Hành trình trở thành tỷ phú USD của ông Hồ Hùng Anh

Sau khi chia tay Masan Group, ông Hồ Hùng Anh đang từng bước củng cố quyền lực tại Techcombank và là gia đình giàu nhất trong giới ngân hàng, chuẩn bị cho việc trở thành tỷ phú USD trong tương lai gần.

Giống như nhiều doanh nhân khác từ các nước Đông Âu trở về, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Tecombank đã cùng ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group xây dựng nên những doanh nghiệp có thương hiệu và vốn hoá lớn.
Mới đây, ông Hồ Hùng Anh đã quyết định rút khỏi Masan Group sau 10 năm nắm giữ chức vụ Phó chủ tịch tập đoàn này để chọn làm Chủ tịch HĐQT Techcombank theo quy định của pháp luật.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15.1.2018 quy định, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác.
Ngay sau khi rời khỏi Masan, một loạt thương vụ mua bán cổ phần Techcombank được người nhà của ông Hồ Hùng Anh thực hiện.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank. Ảnh: IT.
 Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank. Ảnh: IT.
Theo thông báo từ Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), từ ngày 27.4 đến 10.5.2018, các thành viên trong gia đình ông Hồ Hùng Anh đã đăng ký nhận chuyển nhượng gần 146 triệu cổ phiếu của ngân hàng này. Phương thức giao dịch thông qua Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD).
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, mẹ và vợ ông Hồ Hùng Anh, đăng ký nhận chuyển nhượng mỗi người xấp xỉ 58 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 4,98%. Ông Hồ Minh Anh, con ông Hùng Anh, cũng đăng ký nhận chuyển nhượng gần 30,2 triệu cổ phiếu Techcombank (tương đương tỷ lệ 2,59%).
Tổng khổi lượng cổ phiếu đăng ký nhận chuyển nhượng của người thân ông Hồ Hùng Anh là hơn 146 triệu đơn vị.
 Tổng khổi lượng cổ phiếu đăng ký nhận chuyển nhượng của người thân ông Hồ Hùng Anh là hơn 146 triệu đơn vị.
Ông Hồ Hùng Anh hiện cũng đang sở hữu hơn 13 triệu cổ phiếu Techcombank (chiếm 1,12% vốn điều lệ). Theo đó, sau các giao dịch trên, gia đình ông Hồ Hùng Anh sẽ nắm giữ hơn 159 triệu cổ phiếu (chiếm 13,67% vốn điều lệ).
 
Theo Reuters, Techcombank dự kiến chào bán cổ phiếu với giá 120.000-128.000 đồng/cp, huy động khoảng 900 triệu USD. Vốn hóa khi đó sẽ khoảng 6 tỷ USD. Đây cũng là mức giá cổ phiếu TCB đang giao dịch trên thị trường OTC.
Như vậy, với mức giá dự kiến trên, gia đình nhà ông Hồ Hùng Anh có thể sẽ sở hữu số cổ phần trị giá lên tới gần 20.400 tỷ đồng (suýt soát 1 tỷ USD).
Ngoài ra, tại Masan Group, ông Hồ Hùng Anh không giữ nắm cổ phiếu MSN nhưng vợ và em dâu nắm lần lượt 5,7 triệu (chiếm 0,54%) và 6,8 triệu cổ phiếu (0,64% số cổ phiếu đang lưu hành) Masan. Tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu MSN ngày 27.4 là 91.800 đồng/cổ phiếu, giá trị tài sản gia đình ông Hồ Hùng Anh tại Masan hơn 1.147 tỷ đồng. Như vậy, giá trị tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh lên tới hơn 21.547 tỷ đồng.
Với giá trị tài sản này, ông Hồ Hùng Anh là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán trong giới ngân hàng và hành trình trở thành tỷ phú USD cũng không còn xa.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970. Ông là thành viên HĐQT của Techcombank từ năm 2004 và trở thành Chủ tịch Techcombank từ năm 2008. Tại Masan, từ năm 1997, ông là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Masan (tên cũ của CTCP Tập đoàn Masan hiện nay), Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí phó chủ tịch của CTCP Tập đoàn Masan cho đến tháng 4.2018 thì xin rút và chỉ tập trung vào Techcombank với vị trí Chủ tịch HĐQT.

Đọc nhiều nhất

Tin mới