Đốt vàng mã là phong tục tập quán từ xa xưa của người dân Việt Nam. Quan niệm "trần sao, âm vậy", sau khi qua đời, con người sẽ sang một thế giới khác và có những nhu cầu giống như khi ở dương thế vì vậy, nhiều gia đình mua sắm, đốt vàng mã nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ quan trọng như Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán… để người đã qua đời sử dụng ở cõi âm.
Ngoài ra, khi đi lễ ở các đền chùa, người dân cũng đốt vàng mã. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc đốt vàng mã diễn biến theo chiều hướng ngày càng biến tướng và có phần lãng phí.
Mới đây, trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Cụ thể,trong Công văn số 031/CV-HĐTS hướng dẫn tổ chức lễ hội năm 2018 do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký ngày 12/2/2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức đề nghị “chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo…”.
Lời đề nghị nói trên hướng vào việc loại bỏ một tập tục lâu đời trong dân gian-tục đốt (hóa) vàng mã. Xung quanh tập tục này, các nhà tu hành Phật giáo ở Việt Nam có quan điểm như thế nào?
Đại đức Thích Thanh Thắng: Phải đưa tục đốt vàng mã ra khỏi không gian Phật giáo
Trao đổi với báo Thời Đại, Đại đức Thích Thanh Thắng - Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN cho hay, tập tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc. Về phía Phật giáo, không có bất kỳ một kinh sách nào nói đến việc đốt vàng mã và ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, một số cao tăng đã đề cập đến hủ tục này.
Người dân đốt vàng mã vào đêm Giao thừa ở Hà Nội. |
Theo Đại đức Thích Thanh Thắng, từ quan niệm “trần sao âm vậy”, kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng người đã khuất, và tình cảm của người còn sống đối với người đã khuất nên đốt vàng mã như là một phần của sự “an ủi”, “đền bù”. Đó cũng là lòng trắc ẩn được pha trộn với màu sắc huyễn hoặc. Điều này dẫn đến việc các các trị tốt đẹp về lòng trắc ẩn trước số phận của mỗi sinh linh đã biến tướng.
Đốt vàng mã gây cháy dữ dội ở đền Mẫu Đồng Đăng ngày mùng 5 Tết
Khoảng 7h35 ngày 20/2 (Mùng 5 Tết) một vụ hoả hoạn lớn xảy ra tại dãy nhà, ki-ốt bán hàng mã phía bên phải từ cửa, trong khuôn viên đền Mẫu, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Do lửa bắt nguồn từ một cửa hàng vàng mã nên nhanh chóng cháy sang các gian hàng bên cạnh. Lửa bốc cao kèm theo khói lớn và bụi mù mịt, khiến người dân đi lễ hoảng sợ bỏ chạy.
Nhận được thông tin, lực lượng CS PCCC và các đơn vị chức năng đã huy động tổng lực người và thiết bị để dập lửa.
Sau 1 tiếng, ngọn lửa được khống chế, 10 gian hàng mã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Như chúng ta đang thấy nhiều bậc sinh thành khi còn sống thì con cái bất hiếu bỏ bê không phụng dưỡng, sau khi chết thì được họ làm mâm cao cỗ đầy, vàng mã chất thành đống để cúng cho. Điều đó mới thực sự là lừa dối, gây ra thói đạo đức giả và làm tổn thương lòng từ bi của người khác.
Đó là dấu hiệu chỉ ra cuộc khủng hoảng về niềm tin nhân quả, nên họ mới cho rằng cứ cầu cúng, đốt thật nhiều vàng mã thì sẽ được lượng lượng thần bí, âm binh nào đó “phù hộ” cho”, Đại đức Thắng nhấn mạnh.
Thượng tọa Thích Đức Trường: Đốt vàng mã có hại chứ không có lợi ích gì
Trả lời báo Tuổi Trẻ, Thượng tọa Thích Đức Trường - phó ban hoằng pháp kiêm trưởng đoàn giảng sư Phật giáo TP.HCM - khẳng định hiện tượng đốt vàng mã không đem lại lợi ích thiết thực gì cho xã hội, ngược lại còn có hại.
Thứ nhất là phí phạm tài sản, chẳng hạn mỗi người mua vàng mã với số tiền nào đó rồi đem đốt, đó là giá trị phải mất thật (bằng cách đốt bỏ), trong khi người chết không hưởng được gì cả.
Thứ hai là niềm tin không đúng bị nuôi dưỡng một cách mù quáng, tức là người thực hiện việc đốt vàng mã có thể chẳng hiểu gì về tác dụng của việc làm mà chỉ bắt chước làm theo, do lo sợ, do tham lam muốn "mua chuộc" sự phò trợ của ông bà, tổ tiên hay thậm chí là... báo hiếu.
Thứ ba là ô nhiễm môi trường do khói đốt vàng mã cùng nguy cơ cháy nổ rất lớn...
