Cố gắng duy trì bữa ăn gia đình trong dịp Tết càng gần bình thường càng tốt, đủ 3 bữa chính trong ngày - Ảnh: minh họa |
Những món ăn ngày Tết như thịt đông, nem rán, giò chả, chân giò, bánh chưng, bánh tét, kẹo, mứt, nước ngọt, bia… đều chứa nhiều calo, nhiều chất béo bão hòa, ít chất xơ… nguy cơ thừa năng lượng gây tăng cân là điều khó tránh.
Việc tăng cân không chỉ ảnh hưởng tới vóc dáng mà còn gây ra những điều không tích cực cho sức khỏe, đặc biệt là những người bị mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch...
- Khi mua sắm Tết, ngoài việc chọn thực phẩm tươi sống hoặc thức ăn công nghiệp an toàn, nên mua rau lá xanh và trái cây cho ngày 30, mùng 1, mua bí bầu, su su, cà rốt, bắp cải... cho các ngày mùng 2, 3 để có đủ rau ăn khi vào mùng 4 mới nhóm chợ.
Rau củ luôn cần thiết cho người không muốn tăng cân và chống táo bón, giảm mụn nhọt.
Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ
Ăn nhiều đồ ăn chiên rán sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe. Đồ ăn được chiên ở nhiệt độ quá cao có thể sản sinh ra các chất có hại. Tình trạng mụn nhọt cũng được dịp bùng phát nếu bạn ăn quá nhiều đồ dầu mỡ do cơ thể không kịp thanh lọc, bài tiết được các chất này.
Ăn nhiều rau xanh và trái cây
Phần lớn thức ăn ngày Tết thường giàu chất đạm, chất béo và ít vitamin như cá, thịt, giò chả, bánh kẹo… Bên cạnh đó, đây còn là những thực phẩm giàu năng lượng nên dễ gây tăng cân, béo phì.
Do vậy, bạn nên ăn uống điều độ và khoa học, kết hợp nhiều rau xanh cùng trái cây tươi để bổ sung vitamin. Một đĩa rau xanh hay trái cây tươi sẽ là cách tốt để bạn bớt ngán, làm đẹp da và tránh tăng cân.
Hạn chế đồ uống có cồn
Rượu, bia là món không thể thiếu trong dịp Tết nhưng về mặt dinh dưỡng, rượu là chất có hại cho cơ thể, độ cồn trong rượu càng cao, tác dụng độc càng mạnh, rượu bia cũng chứa một lượng năng lượng đáng kể. Vì vậy, dù vui đến mấy cũng chỉ nên uống rượu bia thật chừng mực, đủ để kích thích ăn ngon và vui vẻ với không khí Tết.
Không ăn nhiều bánh chưng, bánh tét
Đây là món ăn truyền thống của người Việt khi Tết đến xuân về. Một miếng bánh chưng, bánh tét 50g có giá trị dinh dưỡng 162 calo, trong đó, gồm: 2g chất béo, 11mg cholesterol, 9g chất đạm và 28g tinh bột. Lượng tinh bột cao nên khi ăn bạn hãy chọn bánh nhân đậu thay vì thịt mỡ. Nếu ăn quá nhiều bánh trong ngày thì cố gắng không nạp thêm tinh bột đơn giản nào khác.
Ăn đủ bữa
Cố gắng duy trì bữa ăn gia đình trong dịp Tết càng gần bình thường càng tốt, đủ 3 bữa chính trong ngày.
- Hạn chế thức ăn, thức uống lặt vặt trong ngày. Nên ăn trong bữa chính hoặc tập trung thành bữa phụ.
- Nên ăn ngược quy trình bình thường: Ăn trái cây, rau trộn, canh rau trước rồi mới ăn cơm với thịt, cá.
- Bữa sáng ăn no, bữa trưa ăn vừa đủ và ăn nhẹ vào buổi tối. Không nên ăn nhiều sau 7 giờ tối.
Ăn vặt hợp lý
Các loại hạt như hạnh nhân, hạt dẻ, hướng dương, mắc ca... đều giàu chất omega, bên cạnh đó là chất xơ, các nhóm vitamin B, E và chất khoáng.
Uống đủ nước và trà xanh
Cần uống đủ 2 lít nước/ngày. Uống nhiều nước cũng giúp bạn giảm ăn. Nên uống nước lọc, nước quả hoặc chế biến thành nước sinh tố ít đường như nước ép dưa chuột, bí xanh, cà rốt, củ đậu... Hạn chế tối đa rượu bia và các loại nước uống có ga.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học cần chú ý duy trì các hoạt động vận động thể dục, thể thao ít nhất 30 phút/ngày, vận động giúp tăng cường sức khỏe, tiêu hao năng lượng, giúp hạn chế tăng cân.
Ngoài ra, giờ giấc trong ngày nghỉ Tết tất nhiên là không thể theo đúng thời khóa biểu, đặc biệt là giấc ngủ. Thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi, mất sức sống và còn có thể khiến cơ thể bạn tăng cân như là một phản ứng của stress. Vậy nên dù bạn bận rộn với những bữa tiệc, những cuộc du xuân thì nên cố gắng ngủ đủ 8 tiếng một ngày để có một mùa Tết thêm trọn vẹn.