Heo các tỉnh tập kết về một lò mổ thủ công ở TP.HCM chờ giết mổ. |
Theo Cục Thú ý TP.HCM, từ ngày 3 đến 10-2, qua xét nghiệm 58 mẫu thịt heo có nguồn gốc từ các lò mổ tỉnh Long An, Tây Ninh và Đồng Nai, đơn vị phát hiện 17 mẫu nhiễm dư lượng thuốc an thần.
Cụ thể, trạm kiểm dịch động vật An Lạc và Hóc Môn (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) đã lấy mẫu 28 mẫu thịt heo có nguồn gốc từ lò giết mổ ở tỉnh Long An để gửi kiểm tra chỉ tiêu thuốc an thần.
Kết quả có đến 11 trên tổng số 28 mẫu tồn dư thuốc an thần với hàm lượng 3,89-26,7 ppb.
Cũng thời gian trên, các đơn vị thuộc Chi cục Thú y TP.HCM kiểm tra 30 mẫu thịt heo có nguồn gốc từ các lò mổ của tỉnh Tây Ninh và Đồng Nai đã phát hiện 6/30 mẫu nhiễm dư lượng thuốc an thần với hàm lượng lần lượt là 7,09-25,7 ppb và 13,4 ppb.
Lượng heo an thần này chủ yếu nhập về TP.HCM thông qua hai chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn, và điều đáng nói là tất cả đã được tuồn ra thị trường để tiêu thụ.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM, các mẫu thịt heo trên được lấy mẫu trong đợt kiểm tra cao điểm mùa tết để đánh giá tình hình nhằm có biện pháp phù hợp.
Tuy nhiên, ông Phát thừa nhận hiện quy định về kiểm tra và xử lý trường hợp sử dụng thuốc an thần còn lỏng lẻo nên khó để đưa ra chế tài cho các trường hợp vi phạm này.
Theo ông Phát, hiện luật không quy định ngưỡng vi phạm với hàm lượng thuốc an thần trong heo đã giết mổ.
Thậm chí, ngay cả với trường hợp heo an thần còn sống thì theo quy định cũng không được phép tiêu hủy mà phạt và giam heo chờ bài tiết hết chất cấm để giết đưa đi tiêu thụ.
Ông Phát nói rằng trong trường hợp heo nhiễm chất cấm nhưng dân vẫn phải ăn do chưa có phương pháp kiểm tra nhanh nên thời gian cho kết quả khi kiểm tra hiện ít nhất 3-5 ngày.
Trong khi đó, thịt heo và sản phẩm tươi sống rất ít khi giam hàng chờ kết quả kiểm tra nếu không có những biểu hiện nghi vấn thông qua đánh giá cảm quan bằng mắt trước đó.
"Thịt heo giam lại phải trữ đông để chờ kết quả kiểm tra, nếu kiểm tra ra kết quả thương nhân không vi phạm (kết quả âm tính) thì rất "khó ăn khó nói" vì thịt trữ đông giảm chất lượng, giá giảm", ông Phát nói.
Theo Chi cục Thú y TPHCM, trong thời gian tới cơ quan này sẽ tăng cường các đợt lấy mẫu, trong đó ngay trong tháng 4 này sẽ có đợt lấy mẫu để kiểm tra thuốc an thần và chất cấm, tập trung vào các đơn vị, lò mổ đã có heo vi phạm.
Tuy nhiên, theo ông Phát, do các lò mổ ở các tỉnh vì thế cần sự phối hợp các địa phương, cơ quan công an vì heo an thần chủ yếu do thương lái tiêm trên đường vận chuyển heo từ trại nuôi về lò mổ nhằm làm heo ít vận động, chất lượng thịt đẹp.
Như vậy, sau hơn 3.700 con bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (TP.HCM) năm ngoái, đến nay tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo vẫn xảy ra phổ biến đã gây bất an cho người dùng.