Điều đáng sợ trong nghĩa địa ô tô khổng lồ ở Bắc Giang

Hơn 10 năm qua, người dân thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã chuyển đổi từ nghề thu mua phế liệu sang nghề mổ xe ôtô…Cả làng bây giờ như một bãi phế thải hay có thể ví là "nghĩa địa" của đủ loại xe.

Tuy nhiên, đổi lại sự giàu có ấy, người dân đang phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ từ rác thải, phế liệu của các bãi "mổ xe" là không hề nhỏ.
Chuyển mình từ nghề đồng nát
Đến nằm mơ, người dân của thôn Thuyền cũng chả thể nghĩ được họ đã trở thành một ngôi làng tiếng tăm với cái tên "làng tỷ phú". Bởi hơn chục năm trước, bất kỳ người dân nào bước ra khỏi làng đều đeo cái mác "làng đồng nát". Cái tên đó đằng đẵng đeo bám họ hơn một thế kỷ, cả làng từ người già đến trẻ nhỏ "tay xách, nách mang" đôi quang gánh, rổ sọt hay chiếc xe đạp thồ, có khi thêm thùng kẹo kéo bên cạnh. Họ đi khắp thôn cùng ngõ hẻm, ra rả rao "ai bán đồng nát" không?
Họ mua bất cứ thứ gì có thể bán lại, tái chế được để kiếm tiền. Thế rồi tiếng rao đồng nát cứ thưa dần vì nguồn hàng khan hiếm… có giai đoạn tưởng như làng mất nghề. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó chỉ thời gian nghỉ ngơi để "ngôi làng đồng nát" này có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Họ bắt đầu đi tìm những món hàng lớn, có giá trị lớn hơn. Và, họ quyết định mua bán phế liệu xe ôtô cũ, lựa chọn việc này để giữ nghề, làm giàu. Những gia đình có vốn lớn, mạnh dạn mở hẳn đại lý thu gom, cứ như vậy, các ông chủ ngày càng nhiều hơn, "ngôi làng đồng nát" chuyển mình thành "thủ phủ mổ ôtô" tiếng tăm khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Chúng tôi đến thôn Thuyền vào đúng những ngày nắng nóng đỉnh điểm của miền Bắc, mới chỉ bước vào đầu làng đã cảm nhận được một bầu không khí ngột ngạt của dầu mỡ, của mùi cao su… Nơi đây ngổn ngang như "nghĩa địa" khổng lồ với các loại xe cơ giới lớn, nhỏ. Phụ tùng ôtô, máy xúc, máy ủi, bánh xe to, nhỏ chất đống hai bên đường. Hàng chục bãi đắp đầy nhíp, máy, trục hoen gỉ được phân loại rõ ràng sau khi được tháo dỡ. Bên cạnh đó là những chiếc xe ôtô "hết đát", đủ chủng loại như: xe buýt, xe khách, xe tải, thậm chí là những chiếc xe con thương hiệu sang trọng như Camry, BMW…
Bên cạnh sự ngổn ngang xác xe là những âm thanh đinh tai nhức óc của tiếng máy cắt kim loại, tiếng búa đập, lấp loáng ánh lửa khò. Theo như các thợ mổ xe ở đây thì không có chiếc xe nào là hỏng hoàn toàn, kể cả những chiếc xe phải cẩu, kéo về bãi. Cứ mổ xe ra là vẫn còn những bộ phận hoạt động được, có thể dùng để lắp ráp vào những chiếc xe khác.
Theo tiết lộ, đó mới là những món hàng hời nhất mà các đại lý ở đây thu về được. Anh Lê Hiệp (một thợ "mổ xe") lấm lem dầu mỡ, nói như hét để át đi tiếng máy cắt: "Không có gì bỏ đi cả, cái gì chúng tôi cũng dùng đến… kể cả mấy cái ốc vít đến vỏ ghế rách cũng ra tiền. Những đồ tháo ra sẽ được khách hàng từ khắp nơi tìm đến mua, hoặc chủ xưởng sẽ mang giao hàng cho khách khi có đơn đặt".