Thượng tọa Thích Đức Trường cho rằng đốt vàng mã có hại chứ không có lợi ích gì. |
Hòa Thượng Thích Thanh Từ: Đốt vàng mã để người thân tiêu xài là niềm tin phi lý
Trong một buổi nói chuyện với các Phật tử, trả lời câu hỏi về việc đốt vàng mã, người đã mất có được hưởng không, Hòa Thượng Thích Thanh Từ - Viện trưởng Thiền Viện Trúc Lâm - nói:
“Nếu con cháu đốt giấy tiền vàng bạc rồi cầu nguyện cho cha mẹ hưởng, tôi e rằng ở tù chứ chẳng được hưởng. Tại sao? Vì mang bạc giả xuống Âm Phủ xài là bất hợp pháp. Nếu đốt nhà lầu xe hơi giấy, cầu cho thân nhân mình nhận về ở và đi, tôi cho rằng nếu ai làm như vậy là hại thân nhân của mình. Vì nếu họ nhận được thì họ có nhà lầu để ở, có xe hơi để đi, có tiền bạc để xài, đủ tiện nghi quá thì họ sẽ ở mãi cõi âm, không đi đầu thai. Đó là trường hợp thân nhân của mình lúc sống có chút phước lành.
Còn nếu là kẻ có tội thì chết đọa địa ngục bị giam nhốt hành hạ làm sao mà nhận tiền bạc nhà xe để xài? Đó là chưa nói đến nhà xe tiền bạc bị đốt thành tro thì dùng làm sao được? Thật là vô lý!”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Đốt vàng mã gây hại cho người đã mất
Đồng quan điểm với, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế – Trung ương GHPGVN cũng cho rằng, việc đốt nhà cửa, xe cộ, đồ dùng cho người chết hưởng hoàn toàn không hợp lý và cần thiết.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, ai có quan niệm này, khi chết chưa được đi đầu thai, mang theo quan niệm sai lầm, sẽ cảm thấy khổ đau cùng cực. Vì việc đốt giấy vàng mã tạo ra ảo giác khiến người chết bị trói buộc. Cho nên, thế giới vàng mã không có tác dụng mà còn gây hại cho người đã chết là như vậy.
"Mua vàng mã, tiền giấy đốt thì không chỉ làm hại người chết mà người sống cũng mắc tội mê tín, lãng phí", theo Thượng tọa Thích Nhật Từ. |
Thượng tọa nhắc nhở, thay vì việc dùng tiền mua vàng mã để đốt, con cháu, gia đình hãy dùng số tiền này đi mua vật thực giúp cho người nghèo, người kém may mắn hơn mình rồi hối hướng cho người đã mất. Nếu làm được như vậy thì cả người sống và người chết đều có phước. Còn mua vàng mã, tiền giấy đốt thì không chỉ làm hại người chết mà người sống cũng mắc tội mê tín, lãng phí.
Muốn được về nơi an ổn sau khi chết thì không có cách nào khác là tu dưỡng nội tâm, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý và làm nhiều việc lành.
Sư thầy Thích Phước Niệm: Hãy làm từ thiện thay vì đốt vàng mã
Trên báo Tuổi Trẻ, sư thầy Thích Phước Niệm - giám tự, ủy viên Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, kể mình đã từng chứng kiến một gia đình mua giấy tiền vàng mã đến hơn 100 triệu đồng với đủ loại hình ảnh, mô hình.
Không chỉ là giấy tiền, nhiều người còn chọn những mô hình rất “hoành tráng” như nhà lầu, xe hơi, ngân hàng, máy ATM, điện thoại đời mới… để đốt trong những dịp cúng bái, cầu an, cầu may.
Theo sư thầy Thích Phước Niệm, nếu có dư dả tiền của thì có thể dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người khác thay vì đi mua mô hình nhà, mô hình xe… về chỉ để đốt bỏ, vì như vậy là rất lãng phí.
Hãy làm từ thiện thay vì đốt vàng mã, theo sư thầy Thích Phước Niệm. |
Sư thầy Thích Tịnh Giác: Đốt vàng mã là lừa gạt chính mình
Theo sư thầy Thích Tịnh Giác - Trụ trì chùa Phúc Sơn, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội - nhiều người cúng cả triệu nhưng lại không dám cầm 1 triệu đó ra để đốt, mà phải tốn thêm cả 100 nghìn mua vàng mã, tức là quy đổi tiền thật thành tiền giả, đồ dùng giả sau đó mới mang về đốt để lừa dối chính mình. Như vậy, chúng ta như đang sống có xác mà không có hồn, không có sự tỉnh thức, còn gây lãng phí vô cùng lớn cho xã hội.
Thay vì đóng góp tiền để giúp đỡ những người khổ hạnh, vượt qua bệnh tật thì họ lại dùng tiền để mua vàng mã đốt cho một thế lực siêu hình, cầu mong được bình an, được nhiều sức khỏe. Nhưng chẳng ai biết rằng có sức khỏe hay không, có gặp nhiều may mắn hay không là chính bản thân mình, chứ không phải do ai cho cả.