Thay vì tìm mua tác phẩm nghệ thuật hay đồ công nghệ hiện đại, giới nhà giàu đang chuyển hướng sang sưu tầm những bộ xương khủng long – món “đồ cổ” có tuổi đời hàng trăm triệu năm tuổi. Iaco Briano, chuyên gia hóa thạch tại Binoche et Giquello cho biết: “Khủng long ngày càng trở nên thời thượng và ‘ngầu’ hơn, số lượng người muốn sở hữu chúng đang tăng dần”. Bên cạnh đó, hóa thạch khủng long có giá cả khá hợp lý, chỉ bằng một phần nhỏ so với giá một bức họa quý hiếm.
Tháng 4 vừa qua, 2 bộ xương khủng long đã được bán tại sàn đấu giá nghệ thuật Binoche et Giquello, Paris với giá 3 triệu EUR (81 tỷ VND). Trong đó, bộ xương của một con khủng long ăn cỏ Diplodocus dài 12m được bán với giá 1,4 triệu EUR (37,8 tỷ VND). Xương của loài khủng long ăn thịt Allosaurus dài 3,8m được bán với giá 1,41 triệu EUR (38 tỷ VND). Hai hóa thạch này được bán online cho khách hàng nước ngoài đều thu được giá cao gấp đôi so với dự tính.
Cuối năm 2016, xương của một con Allosaurus cũng từng được hãng đấu giá Aguttes bán với giá 1 triệu EUR (27 tỷ VND) tại Lyon, Pháp. Một năm sau, Aguttes tiếp tục đấu giá thành công một hóa thạch voi ma mút với giá hơn 500.000 EUR (13,5 tỷ VND). Ngày 4/6, Aguttes lại bán thêm một bộ xương khủng long kỷ Jura không rõ phân loài với giá 2 triệu EUR (54 tỷ VND). Người chủ mới sẽ được quyền chọn tên cho con khủng long này.
Xu hướng “chơi” khủng long giờ đây còn lan sang cả Hollywood. Những ngôi sao nổi tiếng thế giới như Leonardo DiCaprio và Nicolas Cage đều là những nhà sưu tầm hóa thạch có tiếng. Nam diễn viên Russell Crowe cũng từng sở hữu một bộ sưu tập hóa thạch khủng long, nhưng sau đó đã bán đi một phần, bao gồm cả hộp sọ của loài Mosasaurus với giá 60.000 USD (1,4 tỷ VND).
Ảnh minh họa. |
Hiện nay, mỗi năm chỉ có một vài bộ xương khủng long được bán đấu giá trên toàn thế giới. Bảo tàng ở châu Âu và Mỹ là những người mua chính, nhưng ngày càng có nhiều nhà sưu tập giàu có cạnh tranh để được sở hữu chúng. Briano cho biết: “Khủng long đã trở thành một tác phẩm trang trí thực sự, giống như những bức họa tuyệt tác vậy”. Trong thời đại “ảo” ngày nay, khi chúng ta đã quen với việc trải nghiệm mọi thứ trong thế giới ảo thì việc được chứng kiến tận mắt một con khủng long “xịn” hàng trăm triệu năm tuổi, chắc chắn không ai có thể cưỡng lại sức hút của nó.Ngoài châu Âu và Mỹ, giới nhà giàu Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm đến cổ sinh vật học. Họ đang săn lùng những mẫu xương khủng long lớn tại nước này để đưa vào viện bảo tàng hoặc để sở hữu riêng. Trong các cuộc đấu giá hóa thạch khủng long, giới siêu giàu Trung Quốc cũng là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Paul Barrett, nhà nghiên cứu khủng long tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên London bày tỏ, khủng long rất cuốn hút về mặt mỹ thuật, nhưng chúng còn sở hữu ý nghĩa khoa học, thứ vốn không thể định giá và vượt xa giá trị về danh tiếng và thẩm mỹ. Ông còn cho rằng các nhà sưu tập không đủ kiến thức và thông tin để chăm sóc, bảo quan các hóa thạch khủng long. Tuy nhiên, ông Tom Lindgren từ hãng đấu giá Bonhams lại cho rằng, các nhà sưu tập giàu có hoàn toàn có thể thuê chuyên gia chăm sóc, hoặc đưa chúng vào viện bảo tàng để nhận được sự chăm sóc về lâu dài.