Sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank và Signature Bank khiến giới đầu tư lo ngại về mức độ ảnh hưởng. Ngân hàng vì thế cũng là nhóm chịu ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu phiên sáng 13/3.
Đà giảm của nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong vốn hóa kéo VN-Index mất hơn 5 điểm sau ATO. Tuy vậy, càng về cuối phiên, nhóm ngân hàng dần được giải ngân.
Kết phiên 13/3 toàn ngành ngân hàng ghi nhận 20 mã giảm, 5 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, VPB của VPBank diễn biến đầy ấn tượng khi bật tăng 6% đi cùng thanh khoản cao nhất trong hơn 2 tháng qua.
Cổ phiếu VPB bật tăng mạnh mẽ sau khi hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, VPBank đang trong giai đoạn cuối của thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật Bản với giá khoảng 1,4 tỷ USD.
Theo đó, VPBank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, một đơn vị trực thuộc Sumitomo Mitsui, với giá 32.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu. Thỏa thuận dự kiến được ký kết vào cuối tháng này.
Việc thành công phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp vốn chủ sở hữu của VPB tăng đáng kể, góp phần củng cố các chỉ số về an toàn vốn và tạo đà tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh từ năm 2023.
VPB trở thành điểm sáng phiên 13/3? |
Cùng với VPB, TPB của TPBank cũng bật tăng 1,3% và là mã ngân hàng niêm yết hiếm hoi có được sắc xanh trong phiên 13/3.
Cổ phiếu TPB diễn biến có phần tốt hơn thị trường trong những ngày gần đây khi có tới 5/6 phiên gần nhất đóng cửa trong sắc xanh. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng hơn 15% và là một trong những mã có tỷ suất sinh lời cao nhất nhóm ngân hàng.
Thông tin bên lề, TPBank cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 21/3 để trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2.500 đồng/cp. Thời gian chi trả dự kiến là ngày 3/4. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu TPBank.
Trước đó, sau nhiều năm tạm dừng theo yêu cầu của NHNN, TPBank đã tiên phong trong hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt khi thông tin về kế hoạch này cách đây không lâu.
Trong năm 2022, TPBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi nhanh nhất hệ thống, lên tới gần 40%.
SVB có thể là bài kiểm tra về sức mạnh của dòng tiền?
Theo đánh giá của khối phân tích Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities), việc ngân hàng SVB với quy mô tổng tài sản đạt 209 tỷ USD sụp đổ (mức cao thứ hai kể từ sự sụp đổ của ngân hàng Washington Mutual năm 2008) gây tác động tâm lý tiêu cực đến giới đầu tư toàn cầu trong ngắn hạn.
Tuy vậy, về dài hạn điều này có thể khiến Fed phải cân nhắc lại quy mô của các quyết định nâng lãi suất ở các cuộc họp chính sách tiếp theo.
Đánh giá tác động lên thị trường,VietinBank Securities cho rằng tác động tiêu cực từ thông tin của SVB có thể là bài kiểm tra về sức mạnh của dòng tiền, nhất là khi lực bán gần như chắc chắn sẽ tăng mạnh trong giai đoạn đầu tuần. Theo đó công ty chứng khoán này dự báo VN-Index dao động trong biên độ 1.030-1.060 điểm trong tuần 13-17/3.