm sao biết được là anh ở nhà chỉ để “kiểm soát” vợ.

Anh ngồi đó, mắt dán vào ti vi nhưng thật ra là chiếu vào đôi tay chị để “canh me” xem vợ soạn những món đồ gì. Chị thả chiếc váy nào vào valy là tiếng ho anh khúc khắc như ông cụ tuổi 80. “Áo với chả váy! Quan trọng là cái luận án chứ mặc gì mà không được!”. Lời nhỏ. Giọng êm êm tưởng chừng vu vơ nhưng chị phải biết bỏ chiếc váy ấy lại. Nếu không là phải bỏ chuyến tàu ngày mai...

Thằng con ngủ chưa được mắc mùng. Vài con muỗi vo ve. Cánh tay bé xíu, đôi chân bé xíu thỉnh thoảng lại ngọ nguậy. Chị nhờ anh mắc mùng cho con. Cặp mày anh nhướn nhướn: “Ôi dào… Giờ không ngủ được, mai lên tàu càng ngủ ngon chứ ăn nhằm gì. Anh đang chờ em làm vợ đây!”. Chị tức nghẹn. Nào phải con riêng của chị. Thằng bé mới ba tuổi, tội tình gì mà phải theo mẹ bôn ba 2.000 cây số khi ba nó thừa sức trông con chứ!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nhưng, anh ta muốn nó theo chị, làm “lá chắn” để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Hai người học cùng nhau, ra trường đi làm cùng chỗ. Yêu thương nhau nhưng mãi đến 30 tuổi mới cưới. Lý do lần lữa vì chị muốn mình phải vững vàng trong công việc, chủ động trong kinh tế. Lý do anh lần lữa vì mẹ anh bảo chị “cao số" hơn. Tuy cùng tuổi nhưng chị sinh đầu năm, anh cuối năm. Tính theo “tuổi mụ”, anh kém chị tròn 12 tháng. Thầy bảo không có “phép trị”, chị sẽ lấn lướt chồng. Vậy nên mẹ anh lần khân chuyện cưới. 30 tròn, chị ra “tối hậu thư”: một là cưới ngay, hai là chia tay. Anh vạ vật mấy ngày bà mẹ mới chịu mang trầu cau đi hỏi. Nhưng bà bảo, chưa gì đã ra lệnh thế, mai này lấn lướt chồng phải biết.

Không biết lời “thầy” có linh ứng không mà sau cưới chị thăng tiến vù vù. Anh giờ là “lính” của chị. Chuyện nhà thì hai năm chưa bầu bì gì. Mẹ anh sốt ruột, chị càng tỉnh như không: “Con cái là quà tặng của trời chứ phải hàng hóa gì đâu mà mua là có”. Mẹ chồng đã đôi lần bóng gió xa xôi chuyện “cây độc không trái”, bảo anh nên tìm nơi khác mà gieo hạt, nhà bà một mẹ một con, cô quạnh mấy chục năm đủ lắm rồi.

Anh bị sức ép từ công việc, từ thúc giục chì chiết của mẹ và mặc cảm thua kém vợ nên không còn tinh thần làm việc. Cứ sáng lên xe đi, tối phóng xe về sau khi đã ngập mùi men. Sau một bữa nhậu, anh bị tai nạn giao thông. Ra viện mới biết mình khó phục hồi thính giác, thêm khả năng phản ứng chậm chạp, phát âm đôi khi như người nói lắp. Cơ quan không thể giữ anh lại làm việc, cũng không nỡ đuổi, nên sắp xếp cho anh chân bảo vệ. Vậy mà lúc này chị lại phát hiện mình có thai! Chị im lặng vừa đi làm, vừa học thêm, vừa ôm bụng bầu cho tới tháng thứ tư mẹ chồng mới biết.

Giờ anh mới cuống cuồng giữ vợ, khi thấy chị ngày càng xinh ra. Cái bụng tròn đầy mà sao tự dưng mặt mũi chị cứ sáng trưng, da dẻ cứ mịn màng, mắt cứ long lanh lạ. “Phương án” duy nhất, hiệu quả nhất của anh là chị đi công tác đâu là anh tìm cách đi theo. Hết thời gian hậu sản, chị đi làm lại, có đi công tác thì phải lùm đùm tã, sữa, giấy vệ sinh, dầu nóng và thiên thần nhỏ. Nếu không, chín mươi phần trăm chuyến đi đó sẽ bị anh làm ầm lên cản trở.

Con ba tuổi, không biết bao nhiêu lần chị đi công tác phải ẵm con theo. Nhà ngoại thì xa. Mẹ chồng sau nhiều năm tháng vui ít buồn nhiều, dạo này chứng thoát vị đĩa đệm hành hạ bà rất dữ. Đứa cháu ngày nào bà mong mỏi để nhà cửa thêm vui, giờ bà cũng không bồng ẵm nổi. Ngay cả việc chạy theo đút nó hết hộp sữa chua, bà không còn sức.

Vậy là đi đâu chị cứ phải cho con theo, dù biết nhiều khó khăn và không ít sự khó chịu của cấp trên, đồng nghiệp. Nhưng, đó là cách chăm sóc con duy nhất của chị, cũng khiến anh yên tâm nhất, vì chiếc “lá chắn” ấy đủ quyền năng ngăn cản hết những ngọn gió lạ đang thổi thông thốc vào mái nhà hôn nhân vốn đang xơ xác của anh.

Ba năm. Hình như phải thêm một số không nữa cho số lần chị nghĩ đến việc chia tay nhau vì hôn nhân quá tù túng. Nhưng, lý do chính thức là gì? Là chồng ghen quá? Chồng không là trụ cột kinh tế gia đình? Hay vì nhà chồng, mẹ chồng không ai san sẻ được cùng chị gánh nặng cuộc sống? Hoặc vì chồng luôn dùng con làm lá chắn cho hạnh phúc gia đình mà không biết, muốn giữ vợ phải giữ bằng trái tim? Chị thấy mình không có lý do nào rõ ràng để ghi vào lá đơn ly hôn, dù sự khó khăn, mệt mỏi trong cuộc sống ngày ngày vẫn hiện hữu.

Nhưng chuyến đi này xa quá. Thằng bé mới ba tuổi. 4.000 cây số cho hai lượt đi về của bốn đêm ba ngày. Chị muốn để con lại nhà, ban ngày đi nhà trẻ, đêm hai cha con ngủ với nhau. Nó không còn quá bé. Chuyện cơm nước thời buổi này đã có nhà hàng, quán ăn chia sẻ rồi. Nhưng, anh không đồng ý. Anh đã biết, bao nhiêu gió giông đang rình rập mái nhà này, khi chị cứ xinh đẹp, cứ thăng tiến còn anh thì khiếm khuyết cơ thể chưa biết khi nào phục hồi, công việc thì chẳng ra sao, thu nhập không bằng một phần tư của vợ. Anh sợ đời còn nhiều người đàn ông khác làm cho chị có những phút giây thảnh thơi vui sống. Và biết đâu, những phút giây ít ỏi đó khiến lòng tham con người trỗi dậy, họ muốn được thảnh thơi nhiều hơn, vui sống nhiều hơn? Vậy nên anh phải dùng con để che chắn. Phụ nữ có thể từ chối nhiều thứ, nhưng không bao giờ từ chối với con mình. Tiếng gọi của thằng bé sẽ buộc được chị “dừng cuộc chơi”- nếu có.

***

Chị lại thả thêm mấy con siêu nhân mới mua, cả chiếc kèn “le lưỡi” vào valy cho thằng bé. Trẻ con mà, cả thèm chóng chán. Mà tiền cha mẹ thì có hạn. Thôi cứ mang theo cho nó. Có cái cầm tay nó sẽ bớt đòi thứ khác.

Chị nén tiếng thở dài khi nhớ, sau mấy ngày này là tới kỳ đưa anh đi tái khám với dằng dặc các thứ kiểm tra, xét nghiệm, chiếu, chụp... Lại đốt một mớ tiền chứ ít ỏi gì.

Trên đôi má mịn hồng của chiếc “lá chắn” đã có vài dấu ấn cồm cộm của con muỗi nào để lại. Chị cho valy vào góc nhà, với tay giăng mùng cho con. Anh trì lại, véo đùi chị chỉ về phía giường của hai người, phả vào tai chị lời thủ thỉ: “Đi mấy ngày lận đó... Bù đắp cho anh cả đêm nay nghe vợ...”.

Chị thở dài rất khẽ. Lại thêm một chiếc lá chắn...mong manh.

Ngang ngược lòng ghen

Ghen “sảng”

Huy thật sự không hiểu nổi đàn bà nghĩ gì, ganh tức gì mà phải hạ nhục nhau như vậy.

Về đến đầu hẻm, Huy ngạc nhiên khi thấy nhiều người trong xóm xúm đen xúm đỏ, như thể sắp được… xem phim. Hóa ra, vợ anh đang cãi nhau với chị Hằng chung xóm! Những lời hăm dọa sẽ “làm cho ra lẽ” của vợ, tưởng chỉ nói cho vui, ai dè đến mức như vậy.

Chẳng hiểu vì sao vợ anh nhìn đâu cũng thấy… nguy hiểm. Từ nữ đồng nghiệp của chồng đến mấy cô đối tác qua thực tập, ngay cả chị hàng xóm hoặc bà giúp việc trong nhà cũng không thoát. Cứ như thể, sểnh ra một cái là chồng bị “bắt” ngay.

