Thời gian vừa qua dịch sởi bùng phát và lan rộng ở Hà Nội và một số địa phương trong cả nước khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng. Bởi, sau nhiều năm không chế thành công, hiện sởi lại xuất hiện rất đáng báo động về tình trạng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Theo thống kê của ngành y tế, trong thời gian cuối năm 2013 và đầu năm 2014 dịch sởi bừng phát chủ yếu ở các tình, thành phía bắc như: Yên Bái, Lao Cai, Phú Thọ, Hà Nội …Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã chính thức xác nhận dịch sởi đã xuất hiện tại các tỉnh, thành phía nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.
Vậy, nguyên nhân do đâu khiến dịch sởi bùng phát trở lại sau nhiều năm khống chế thành công? Và ngành y tế đã có những biện pháp gì để ngăn chặn trước khi sởi phát triển thành đại dịch.
Chủ yếu xuất hiện ở trẻ chưa tiêm phòng
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch sởi xuất hiện và mắc chủ yếu ở những trẻ chưa tiêm phòng vắc xin phòng, chống sởi. Theo điều tra của phóng viên Kiến thức, tại các bệnh viện như Bạch Mai, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Nhi Trung ương, trẻ mắc sởi được phân thành 2 đối tượng chính. Đó là nhóm trẻ mắc sởi ở dưới 9 tháng tuổi và nhóm trẻ mắc sởi trên 9 tháng tuổi.
Đối với nhóm trẻ mắc sởi trên 9 tháng tuổi, đa số là trẻ chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng nhưng chưa đủ liều. Lý giải vấn đề này tại Hội Nghị triển khai phòng và chống dịch mùa Đông Xuân năm 2014, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, theo quy định, trẻ trên 9 tháng tuổi là đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng chống sởi. Theo đó, khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe và không mắc các bệnh chống chỉ định với loại vắc xin này thì đủ điều kiện tiêm phòng sởi mũi 1 và khi trẻ đủ 18 tháng tuổi thì sẽ tiến hành tiêm phòng sởi mũi 2.
Khi nói về vấn đề bệnh sởi quay trở lại trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong thời gian qua, ông Cảm cho hay: “Những trường hợp trẻ trên 9 tháng mắc sởi chủ yếu là trẻ chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ liều”.
Đối với nhóm trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, nguyên nhân là do hệ miễn dịch phòng sởi từ mẹ truyền sang con yếu. Bởi, các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ hiện này chủ yếu là sinh trong những năm 1980, đầu 1990, trong thời kỳ này việc tiêm phòng sởi chủ yếu chỉ dừng lại ở 1 mũi, vì thế hệ miễn dịch phòng bệnh sởi từ mẹ truyền sang còn còn yếu. Ngoài ra, hiện nay nhiều bà mẹ không nuôi con từ sữa mẹ mà nuôi bộ cũng là lý do khiến trẻ mắc sởi.
Tuy nhiên, đối với nhiều phụ huynh khi nói về việc không tiêm phòng sởi cho con, thì nhiều người cho rằng, thời gian qua do xuất hiện nhiều vụ tai biến do tiêm vắc xin đặc biệt là những vụ tử vong và ăn bớt vắc xin nên nhiều phụ huynh không đủ tự tin đưa con đi tiêm phòng. Chính vì thế trẻ mắc sởi do chưa tiêm phòng vắc xin ngày càng gia tăng.
Bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn đang thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: Lê Phương |
Bộ Y tế ra công điện khẩn
Trước tình hình dịch sởi ngày càng gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch, ngày 10/2/2014 Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã ra công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh sởi đang có tốc độ lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo đó, Cục Y tế Dự phòng yêu cầu các đơn vị trực thuốc bảo đảm đủ thuốc, vắc xin và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch ở các tuyến, cấp kinh phí đầy đủ cho việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sởi; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để phòng chống bệnh sởi, cách tốt nhất là các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Theo đó, trẻ cần được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng bệnh. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc-xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80 - 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc-xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90 - 95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần rà soát thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin sởi để xây dựng triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin bổ sung. Việc tổ chức tiêm vắc xin sởi có thể thực hiện đồng thời với lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc tổ chức riêng một ngày khác. Đồng thời cần tăng cường truyền thông để các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc xin sởi đúng mũi, đúng lịch; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh lây lan.
Thời tiết thay đổi trẻ nhập viện ồ ạt
Hiện nay, ngoài dịch sởi đang có diễn biến phúc tạp, do thời tiết thay đổi thất thường từ nóng chuyển sang lạnh, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, rất nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện điều trị. Trẻ nhập viện chủ yếu do các bệnh lý như viêm đường hô hấp, viêm phổi nặng, rối loạn đường tiêu hóa …
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trường khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, do thời tiết thay đổi đột ngột nên số lượng bệnh nhi nhập viện trong những ngày này tăng 10% so với thời điểm trước đó.
PGS-TS-BS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh, nếu thấy trẻ bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc thở nhanh, thấy rõ 2 cánh mũi phập phồng thì cần đưa đi khám sớm. Thậm chí, kể cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, không nhanh nhẹn như mọi ngày cũng có thể là dấu hiệu của bệnh.