Theo tử vi, người tuổi Tý có đầu óc nhanh nhạy và thông minh, đây là con vật nhỏ nhất trong 12 con giáp nhưng lại là linh vật xếp hạng đầu tiên trong hàng Can Chi. Hơn nữa tuổi Tý còn có trí tuệ thì mới có thể giành được vị trí như vậy trong cuộc đua đến Thiên Đình trong truyền thuyết.
Người tuổi này được thừa hưởng được sự thông minh và nhạy bén. Sức mạnh của người tuổi Tý chính là đầu óc siêu phàm.
Trên sàn chứng khoán, hiện cũng có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tuổi Tý (sinh năm 1948, 1960, 1972, 1984...) như ông Dương Công Minh – Chủ tịch Sacombank, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai hay bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch FPT Retail…
Ông Trần Bá Dương
Ông Trần Bá Dương sinh năm 1960 tại Huế. Kể về con đường lập nghiệp, ông chủ Trường Hải cho biết bản thân lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ bươn chải nuôi các anh em ăn học.
Ông Trần Bá Dương. |
"Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, tôi xin làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò. Sau đó, nhờ kiến thức trong nhà trường, tôi đưa ra dự án 'Chuyển đổi tay lái nghịch', dự án của tôi được Bộ GT-VT chấp nhận.
Công ty giao cho tôi quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán, từ đó tôi có điều kiện tích lũy và phát huy khả năng của mình. Năm 1997 tôi xin nghỉ và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình" - ông chủ Thaco từng chia sẻ.
Ông Dương đang nắm quyền chi phối tại Thaco. Mặc dù tập đoàn này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, song trên sàn OTC, cổ phiếu Thaco luôn được giao dịch từ 150.000 - 180.000 đồng/đơn vị.
Ông chủ Thaco cũng là 1 trong 5 doanh nhân nằm trong danh sách tỷ phú USD do Forbes bình chọn tính đến cuối năm 2019. Được biết, ông Trần Bá Dương lọt vào danh sách này lần đầu tháng 3/2018 với tổng tài sản 1,8 tỷ USD xếp thứ 1.339.
Bên cạnh sản xuất ô tô, ông Trần Bá Dương cũng tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là mảng máy nông nghiệp, bất động sản.
Hai năm trở lại đây, hình ảnh của ông chủ Thaco xuất hiện nhiều hơn trong thương vụ ‘giải cứu’ công ty nông nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai Agrico).
Bên cạnh đó, ngày 3/1, nhiều thông tin đồn đoán cho rằng ông Dương tiếp tục ‘giải cứu’ cho công ty thuỷ sản đang gặp khó của ông Dương Ngọc Minh.
Bà Nguyễn Bạch Điệp
Bà Nguyễn Bạch Điệp sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mở TP. HCM ngành Quản trị kinh doanh. Sau khi ra trường bà làm việc ở vị trí bán hàng tại một cửa hàng FPT.
Năm 2012, FPT Retail với thương hiệu FPT Shop chính thức có giấy phép thành lập công ty cổ phần, số lượng cửa hàng ban đầu là 17. Là người đến sau trên thị trường bán lẻ khốc liệt, FPT Shop, đặc biệt là ban lãnh đạo của thương hiệu này và bà Điệp, phải đứng trước “áp lực kinh khủng”.
Bà Nguyễn Bạch Điệp. |
Với biệt danh “người đàn bà thép”, bà Điệp là người có công lớn phát triển FPT Retail. Dưới sự điều hành của bà, từ 17 cửa hàng ban đầu, đến nay FPT Shop đã có hơn 500 cửa hàng trên hệ thống cả nước, vươn lên thành nhà bán lẻ di động top 2 thị trường Việt Nam.
Nữ doanh nhân Nguyễn Bạch Điệp cũng được Forbes vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam vào năm 2018.
Vào tháng 4/2018, 40 triệu cổ phiếu FRT của FPT Retail đã chính thức niêm yết trên sàn HoSE đã khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngày khi chào sàn, cổ phiếu FRT đã tăng kịch trần 20% lên 150.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của FPT Retail theo đó tăng vọt từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Ông Dương Công Minh
Ông Dương Công Minh sinh ngày 5/10/1960 quê ở Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý các doanh nghiệp quân đội.