Nói về cái tên làng "mổ xe", ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Dĩnh Trì cho hay: "Thôn Thuyền được gọi là thôn "mổ xe" là vì người dân chuyên đi thu mua những chiếc ôtô, tàu thủy, máy ủi, máy cẩu, máy xúc… đã hỏng, cũ nát về phá dỡ lấy phụ tùng, linh kiện còn sử dụng được bán cho các cơ sở trong nước, những thứ không dùng được thì đem bán phế liệu làm sản phẩm tái chế".
Xe cũ được “mổ xẻ” ngổn ngang khắp nơi.
 Xe cũ được “mổ xẻ” ngổn ngang khắp nơi.
Qua tìm hiểu, cả làng có 350 hộ thì có tới 40 hộ làm nghề mổ xe, tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động trong và ngoài thôn. Hơn chục năm nay, thôn Thuyền không còn hộ nghèo, một số gia đình xây dựng được nhà lớn, xe hơi.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Cốp, Nguyễn Khắc Cường là một trong những người giàu lên vì nghề. Để phục vụ cho công việc, mỗi hộ đều có bãi chứa phụ tùng, bãi nhỏ cũng vài trăm m2, lớn thì lên tới hàng nghìn m². Mỗi bãi phế liệu là cả một khối tài sản khổng lồ có giá trị từ vài trăm triệu thậm chí lên cả chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thuận (trưởng thôn Thuyền) chia sẻ: "Rõ ràng từ khi có nghề "mổ xe", đời sống, kinh tế của làng chúng tôi tăng lên rõ rệt. Khoảng 10 năm nay không còn có hộ nghèo, đặc biệt hơn số hộ có tài sản hàng tỷ đồng không phải là hiếm nữa. Anh chị thấy đó, đi vào làng bây giờ khang trang lắm, nhiều gia đình đã xây được biệt thự, sắm xe hơi bạc tỷ. Những chiếc xe hơi có giá trị từ 300 - 500 triệu thì cả làng có vài chục chiếc rồi".
Người dân ở thôn Thuyền không còn phải đạp xe đi khắp các con ngõ để thu mua phế liệu như trước. Giờ đây, các chủ lò "mổ xe" trong thôn đàng hoàng đi xe hơi đến các hội trường lớn để tham gia đấu giá những lô hàng thanh lý. Thực sự thôn Thuyền đang dần dần chuyển mình thành một ngôi làng doanh nhân.
Ông Hà Văn Bút, một chủ cơ sở "mổ xe" tâm sự: "Chúng tôi lúc nào cũng rơi vào trình trạng thiếu vốn, có những phi vụ thanh lý giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Nhìn thấy có lãi nhưng sức của một hộ là không thể cáng đáng được. Lúc này, các hộ trong làng sẽ hùn vốn vào với nhau để đấu giá".
Với số vốn dành dụm được trong nhiều năm làm nghề, đã không ít ông chủ cơ sở chuyển hẳn sang làm môi giới hoặc thu mua "xe chạy" (xe đang sử dụng) để bán lại. Nghề này không phải muốn làm là được mà cần phải có có một đội ngũ "chân rết" cực lớn để nắm thông tin ở đâu có người mua, bán. Đồng thời số vốn phải gấp nhiều lần so với nghề "mổ xe" vì có những chiếc xe có giá cả tỷ đồng.
Chính nhờ nghề "mổ xe", buôn bán xe hơi mà thôn Thuyền hiếm có người thất nghiệp, các thanh niên tại đây học xong phổ thông nếu không đi học sẽ kế nghiệp gia đình hoặc đi làm thuê cho các xưởng phá dỡ. Thu nhập của thợ phổ thông trung bình cũng từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, phụ nữ tham gia nghề cũng được đôi ba triệu.
