Thời điểm hiện nay cận Tết nguyên đán ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung gần như sản lượng bơ quả đã “vắng bóng” trên thị trường người tiêu dùng.
Cây bơ của ông Nguyễn Ngọc Đức thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Cuin, tỉnh Đắk Lắk cho thu quả vào dịp Tết nguyên đán mang lại giá trị kinh tế cao. |
Tuy nhiên, điều khác biệt gần như “độc nhất vô nhị” ở cây bơ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Đức (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Cuin, Đắk Lắk) đó là cho quả bán vào đúng dịp Tết với giá cao ngất ngưởng và mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
“Cây bơ triệu phú”
Cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột không xa (khoảng 9 km), chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Đức để được “tận mục sở thị” về một “cây bơ triệu phú”.
Đây quả là một cây bơ cổ thụ, nằm giữa mảnh vườn, tán rộng bao trùm như một “bóng cây cơ nia”, thân chừng hai người ôm mới hết, trên cây có đầy quả, đủ các cỡ to, nhỏ hằng năm vào dịp Tết mang lại cho chủ nguồn thu khá lớn.
Theo lời chị Nga - thương lái mua bơ tại vườn anh Đức cho biết: "Thời điểm này ở Tây Nguyên hầu hết các vườn bơ đều mới đang ra hoa, làm gì có bơ để bán… Duy nhất tại vườn này, năm nào cũng cho thu quả đúng vào dịp Tết. Giá bơ thời điểm này lại cao ngất ngưởng. Tại vườn chúng tôi thu mua trung bình với giá 140.000 đồng/kg có thời điểm lên tới 160.000 đồng/kg, giá cao gấp 4-5 lần so với bơ chính vụ."
Theo lời ông Đức thì “cây bơ vàng” này cho thu hoạch đều từ 20 năm trở lại đây. Theo ghi chép đầy đủ số lượng quả bán ra cũng như số tiền thu về từ bán bơ hằng năm vào dịp Tết nguyên đán đều thu về trên 50-60 triệu đồng, tùy theo từng năm. Dịp Tết năm 2016 cây bơ này bán được 70 triệu đồng.
Đặc biệt dịp Tết nguyên đán năm nay, do giá bơ tăng cao nên gia đình dự kiến thu về được trên 80-90 triệu đồng từ cây bơ này. Đó là mới kể đến cây bơ mẹ, ngoài ra hằng năm ông Đức còn thu về hàng 100 triệu đồng từ tiền bán quả từ các cây bơ con của “cây bơ vàng”.
Với tổng số gần 50 cây bơ “độc nhất vô nhị” đều cho quả trái vụ rải rác trong năm và tập trung chủ yếu vào dịp Tết nguyên đán, hằng năm ông Đức thu về với số tiền lớn để ăn Tết từ việc bán bơ trái vụ.
Ông Đức cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 1984 tôi đưa gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Để kiếm sống, những năm đầu tôi làm nghề thu mua bơ từ dưới huyện về phố bán, giành dụm được chút tiền năm 1990 tôi mua lại mảnh vườn này của một hộ khác và nghỉ luôn nghề thu mua bơ. Trong vườn này lúc đó có đến 20 cây bơ to, do quả không ngon và là bơ chính vụ nên tôi đã chặt bỏ hết chỉ giữ một cây bơ trái vụ này lại”.
Khi được hỏi về nguồn gốc của giống cây bơ trái vụ này, ông Đức nhớ lại chủ nhà trước đây từng kể: “Trong một lần tới Nông trường Việt Đức (thời Pháp thuộc) được ăn một trái, thấy bơ thơm ngon, đây là giống bơ trái vụ cơm vàng, hạt lép nên đã lấy giống về trồng….
Sau khi mua mảnh vườn này đến năm 1992 thì cây bơ này cho bói, lúc đầu chỉ được vài kg quả chỉ đủ ăn và biếu bạn bè, làng xóm. Cứ vậy hơn 30 năm trôi qua, từ khi cây bơ cho bói dần theo thời gian cây ngày một to ra, số lượng quả lại tăng lên theo cấp số cộng. Tiền bán bơ trái vụ ngoài mua phân lân bón cho rẫy, ông còn mua sắm thêm đất đai, nhà cửa, đồ dùng cũng như trang trải sinh hoạt hằng ngày”.
Những “cây bơ vàng”
Được người dân nơi đây gọi tên là những “cây bơ vàng” bởi nó luôn cho thu hoạch trái vụ đặc biệt là quả bán vào dịp trước trong và sau Tết nguyên đán; trái to, hương vị thơm ngon, cơm vàng béo và dẻo.
Điều khác biệt đó là tuy cây bơ mẹ đã già trên 30 năm nhưng hằng năm luôn cho sản lượng “khủng”, giá bán cao hơn loại bơ bình thường gấp hai đến ba lần. Trước đây vì không ghi chép nên ông Đức không biết số chính xác lượng quả hằng năm là bao nhiêu.
Từ năm 2010 trở lại đây, ông đã lập thành cuốn số và ghi chép đầy đủ số lượng quả bán ra cũng như số tiền thu về từ bán bơ. Số lượng bơ thu đều hằng năm khoảng từ 9 tạ đến đến 1,2 tấn/năm, tùy theo từng năm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đức cho biết: “Lo ngại một ngày nào đó cây bơ này sẽ già cỗi và chết đi, tình cờ có một người bạn công tác ở Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên vào nhà chơi, ông Đức bày tỏ ý định nhân ghép bơ con để duy trì giống bơ trái vụ thuộc dòng hiếm này.
Được người bạn hướng dẫn kỹ thuật và ghép cho 20 cây ông đã trồng ngay tại vườn đề phòng cây mẹ chết. Đến năm 2011 những cây con này đã bắt đầu cho quả và đến nay luôn cho sản lượng đều, điều ông Đức vui mừng đó là cây bơ con này cho quả to và chất lượng không khác cây mẹ, thậm chí quả còn to và đẹp hơn cây mẹ (vì cây bơ mẹ đã già)”.
Khi hỏi về thương hiệu giống bơ này ông Đức chia sẻ: “Hiện tại tôi đã đặt tên cho giống cây bơ của mình là Bơ giống Đức Huấn và đang làm hồ sơ đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận giống bơ này. Hiện trên mạng Internet có xuất hiện mội số đối tượng lấy thương hiệu bơ của tôi. Tuy nhiên, tôi chỉ chịu trách nhiệm nếu mua chính chủ tại nhà”.