Ông Dương Công Minh. |
Ông Minh hiện đang là Chủ tịch Ngân hàng Sacombank, trước đó ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đồng thời là Chủ tịch CTCP Him Lam - một đơn vị chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án tầm cỡ. Cũng từ đó, ông Minh được biết đến với biệt danh “Minh Him Lam”.
Sau nhiều lùm xùm quanh ‘ghế nóng’ của Sacombank, cuối cùng ông Dương Công Minh cũng lên lãnh đạo nhà băng này từ tháng 7/2017. Chưa tới 3 năm dưới thời ông Minh, Sacombank dần lột xác và tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể.
Tại lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết, lợi nhuận ước tính cả 2019 đạt 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông, và cao hơn gần 1.000 tỷ so với thực hiện trong năm 2018.
Tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2019 đạt 457 ngàn tỷ đồng, huy động vốn đạt 413 ngàn tỷ đồng, cho vay hơn 296 ngàn tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 1,75%.
Hiện tại, cá nhân ông Minh trực tiếp sở hữu 62,56 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, tương đương hơn 638 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai, sinh năm 1960, nguyên quán Phú Yên. Bà là người thành lập và điều hành CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG). Chỉ học hết lớp 12, không hề có một tấm bằng đại học nào nhưng bà Loan vẫn là một “nữ tướng” đáng nể trên thương trường Việt Nam.
Năm 2013, bà Như Loan lọt vào top 100 nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được vinh danh và nhận cúp Bông hồng vàng (là giải thưởng do phòng thương mại và công nghiệp VN - VCCI - phối hợp với Hội phụ nữ VN tổ chức nhằm vinh danh nữ doanh nhân tiêu biểu của năm).
Bà Nguyễn Thị Như Loan. |
Bà Loan khởi nghiệp với nghề chế biến, cung cấp đồ gỗ. Nhờ nghề này, bà đã có được một cơ ngơi đồ sộ, một gia sản khổng lồ từ những năm 80. Thời đó, cùng với ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức), bà Loan là một trong hai chủ buôn gỗ lớn nhất ở tỉnh Gia Lai.
Năm 1994, bà Loan lập ra Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường. Năm 2007, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và đổi tên thành CTCP Quốc Cường Gia Lai, nổi tiếng trong lĩnh vục kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sự nghiệp của nữ doanh nhân này cũng thuận buồm xuôi gió. Thị trường chứng khoán và bất động sản đi xuống làm tài sản của bà Loan giảm đi đáng kể. Việc kinh doanh nhà đất gặp nhiều khó khăn, Công ty của bà nhiều lần phải báo lỗ.
Tuy vậy, nhờ tiền đền bù dự án, Công ty bà Loan đạt lãi ròng 37 tỷ đồng trong quý 3/2019. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần Quốc Cường Gia Lai tăng 33% lên 689 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 66% lên 74 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Thành
Ông Đặng Văn Thành sinh ngày 11/04/1960, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).
Khởi nghiệp và gầy dựng thành công Ngân hàng Sacombank, có thời điểm Ngân hàng bị các thế lực ngoài dần chiếm cơ ngơi, dù nhiều nỗ lực để gìn giữ thương hiệu nhưng ông Thành buộc phải chia tay với Sacombank từ năm 2012.
Ông Đặng Văn Thành. |
Rời Sacombank, ông Thành còn lại mảng mía đường và bất động sản. Sau đó, ông Thành cùng vợ - bà Huỳnh Bích Ngọc và các con - Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Hồng Anh đã mở rộng thêm các lĩnh vực khác, như năng lượng, du lịch và giáo dục.
Bà Ức My được biết đến là "công chúa mía đường" còn ông Hồng Anh là Chủ tịch sáng lập TTC Land.
Mảng du lịch, năm 2014, TTC mua lại CTCP Golf Việt Nam và đổi tên thành CTCP Du lịch Thành Thành Công (HoSE: VNG).
Mảng năng lượng, ngoài thủy điện, nhiệt điện, TTC đầu tư mạnh mẽ vào điện mặt trời, đánh dấu mốc từ năm 2017 với công bố giải ngân 1 tỷ USD.
Đến nay, TTC đa dạng các loại hình, trong đó điện mặt trời chiếm tới 57% danh mục dự án, còn lại là điện gió (18%), thủy điện (15%), nhiệt điện (10%). CTCP Điện Gia Lai (UPCoM: GEG) là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC, sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió.