Từ chính sự nóng vội mà vô tình cha mẹ đã mắc vào bẫy của chính con trẻ và để con đầu hàng khả năng tự mình rèn luyện vượt qua cảm xúc khó chịu để có cảm xúc tốt hơn.
Tuấn về nhà, mồ hôi nhễ nhại, thấm mệt. Cậu chán nản bảo mẹ: “Mẹ, con không thích học thể chất ngoài giờ, mệt lắm”. “Sao lại mệt?”. “Vì đã phải học cả ngày rồi, hết giờ lại phải học thể thao, không mệt mới lạ”. “Thế con có muốn học nữa không?”. “Không ạ”. “thế thì để mẹ xin cô cho con nghỉ”. “Vâng”.
Dạy con cách lao động, làm việc để gặt hái được thành công (Ảnh minh họa) |
Chị Vân nói chuyện với chồng trong bữa ăn cơm của gia đình: “Con không muốn học thể chất ngoài giờ”. “Vì sao?”. “Vì con mệt”. Anh Việt quay sang hỏi con: “Tuấn, có phải con mệt không? Sao bây giờ mới thấy con kêu mệt”. “Vì hôm nay con thấy mệt, chán”. “Chỉ vì hôm nay con thấy mệt, thấy chán mà con đòi nghỉ luôn sao?”. “Chán thì nghỉ thôi, có quan trọng gì đâu hả bố”.
Anh Việt hỏi chị Vân thì được biết vợ anh đã gọi điện xin cô giáo cho con nghỉ học thể chất ngay sau khi Tuấn không thích học. “Em ạ, con mới chỉ thấy mệt và chán hôm nay thôi mà em đã cho con nghỉ ngay. Như thế là quá vội vàng. Em làm cho con không có tinh thần phấn đấu, cảm thấy không dễ chịu là buông bỏ”.
Một đứa trẻ lười học khi phải học thì chắc chắn sẽ vô cùng khó chịu, đặc biệt khi cái đầu vốn dĩ lười suy nghĩ mà phải gò vào để nghĩ thì vô cùng chán nản, chúng chất chứa sự ấm ức vì phải học, đổ lỗi chán nản và cố tình chán nản thực sự..
Cha mẹ thấy con như vậy thì thường nóng vội xuôi theo cảm xúc của con, ngay lập tức cho rằng điều con nói là đúng. Từ chính sự nóng vội mà vô tình cha mẹ đã mắc vào bẫy của chính con trẻ và để con đầu hàng khả năng tự mình rèn luyện vượt qua cảm xúc khó chịu để có cảm xúc tốt hơn.
Nếu bình tĩnh thì cha mẹ sẽ thấy mỗi lần con kêu than là mỗi lần cha mẹ có cơ hội để dạy con cách vượt qua thay bằng hùa theo con. Cần đặt câu hỏi sao các con khác thích và vui mà con mình lại chán?
Đó cũng là kỹ năng điều hòa cảm xúc mà con cần có để đương đầu với nhiều cung bậc cảm xúc ngoài xã hội thực tế... vì vui hay buồn, thoải mái hay khó chịu phải từ tự con, không ai có thể giúp con luôn dễ chịu theo ý mình.
“Hãy nói với con rằng cha mẹ biết con cảm thấy khó chịu nhưng không còn cách nào khác là chúng ta phải quyết tâm hơn thôi. Các bạn khác trong lớp con cũng đang làm rất tốt điều đó. Đừng để con dễ dàng đòi hỏi cảm xúc dễ chịu trong sự buông bỏ" - Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền.