Theo báo cáo ngành ngân hàng của Mirae Asset, đến hết quý 4/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 14.5%, mức cao nhất kể từ năm 2018. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn dự kiến, do hạn mức tăng trưởng tín dụng mới là 16% được cấp vào thời điểm gần kết thúc năm 2022.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng sơ bộ cho năm 2023 ước đạt 14-15%, tuy nhiên mục tiêu hàng đầu vẫn là ổn định và lành mạnh hóa hoạt động của ngành ngân hàng: Phó Thống đốc NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng mục tiêu cho năm 2023 là khoảng 14-15%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát cao sẽ phần nào kiềm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4.5%, điều chỉnh tăng 0.5%p so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn, nhưng việc kiềm chế lạm phát cũng không đơn giản. Trong 12 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng liên tục từ 0.66% lên 5.21% vào tháng 1/2023.
Việc tăng giá các nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như ngành như điện, giáo dục và xăng dầu làm tăng áp lực lạm phát. Nguồn tín dụng mới sẽ phần nào tăng thanh khoản của thị trường chung.
Chỉ số dư nợ ngành bán lẻ của các ngân hàng. |
Tuy nhiên, sự suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do thay đổi môi trường lãi suất sẽ khiến các NHTM cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao.
Tỷ giá tạm thời ổn định nhưng rủi ro giảm giá đồng nội tệ theo Mirae Asset vẫn còn hiệu hữu do các đợt tăng lãi suất của Fed và nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt. Nhìn chung, dựa trên những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, dự phóng tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của NHNN.
Ưu đãi đặc biệt: Loại trừ các ngân hàng có danh mục tín dụng tương đối nhỏ so với toàn ngành, các ngân hàng lớn (bao gồm HDB, MBB, VPB và VCB) có mức tăng tín dụng vượt trội nhờ tích cực hỗ trợ NHNN trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Mirae Asset kỳ vọng những ngân hàng nói trên sẽ tiếp tục nhận được ưu đãi từ các cấp điều hành trong phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.
Hầu hết các NHTM cố gắng giảm tỷ trọng dư nợ doanh nghiệp trong năm 2022 nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống. Tiêu biểu hai NH lớn như BID và CTG, các khoản cho vay mới cho phân khúc bán lẻ chiếm lần lượt 71% và 77% tổng tăng trưởng tín dụng phát sinh trong năm 2022. Tỷ trọng cho vay phân khúc bán lẻ của ngành ngân hàng cũng tăng 5%p trong năm 2022 lên mức 51%.
NHNN có động thái mềm mỏng hơn đối với tín dụng BĐS; các ngân hàng lại tương đối thận trọng đối với dư nợ nhóm tài sản rủi ro cao: Thống đốc NHNN khẳng định không cấm tăng tín dụng cho ngành BĐS, mục tiêu chính của các biện pháp hạn chế là đảm bảo sự ổn định của ngành ngân hàng.
Đến cuối năm 2022, tín dụng BĐS đạt 2.58 triệu tỷ đồng, tăng 24.3% so cùng kỳ và cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành là 14.5%. Tuy nhiên, lượng giải ngân mới được kỳ vọng sẽ tập trung vào mục đích vay mua nhà hơn là tài trợ vốn trực tiếp cho DN BĐS nhằm giảm thiểu rủi ro tập trung.
Mức tăng trưởng tín dụng. |
Áp lực lãi suất vẫn còn phía trước
Fed liên tục tăng lãi suất điều hành gia tăng áp lực lên lãi suất trong nước: Hiện tại, mức đỉnh lãi suất kỳ vọng đối với thị trường Mỹ đang là 5% - 5.5%, ngụ ý rằng lãi suất Fed vẫn có khả năng tiếp tục tăng khoảng 50bps đến 75bps trong hai kỳ họp sắp tới diễn ra vào tháng 3 và tháng 5.
Ngoài ra, mức lãi suất cao được dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2023. So sánh mức tăng lãi suất điều hành, mức tăng của NHNN (+200bps) thấp hơn nhiều so với mức tăng của Fed (+450bps từ đầu 2022). Điều này có thể dẫn đến dòng chảy ngoại tệ ra khỏi thị trường trong nước.
Khả năng lãi suất tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2023. Tuy mức tăng lãi suất điều hành của NHNN có phần thấp, đồng nội tệ phần nào được hỗ trợ bởi dòng tiền kiều hối ước đạt 19 tỷ đô (+5.5% so cùng kỳ) và kinh tế vĩ mô ổn định.
Tuy nhiên, các kỳ vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể làm giảm sức hấp dẫn của tiền đồng. Ngoài ra, World Banks đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 từ mức 3% xuống còn 1.7%. Lạm phát cao dẫn đến nhu cầu tiêu dùng suy giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam và giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung, các động lực giữ giá cho đồng nội tệ không quá khả quan, có thể dẫn đến sự điều chỉnh từ NHNN trong trường hợp cần thiết.