Huy tất nhiên là không thấy dễ chịu gì vì chuyện đó. Tự kiểm, anh cũng đâu phải dạng người thích ham vui đèo bòng hay từng có “phốt” gì để vợ nghi ngờ xét nét. Anh thẳng thừng nói, em làm như chồng mình… báu lắm không bằng. Trên răng dưới… dép, lúc nào cũng tất bật, ai mà thèm ngó. Vợ anh không vì câu tếu táo của chồng mà nới lỏng giám sát. Thậm chí, chị còn tăng cường quan tâm với suy nghĩ, phải có gì thì chồng mình mới tỏ ra nhún nhường, tự xem thường bản thân như thế chứ!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị đã nghĩ ra nhiều chiêu trò để thử độ “thòm thèm” của chồng với người giúp việc. Huy có lần bực quá, quát: “Tôi chẳng đến mức ăn tạp thế đâu”, nhưng chị chỉ cười cười: “Biết đâu đấy!”. Anh hỏi, nếu chồng đã muốn bồ bịch, thì không cô này cũng cô khác, liệu vợ đi theo canh giữ tất cả mọi người đàn bà xung quanh được không? Vợ anh chẳng rõ có nghĩ lại hay không, chỉ thấy chị ngày càng “nặng đô” hơn.

Huy có thói quen ra đầu hẻm nhâm nhi ly cà phê. Từ hồi chị hàng xóm độc thân bày dăm bộ bàn ghế kiếm thêm đồng ra đồng vào, anh đã trở thành khách quen. Việc này không lọt khỏi đôi mắt đa nghi của vợ anh. Không ít lần, chị bóng gió xa gần cái việc “mê ai mà cứ phải la cà ngoài đó vậy”. Lâu ngày, chị lật bài “lại ra thăm bồ già đấy à?”. Huy vô tư bảo, em chỉ giỏi suy diễn, chẳng qua là ủng hộ lối xóm, có gì đâu mà ầm ĩ…

Ba anh già cả, nhớ quên lẫn lộn, ở nhà một mình cả ngày chắc buồn, cũng hay ra “quán” của chị Hằng ngồi chơi, hóng mát. Chẳng rõ ông già tỉ tê chuyện nhà những gì mà Hằng tỏ vẻ thương cảm, nấu món gì ngon cũng hay bưng qua biếu. Huy vừa ngại vừa khó xử. Những hôm mâm cơm có món lạ, không khí nhà anh nặng trĩu. Vợ đá thúng đụng nia, mặt nặng mày nhẹ. Những lần cãi nhau của vợ chồng bắt đầu xuất hiện cụm từ “cô Hằng của anh”…

Hóa đơn điện thoại của anh được gửi về nhà. Vợ anh tìm thấy số của Hằng trong đó. Nghĩ mãi, anh mới nhớ ra, có một lần anh gọi cho ông cụ không được, định nhờ ai đó ra quán cà phê xem thử, nhưng gọi người xung quanh không được, anh mới nhớ tới Hằng. Rồi nhắn tin trao đổi mấy câu. Anh lịch sự cảm ơn, vậy thôi. Không có gì khuất tất.

Nhưng, giải thích sao đây với người đang hừng hực lửa ghen? Sự nhiệt tình thái quá của Hằng đã gây tai họa. Anh nghe con thuật lại “hiện trường”, chiều nay, vợ anh ở sau bếp, nghe Hằng hỏi hai đứa nhỏ, mẹ đâu sao không cho ông nội ăn tối. Ông nội qua quán cô kêu đói nè. Giọt nước tràn ly, những lời khó nghe của vợ anh: “Rảnh quá xen vào chuyện nhà người ta”, “Thứ đàn bà vô công rỗi nghề cứ muốn dan díu với chồng người khác”, “Chắc ổng qua nhờ con dâu hụt là cô cho ăn giùm đó” làm cho Hằng không nhịn được. Những câu xúc xiểm của Hằng cũng làm anh không kém phần choáng váng. “Chồng chị tự ý qua lại, nhờ vả, nhắn tin hỏi han, chứ báu lắm à? Chị về xem lại gia đình mình đi, đũa mốc đòi chọc mâm son sao? Tưởng gì”… Trận võ mồm diễn ra trong sự cười cợt của mọi người.

Khó khăn lắm, Huy mới kéo được vợ về nhà, giải tán cái đám đông đang háo hức chờ xem “xáp lá cà”. Vợ anh vùng vẫy chửi rủa trong cảm giác “tức nước vỡ bờ”, tới đâu thì tới. Huy thật sự không hiểu nổi đàn bà nghĩ gì, ganh tức gì mà phải hạ nhục nhau như vậy. Chút thiện cảm dành cho Hằng bấy lâu cũng bay biến. Rồi phải làm sao để vợ bớt ghen tuông kiểu này, nếu không chẳng biết còn chuyện đáng tiếc gì sẽ xảy ra…

Đọc nhiều nhất

Tin mới