Anh Lê Văn Bình (một công nhân) cho biết: "Em học xong phổ thông, không thi đỗ đại học nên đã xin vào xưởng này làm. Lương cũng được 5 -7 triệu đồng/tháng, một người thợ lành nghề có thể 1-2 ngày là "mổ" xong một chiếc xe, còn tay mới có khi cả tuần mới xong. Nói gì thì nói, đây cũng là một công việc nặng nhọc, lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ, rồi tiếng ồn đinh tai nhức óc quanh năm. Nhiều khi đi làm về thấy người rất mệt mỏi, nhiều khả năng là vì tiếp xúc thường xuyên với mạt kim loại, khí gas, oxy…Vận chuyển cũng khá vất vả, sắp xếp phụ tùng thì nặng lắm".
Biệt thự mọc lên như nấm ở thôn Thuyền.
 Biệt thự mọc lên như nấm ở thôn Thuyền.
Nỗi lo về môi trường
Sau hơn 10 năm, thôn Thuyền đã thay da đổi thịt. Và, người dân cũng đang thấm thía, cảm nhận được những mặt trái mà họ đang phải gánh chịu. Vào thôn Thuyền ai cũng có cảm giác như lạc vào "mê cung" của những bức tường sắt cũ kỹ, gỉ hoen hai bên đường. Các khối phế liệu, xe ôtô cũ được các hộ xếp trước cửa, thậm chí trong nhà cũng chứa rất nhiều phế liệu khắp lối đi. Bên cạnh đó là tiếng máy cắt kim loại rít lên từng hồi, ánh lửa khò, lửa hàn chớp liên tục khiến cả thôn Thuyền không một phút ngơi nghỉ.
Chị Nguyễn Thị Thanh (một người dân địa phương) chia sẻ: "Khắp từ đầu làng tới cuối làng, đâu cũng có xác xe cũ, hoen gỉ, sắt vụn, săm, lốp cũ bày tràn ra đường. Nói chung là không khí ở đây ngột ngạt lắm, đâu cũng là âm thanh của búa, của máy cắt rất khó chịu. Ngày nào chúng tôi cũng phải ngửi mùi xăng dầu, khói đốt rác thải, dần dần cũng thành quen. Ai trong làng cũng biết là mình đang sống giữa môi trường ô nhiễm nhưng cũng phải cố gắng chịu đựng, đơn giản vì quê tôi chỉ có nghề "mổ xe" để bà con kiếm sống".
Người dân ở đây đang chịu cảnh ô nhiễm môi trường và tiếng ồn rất nặng nề.
Người dân ở đây đang chịu cảnh ô nhiễm môi trường và tiếng ồn rất nặng nề. 
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Chủ tịch UBND xã Dĩnh Trì) thừa nhận, rác thải từ các lò "mổ xe" thuộc loại rác thải công nghiệp nên công ty rác đô thị không tiếp nhận xử lý. Chính vì thế, thường xuyên xảy ra tình trạng một số hộ đã đốt trộm các loại giẻ lau dầu mỡ, ghế da quá nát. Người dân địa phương đã bố trí một khu đất riêng để làm xưởng và bãi chứa đồ phế thải tuy nhiên do diện tích nhỏ nên vẫn còn nhiều cơ sở nghề tồn tại xen lẫn với khu dân cư.
Về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vẫn còn chủ quan, UBND xã mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền mà chưa thực hiện kiểm tra và cũng chưa thấy đơn vị chuyên môn cháy nổ về kiểm tra, xử lý. Theo ông Hòa, các cơ sở "mổ xe" ở đây đều tự phát, không có giấy phép kinh doanh và chưa thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường, PCCC.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ tập hợp các hộ lại thống nhất để có một đầu mối thu gom rác và những hộ hành nghề "mổ xe" sẽ bỏ kinh phí. Thời gian tới, UBND xã sẽ cùng Phòng Tài nguyên - Môi trường tổ chức tập huấn cho các hộ dân và tiếp tục ký cam kết về bảo vệ môi trường. Đồng thời, kết hợp kiểm tra chặt chẽ, xử lý một vài trường hợp để tạo tính răn đe", ông Hòa nhấn mạnh.

Đọc nhiều nhất

Tin mới