Đêm khuya… Nhà hàng xóm đột nhiên ầm ĩ. Tiếng người vợ đay nghiến chồng như xoáy vào đêm, xót gan xót ruột. Mình dứt luôn giấc ngủ vừa chớm. “Anh còn vác mặt về hả! Sao anh không chết ngoài lề đường xó chợ nào đó luôn đi! Về hành vợ hành con hả… hả… hả…”! Người đàn bà cứ như đem hết cái khổ mà đổ vào từng lời, nghe rát họng, nghe chấp chới, nghe xót lòng quá! Mình biết cô ấy, bán bún chả ở đầu ngõ, ông chồng chạy xe ôm, chở khách thì ít nhưng thích là chạy… rông luôn, chẳng thèm mò về nhà. Người trong xóm đồn, ổng chạy xe ôm nhưng là chạy xe tới… ôm con nhỏ làm tóc ở đâu đó phía bên kia cầu. Hôm nào ổng ở nhà thì yên, hôm nào ổng đi luôn thì nghe vài tiếng rấm rức, còn ầm ĩ kiểu này là biết ổng trở chứng về nhà giữa đêm.
Mới hai tháng trước… Cũng đêm hôm khuya khoắt. Cả xóm giật mình đổ tới nhà ổng. Cô vợ ngồi bệt giữa nhà, tóc tai rũ rượi, vừa thở dốc vừa gào lên những tiếng chói tai: “Tưởng tôi không biết hả? Tôi để yên cho anh là vì con. Vậy mà anh còn không biết thân. Anh đưa được cho tôi đồng nào chưa hả? Mà dám về nhà lấy tiền cho nó! Huhu… Anh cho tôi được gì hả…”. Cô càng gào càng lạc giọng. Đỏ mặt tía tai, ông chồng lao vào tát vợ rồi gầm lên “Thôi ngay!”. Vậy là cô vợ khóc rống đòi sống đòi chết. Mình nhớ, bố mẹ mình phải nhảy vào can thiệp, người can chồng, người khuyên vợ… Về nhà, không ngủ lại được, cứ mệt rũ như đi đánh trận…
Ảnh minh họa. |
Mình không tưởng tượng nổi. Mình học xong đại học, về quê công tác là đã thấy trong xóm có một cô “gào”. Vậy là bốn năm đủ thay đổi một người đàn bà sao? Riết rồi mình thấy sợ, thấy bao nhiêu lý tưởng, bao nhiêu mộng đẹp về cuộc sống hôn nhân như vỡ ra trong tiếng gào của cô ấy; thấy những hình dung về người phụ nữ dịu dàng, hiền đảm bỗng như hoang đường. Mà nếu ngày trước cô ấy đẹp thật, hiền thật, thì giờ cũng đã trơ mòn cả.
Sáng đi ngang hàng bún chả, ghé vào mua một ít về cho bố mẹ. Cô bán hàng quen miệng vẫn hay chửi xơi xơi, nhưng cả xóm đều công nhận cô nấu ăn ngon, nên hàng bún cứ đông khách. Mà cô chửi khách lắm lúc cũng như chửi chồng. Mẹ nói: “Rủa xả mãi nó thành quen miệng!”. Đến lúc chẳng cần phải giữ lại sự dịu dàng cho ai, thì dịu dàng làm gì nữa. Một mình gồng gánh nuôi hai đứa con là đủ khổ, đủ nhọc nhằn để người đàn bà quên luôn những điều vụn vặt ngày xưa. Mẹ kể, bán buôn khắc nghiệt đã đành, lại thêm ông chồng vừa phá của vừa trăng hoa, cưới nhau chưa tròn năm đã sinh tật, cô ấy khổ từ đó đến giờ. Họ hàng của cô ấy ở quê cả, không ai ở gần đỡ đần, chắc càng tủi thân. Mỗi lần cô ấy chửi, cứ thấy vừa giận vừa thương.
Khách đông. Mình ngồi chờ. Vài người sốt ruột, vừa hối đã bị cô chủ gắt: “Đến sau mà cha, ráng chờ đi, không thấy người ta làm tối mắt đấy à!”. Mình nhìn động tác lật chả, chan nước mắm của cô, thấy uyển chuyển mềm mại quá, đâm cảm tình. Mà khuôn mặt cô vẫn còn rất trẻ trung, chỉ hơi khắc khổ. Nghĩ đàn bà mười hai bến nước, nhờ phước chồng thiệt. Như người này, nếu gặp anh chồng ngon lành, chắc vui vẻ phải biết.
Thằng con trai lớn bỗng đâu từ trong nhà chạy ra, hớn hở bá cổ mẹ: “Mẹ ơi, em ngủ rồi, em không khóc nữa, con phụ mẹ nha!”. Quay sang con, cô cười hiền lành, nựng nó một cái rõ to, rồi khen nó ngoan. Trời ạ, mình hết hồn. Trông dịu dàng quá thể. Đây chắc là người đàn bà “đẹp lắm, hiền lắm ngày xưa” mà mẹ nói. Ở bên con, trông cô ấy như tan hết vẻ khổ sở, khó chịu, nhọc nhằn, tiếng nói cũng nhẹ nhàng dễ thương. Mới đêm qua còn gào lên đó. Đúng là phụ nữ có quyền dịu dàng, dịu dàng như trời sinh ra họ là như vậy. Dù cuộc sống chẳng phải lúc nào cũng như dự định, mong cô vẫn luôn được hiền hậu như lúc này. Khốn nạn thay cho những ông chồng đã không biết giữ giùm vợ mình những khoảnh khắc dịu dàng như thế.