Gia đình ông chủ hiệu vàng nức tiếng Hà Nội xưa đón Tết thế nào?

“Càng về già những người như chúng tôi lại càng sống bằng hoài niệm” - ông Phạm Ngọc Giao­ bắt đầu câu chuyện về cái Tết của gia đình mình trong những năm tháng huy hoàng.

Ông Phạm Ngọc Giao (SN 1941), chủ căn nhà số 115 Hàng Bạc (Hà Nội) cho biết, vào những năm 40 của thế kỷ trước, đây là một trong những căn nhà lớn nhất nhì khu phố. Ở đó, người dân Hà Nội từng chứng kiến công việc buôn bán tấp nập của một hiệu vàng có tên Hiệu vàng Sư Tử.
“Ông nội rồi đến đời bố mẹ tôi chính là những người chủ của hiệu vàng Sư Tử này”- ông Giao nói.
Theo lời ông Giao, thời đó, miền Nam nổi tiếng với hiệu vàng Kim Thành thì miền Bắc nổi tiếng hiệu vàng Sư Tử. Công việc buôn bán của họ rất đắt hàng. Theo đó, bố mẹ ông Giao sinh được 8 người con, ông Giao là con thứ 4 nhưng từ khi 9 tuổi, mỗi ngày ông đều phải cùng 10 gia nhân tham gia phụ giúp công việc buôn bán của gia đình.
“Ngày nào cũng như ngày nào, tôi phải đóng gói hàng trăm lạng vàng để xuất khẩu và đi giao hàng cho các nhà buôn trong thành phố. Lúc đó, việc giao nhận hàng không cần phải ký kết giấy tờ gì. Khách bán được vàng là họ mang đến trả tiền cho mẹ tôi”, ông Giao cho biết.
Ông Phạm Ngọc Giao là con trai trưởng của ông chủ hiệu vàng Sư Tử nổi tiếng Hà Nội một thời. Ảnh: Minh Tuấn
 Ông Phạm Ngọc Giao là con trai trưởng của ông chủ hiệu vàng Sư Tử nổi tiếng Hà Nội một thời. Ảnh: Minh Tuấn
Buôn bán bận rộn là thế nhưng ngày Tết ông bà chủ hiệu vàng vẫn chuẩn bị cho con cái và gia nhân một cách rất chu đáo. Vì vậy Tết xưa trong ký ức của ông rất đẹp và thiêng liêng.
“Trước Tết nếu việc học hành của chúng tôi đạt được thành tích tốt thì bố tôi sẽ đưa đi mua sắm. Trong buổi mua sắm đó, chúng tôi thích thứ nào, bố mẹ sẽ cho mua thứ đó. Tuy nhiên mỗi người chỉ được chọn một đến hai món đồ. Sau đó, chúng tôi sẽ được đi chợ hoa. Khu chợ hoa chỉ có ở phố Hàng Lược”- con trai hiệu vàng nổi tiếng nhớ về những ký ức của thời kỳ huy hoàng.
Tuy nhiên ấn tượng nhất trong ông Giao chính là mâm cơm ngày Tết. Ông Giao cho biết, trong mâm cơm đó có những món mà đến tận bây giờ ông vẫn chưa quên được hương vị của nó.
Ngoài bánh chưng, giò chả, nem, thịt đông, bún thang, mâm cơm ngày Tết của gia đình ông cũng có món canh bóng. Nhưng nếu bát canh bóng trong gia đình bình thường sử dụng bóng bì thịt lợn thì bát canh bóng trong gia đình ông lại sử dụng bóng cá dưa.
Ông Giao giải thích, bóng cá dưa tức là lấy bong bóng của con cá dưa nhồi giò, thịt và hấp sau đó thả vào bát canh. Ngoài ra, trong bát canh bóng bao giờ cũng phải có tôm bao. Tôm bao chính là loại tôm khô, giã ra thành ruốc rồi trộn bột mỳ sau đó cho vào khuôn để nặn thành các hình thù.
“Một món nữa là món măng tây tức là măng nhập của Pháp và thường được bán ở phố Hàng Buồm. Những cây măng dài khoảng 15 cm đựng trong chiếc hộp vuông và nấu với cua bể. Món này ăn ngon không tưởng và đã ăn 1 lần thì không thể nào quên được”, ông Giao nhớ lại.
Ngôi nhà vườn của ông chủ hiệu vàng Sư tử có diện tích hàng trăm m2 giữa phố cổ Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn
 Ngôi nhà vườn của ông chủ hiệu vàng Sư tử có diện tích hàng trăm m2 giữa phố cổ Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn
Trong mâm cơm ngày Tết của gia đình ông chủ tiệm vàng nổi tiếng còn món cá kho. Ông Giao kể, bố mẹ ông kho cá rất ngon. Cá được kho bằng niêu đất. “Nhưng sẽ là rất thiếu sót nếu như trong mâm cơm ngày tết lại thiếu đi bát nước mắm cà cuống” – ông Giao nói tiếp.
Ông Giao cho biết, hiện nay, giống cà cuống đã không thấy xuất hiện nữa nhưng vào những năm 50, cứ gần Tết, người bán hàng lại đội trên đầu một thúng cà cuống đã luộc sẵn rồi rao bán khắp phố.
“Chúng tôi thường mua vài trăm con rồi lấy từ con cà cuống ra hai bọc tinh dầu. Sau đó, chúng tôi chiết tinh dầu và cho vào một chiếc lọ để dùng dần. Mỗi bát nước mắm chỉ cần một chút tinh dầu cà cuống là vị đã thơm, ngon vô cùng”, ông nhớ lại.
Ở thời điểm hiện tại, ông cũng đã từng dày công đi tìm lại thứ nước mắm cà cuống đó tuy nhiên những con cà cuống vốn được bán theo thúng thời xưa thì nay lại hiếm vô cùng.
“Tôi có cảm nhận, ngày nay người ta không còn háo hức với Tết nữa vì mọi thứ đều đã đủ đầy. Các món ăn cũng đa dạng và dễ mua hơn. Thế nhưng hương vị của món ăn và cả ý nghĩa của cái Tết xưa vẫn là miền ký ức không thể nào quên đối với tôi và anh chị em trong gia đình”, ông Giao trải lòng khi cái Tết của năm 2018 đã về khắp mọi nhà.

Đọc nhiều nhất

Tin mới