Người ta nói, vợ chồng sống bao năm với nhau, có chia tay, hết tình vẫn còn nghĩa. Thế nhưng, có những cặp, sau bản án của tòa, họ ngoảnh mặt coi nhau là kẻ thù không đội trời chung.
Hận... không biết lý do
Thu Hà, ngụ quận 9, TP.HCM từng nhiều lần chia sẻ với bạn bè: Với tôi, không có khái niệm “không yêu thì làm bạn”. Vợ chồng đã ly hôn rồi thì thôi, dứt tình hết nghĩa, ngoảnh mặt coi nhau là xa lạ cho nó lành! Những tưởng nói vậy trong lúc nóng giận mới ly hôn, không ngờ càng về sau, Thu Hà càng ứng xử quá hơn những gì mình nói. Cô không chỉ coi chồng cũ là người xạ lạ, mà còn là “kẻ xấu”, không muốn nhìn mặt.
Ly hôn, nhận nuôi con, theo thỏa thuận thì cứ cuối tuần là Trung, chồng Thu Hà đến đón con đi chơi. Thế nhưng, trước khi Trung đến, bao giờ Thu Hà cũng tìm mọi cách lánh mặt. Thậm chí, cô thà để cậu con trai 6 tuổi ở nhà chờ ba còn hơn phải trông con để bắt buộc đụng mặt “thằng cha ấy”. Mà có phải vợ chồng họ ly hôn vì anh mèo mả, vô trách nhiệm hay đánh đập vợ con gì cho cam?
Ảnh minh họa. |
Chuyện của Thu Hà, thì chỉ mình cô coi chồng là “kẻ địch”, còn câu chuyện vợ chồng Thanh Nam - Hoàng Yến (ngụ Tây Ninh) thì cả hai đều cùng coi nhau là kẻ thù. Đến bây giờ, người thân và chung quanh cũng chẳng hiểu thực chất ai mà mới người có lỗi khi cuộc hôn nhân của họ tan vỡ. Chỉ biết Hoàng Yến đi rêu rao là chồng mình trai gái, mèo mả, bị cô bắt quả tang nên bỏ, còn Thanh Nam thì đi kể với bạn bè, anh bỏ vợ vì bị vợ cắm sừng. Gặp nhau ở bất cứ đâu, họ lên tiếng móc mỉa, xỉa xói nhau không tiếc lời, khiến bạn bè chung của cả hai phát sợ, và tự biết rằng, buổi họp bạn có người này thì đừng rủ người kia.
Những đứa trẻ tội nghiệp
Chuyện những cặp “người cũ” thù hằn nhau, nếu chỉ nằm trong vòng là cảm xúc, là cách đối đãi của họ với nhau thôi, thì không nói làm gì. Với cách ứng xử thù địch ấy, họ còn làm ảnh hưởng đến những người thân của mình, mà nhất là những đứa con vô tội cần tình thương của cả cha lẫn mẹ.
Cuộc ly hôn của Hạnh và Phi (Tân Phú, TPHCM) không chỉ là sự tan vỡ của mái ấm riêng họ, mà còn là sự rạn nứt của hai gia đình thông gia, vốn trước kia thân nhau như anh em. Vì thân nhau nên mới làm mai mối gả con cho nhau, những mong thắt chặt tình nghĩa. Ai ngờ hai đứa con, sau khi ly hôn xong thì chẳng thèm nhìn nhau, rồi ghét luôn cha chồng mẹ chồng , cha vợ mẹ vợ của mình. Họ tìm mọi cách bài xích nhau, chê bai nhau, chê bai cả gia đình nhau, rồi bất kính cả với những người trên. Để đến bây giờ, hai nhà thông gia gặp nhau cũng ngượng ngùng khó nói chuyện bởi cách hành xử của hai đứa con.
Nhưng người lớn thì cũng chẳng là vấn đề to tát, chứ còn sự thù hằn nhau của cha mẹ mà ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ thì đáng bàn hơn nhiều. Bé Lệ Nhi, 7 tuổi, con của hai vợ chồng Lệ và Tín (Đồng Nai), vốn là một đứa trẻ tươi vui, nhưng từ khi cha mẹ ly hôn, chẳng bao giờ thấy ở cháu một nụ cười, lúc nào cháu cũng rầu rầu già trước tuổi.
Hóa ra, cha mẹ cháu sau khi ly hôn thì trở mặt với nhau, cháu chỉ được gặp một là mẹ hai là cha chứ không còn được hưởng tình thương ấm áp nữa. Mẹ cháu, khi nhìn cháu lại nhớ đến người chồng bội bạc, thường mắng con: Cái mặt như thằng cha mày. Còn cha cháu, gặp cháu lại thở dài: Chẳng biết mày lớn lên có nanh nọc như con mẹ mày không nữa! Rồi họ thi nhau nói xấu người kia trước mặt Lệ Nhi, khiến cháu bé hoang mang chẳng còn biết cha mẹ mình là người thế nào. Những lời nói, hành động của người lớn vô tình làm cháu ngày càng tổn thương tinh thần, xa cách cả mẹ lẫn cha và rút vào vỏ ốc của riêng mình.
Có một nhà tâm lý đã nói, vợ chồng sống với nhau bao năm chữ tình, chữ nghĩa, không thể nói quên là quên sạch, phủ là phủi trơn. Vợ chồng chia tay nhau, tốt nhất, có thể gọi nhau bằng hai tiếng: Người thân! Những người thân đã cùng nhau chia sẻ một đoạn đời, sinh ra những đứa trẻ. Đừng để tâm hồn mình, tâm hồn con trẻ hằn thêm những vết thương vì sự thù oán.